Còn nhớ, cách đây tròn 1 năm, thị trường bất động sản diễn biến vô cùng sôi động, thậm chí hiện tượng “sốt” giá đã xảy ra tại nhiều khu vực. Thời điểm đó, dù giá liên tục tăng mạnh nhưng nhà đầu tư tham gia vào thị trường ngày càng đông khiến thị trường bất động sản “nóng” càng thêm “nóng”.
Không được bao lâu, thị trường bất động sản đột ngột chững lại vì động thái siết tín dụng ngân hàng và kiểm soát hoạt động trái phiếu. Bên cạnh đó, lãi suất liên tục tăng cao khiến thanh khoản thị trường sụt giảm thấp. Do vậy, dù nhiều nhà đầu tư chấp nhận giảm giá, cắt lỗ sâu nhưng vẫn khó tìm người mua.
Tuy nhiên, với người đã đầu tư trên 2 năm mới chỉ là giảm lãi. Còn người thiệt hại nhất là những nhà đầu tư bỏ tiền vào đất nền vào thời điểm đỉnh giá (đầu năm 2022). Đến hiện tại, những nhà đầu tư này chỉ biết nói giá như gửi tiền vào ngân hàng.
Anh Vũ Cường, nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội chia sẻ, đầu năm 2022, thông tin về “sốt đất” tràn ngập khắp nơi. Đang có trong tay 1 tỷ đồng, anh bắt đầu nghĩ tới việc đầu tư đất nền.
Sau thời gian khảo sát thị trường bất động sản ven đô, nhận thấy đa phần các mảnh đất khoảng 70 - 90m2, đều có mức giá quanh 2 tỷ đồng, anh Cường đã mạnh tay vay thêm tiền để đầu tư. Mảnh đất anh mua có diện tích 80m2 tại Thanh Oai (Hà Nội), với mức giá 2 tỷ đồng, tương đương 25 triệu đồng/m2.
“Thị trường lúc đó diễn biến sôi động, sau khi mua xong, tôi tự tin thương vụ này sẽ nhanh chóng thu lời. Nhưng không được bao lâu thị trường chững lại, dù bán bằng giá thời điểm mua cũng khó. Cuối cùng, trước Tết Nguyên đán tôi đã chấp nhận cắt lỗ 30%, bán với giá 1,6 tỷ đồng để thu hồi vốn về. Biết thế tôi gửi ngân hàng thì bây giờ cũng đã có gần 100 triệu đồng tiền lãi mà lại nhàn”, anh Cường than thở.
Không chỉ những người sử dụng đòn bẩy tài chính, ngay cả nhà đầu tư dùng 100% vốn thực cũng đang than thở. Anh Nguyễn Phong (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, đầu năm 2022 đã xuống tiền mua một lô đất rộng 200m2, với mức giá 4 tỷ đồng tại Bắc Ninh. Đến nay, dù giảm giá 20% nhưng mảnh đất của anh vẫn chưa tìm được chủ mới.
“Thị trường rơi vào trầm lắng, mọi kỳ vọng của tôi đều đổ vỡ. Dù mua bằng vốn thật, không vay mượn nhưng bây giờ tôi đang cần tiền mở rộng xưởng sản xuất đồ gỗ nên phải bán cắt lỗ. Một số người đã đến xem đất nhưng họ muốn giảm sâu hơn, tôi đang cân nhắc”, anh Phong chia sẻ.
Theo tính toán của anh Phong, hiện tại lãi suất gửi ngân hàng đã tăng lên mức quanh 10%/năm. Nếu gửi hết 4 tỷ đồng vào ngân hàng thì anh sắp có số tiền lãi trên 300 triệu đồng. “Giá như tôi gửi vào ngân hàng thì vừa nhàn lại có tiền lãi kha khá. Đầu tư vào đất nền bây giờ chật vật rao bán cắt lỗ nhưng chưa có người mua”, nhà đầu tư này nói.
Thực tế, khi thị trường diễn biến động, dù giá đã lên đỉnh nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn mạnh tay xuống tiền mua những lô đất giá trị hàng tỷ đồng với kỳ vọng lợi nhuận lớn. Song, đến khi thị trường chững lại, nhiều người tỏ ra tiếc nuối, mức lợi nhuận tương đương với lãi suất ngân hàng cũng đã là quý giá. Hiện, không ít nhà đầu tư đất nền sau một năm xuống tiền không chỉ không có lợi nhuận mà còn đang chật vật cắt lỗ, nhưng vẫn chưa tìm được chủ mới.