CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất - Sasco (UPCoM: SAS) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với khoản doanh thu thuần đạt 694 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2022.
Biên lợi nhuận gộp của công ty dịch vụ hàng không này nhích nhẹ lên mức 55%, trong đó mảng mang lại biên lợi nhuận gộp cao nhất là phòng chờ sân bay. Sau khi trừ giá vốn, doanh nghiệp này thu về 383 tỷ đồng lãi gộp trong quý cuối năm ngoái, tăng tương ứng 26%.
Tuy vậy, các khoản chi phí phát sinh trong quý vừa qua của Sasco đều tăng mạnh. Trong đó, chi phí bán hàng tăng 55% chủ yếu do phần tăng của chi phí hợp tác kinh doanh; chi phí tài chính chuyển từ được hoàn nhập 17 tỷ sang phải trả 10 tỷ đồng...
Kết quả, lợi nhuận sau thuế Sasco thu về trong quý gần nhất đã giảm 41% so với cùng kỳ, còn khoảng 53 tỷ đồng.
Tuy vậy, nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong 3 quý đầu năm, lũy kế cả năm 2023, Sasco vẫn ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.580 tỷ đồng, tăng tới 84% so với năm liền trước. Lợi nhuận sau thuế cả năm ngoái cũng đạt 293 tỷ đồng, tăng 40%.
Kết quả kinh doanh kể trên đã vượt 9% mục tiêu doanh thu và 22% mục tiêu lợi nhuận mà cổ đông Sasco đặt ra từ đầu năm. Bên cạnh đó, mức lợi nhuận gần 300 tỷ đồng kể trên cũng là mức lãi cao nhất doanh nghiệp này ghi nhận được kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát (năm 2020).
Kết quả kinh doanh năm 2023 của Sasco cũng tương đương với kết quả doanh nghiệp này ghi nhận được trong năm 2017 và thấp hơn giai đoạn hoàng kim trước dịch bệnh 2018-2019.
Tại thị trường trong nước, Sasco là một trong những doanh nghiệp dịch vụ hàng không lớn nhất. Trong đó, công ty này chuyên quản lý và vận hành hệ thống cửa hàng miễn thuế, bán hàng lưu niệm, nhà hàng, phòng chờ tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Ngoài ra, doanh nghiệp ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch HĐQT còn vận hành hệ thống phòng chờ thương gia, cửa hàng miễn thuế tại sân bay Cam Ranh, cung cấp suất ăn hàng không và đầu tư một số dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ở Phú Quốc.
Theo báo cáo quản trị của Sasco, hiện cổ đông lớn nhất tại công ty vẫn là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với 49,22% vốn nắm giữ. Ngoài ra, "vua hàng hiệu" Hạnh Nguyễn và các cá nhân, tổ chức liên quan đang nắm hơn 60,65 triệu cổ phiếu SAS, tương đương 45,44% vốn doanh nghiệp.
Trong đó, 3/4 cổ đông lớn tại Sasco hiện cũng là doanh nghiệp thuộc sở hữu của "vua hàng hiệu" gồm Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương và Công ty TNHH Thời trang & Mỹ phẩm Âu Châu; Công ty TNHH Thời trang & Mỹ phẩm Duy Anh.