Bộ Công Thương nhìn nhận, trong năm 2022, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận tải, logistics vẫn ở mức cao; một số nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu nhu cầu thế giới suy giảm... đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng của sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên nhiều ngành công nghiệp chủ lực vẫn bứt phá.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, 11 tháng năm 2022 chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,2%).
Dự kiến năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 9% (cùng kỳ tăng 4,8%) đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành (kế hoạch tăng từ 8,5 - 9%). Giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng khoảng 9%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (4,82%) và cao hơn kịch bản tăng trưởng tại Nghị quyết 01 (kịch bản GDP trong công nghiệp tăng 6,4 - 7,3%).
Đơn cử như đối với sản xuất hàng dệt và may mặc của Việt Nam, dự kiến vải dệt từ sợi tự nhiên cả năm 2022 đạt khoảng 752 triệu m, tăng 9% so với năm 2021, đối với quần áo mặc thường, sản lượng sản xuất dự kiến cả năm 2022 khoảng 5.995 triệu cái, tăng khoảng 28% so với năm 2021.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì động lực của toàn ngành, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo dự kiến tăng trên 9% năm 2022, đóng góp hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt của người dân. Ngành dầu khí về đích trước kế hoạch 2 tháng 18 ngày, đưa 5 mỏ và công trình mới vào khai thác, nhiều hơn 1 công trình so với kế hoạch cả năm, nộp ngân sách hoàn thành kế hoạch cả năm trước 6 tháng. Ngành than cũng đã nỗ lực vượt qua khó khăn, cơ bản hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2022. Công nghiệp ở các địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất với 61 địa phương trên cả nước có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng so với năm 2021.
Đối với ngành da giầy, sản lượng sản xuất dự kiến cả năm 2022 khoảng 329 triệu đôi, tăng khoảng 4% so với năm 2021. Với ngành ôtô, dự kiến sản lượng sản xuất ôtô năm 2022 đạt khoảng 330 nghìn chiếc, tăng 12% so với năm 2021.
Bên cạnh đó, các sản phẩm điện tử, nhất là điện thoại di động, góp phần lớn nhất vào tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam đang mở rộng chuỗi cung ứng, tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị, thay vì chỉ lắp ráp điện thoại di động như trước đây.
Đặc biệt, ngày 25/11/2022, VinFast trở thành hãng ô tô Việt Nam đầu tiên xuất khẩu lô 999 chiếc xe điện VF 8 sang Mỹ, từ cảng MPC Port, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.
Đây là sự kiện có ý nghĩa trọng đại với ngành công nghiệp sản xuất ô tô nước nhà: Lần đầu tiên trong lịch sử, chiếc ô tô mang thương hiệu Việt Nam chính thức tiến ra toàn cầu và cạnh tranh sòng phẳng với những thương hiệu xe hơi tên tuổi trên thế giới, trước tiên là đi vào thị trường Mỹ - một trong những đại bản doanh của ngành công nghiệp ô tô thế giới, tiếp đó là thị trường Canada, châu Âu,… đón đầu xu hướng điện hóa dẫn dắt tương lai di chuyển toàn cầu.
Với việc làm chủ công nghệ sản xuất ô tô điện đạt chất lượng có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Canada và châu Âu, Việt Nam đã thực sự ghi dấu ấn trên bản đồ công nghiệp ô tô trong khu vực và trên thế giới, khẳng định năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã có đủ khả năng tham gia và khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Để tăng tốc phát triển sản xuất công nghiệp trong năm 2023, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đã chỉ đạo, tập trung bám sát kịch bản tăng trưởng và những giải pháp trọng tâm cần thực hiện đã được Bộ Công Thương xây dựng và ban hành, đồng thời giao nhiệm vụ cho từng đơn vị thuộc bộ.
Cụ thể, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.
Bộ cũng sẽ tiếp tục triển khai tích cực Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương. Trên cơ sở đó, phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam.
“Đồng thời, rà soát cơ chế, chính sách tác động đến công nghiệp của từng ngành, sản phẩm. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu để hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa”- lãnh đạo Cục Công nghiệp nhấn mạnh.
Phân tích kỹ hơn, Bộ Công Thương cho rằng, cần điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp từ chủ yếu dựa trên số lượng sang dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả; đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp; tăng cường áp dụng tổ chức sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất công nghiệp; gắn sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; sử dụng tài nguyên và năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất công nghiệp.
Ngoài ra, Bộ cũng chỉ đạo, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất, nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất.
Đồng thời, triển khai các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp theo định hướng ưu tiên đã được xác lập: Phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như: Cơ khí, thép, thiết bị điện...; một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như: Dệt may, da giày, điện tử... công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả công nghiệp phục vụ an ninh, quốc phòng; công nghiệp chế biến sâu đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản; công nghiệp khai khoáng theo hướng chỉ cho phép áp dụng các công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản hiện đại, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững.
Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển công nghiệp; rà soát, cải cách cơ chế, chính sách, quy hoạch phát triển công nghiệp; điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ, đặc biệt là tăng cường liên kết giữa các địa phương trong phát triển công nghiệp, hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp theo lợi thế của các địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác ứng dụng chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất công nghiệp.