Sao chổi sẽ bay cách Trái Đất 45 triệu km vào ngày 2/2, bằng 1/5 lần khoảng cách trung bình từ Trái Đất đến Sao Hỏa, theo Space.
Sao chổi xanh chỉ quay quanh Mặt Trời mỗi 50.000 năm. Do đó, lần gần nhất nó đi qua Trái Đất là vào thời kỳ Đồ Đá.
Mọi người có thể nhìn thấy sao chổi xanh (tên gọi C/2022 E3) ở Bắc bán cầu, tại những nơi ít bị ô nhiễm ánh sáng.
Nó sẽ nằm gần chòm sao Bootes, phía đông chòm sao Bắc Đẩu, vào ngày 1-2/2, và có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Dùng kính viễn vọng có thể quan sát sao chổi xanh trong nửa tháng, theo New Scientist.
C/2022 E3 lần đầu được phát hiện bởi các nhà thiên văn tại California vào tháng 3/2022, khi nó đi vào hệ Mặt Trời và qua quỹ đạo Sao Mộc. Đầu sao chổi chứa các đám mây khí bao quanh có màu xanh lục do khí carbon diatomic, loại khí tương đối hiếm.
Các nhà quan sát cho biết sau khi bay qua Trái Đất, quỹ đạo của sao chổi xanh có thể bị thay đổi do lực hấp dẫn của các hành tinh, khiến nó bay khỏi hệ Mặt Trời và sẽ không quay lại trong hàng triệu năm. Do đó, đây được cho là cơ hội cuối cùng để chứng kiến thiên thể hiếm này.