2022 là một năm khó khăn đối với cổ phiếu công nghệ Trung Quốc. Hàng tỷ USD bị xóa sạch khỏi vốn hóa các gã khổng lồ đại lục, trong đó có Alibaba và Tencent. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm trong nhu cầu đầu tư quảng cáo cũng như chi tiêu của người tiêu dùng, theo CNBC.
Trong năm tới, các nhà đầu tư giữ thái độ thận trọng, song vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào các quy định “dễ thở” hơn từ phía giới chức, ngay cả khi viễn cảnh không chắc chắn xoay quanh triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang tạo ra nhiều rủi ro.
Theo CNCB, dấu hiệu cho thấy Trung Quốc dần mở cửa trở lại nền kinh tế mang đến cho các nhà đầu tư nhiều hy vọng. “Chúng tôi lạc quan về triển vọng Internet năm 2023 nhờ câu chuyện mở cửa trở lại, sau khi tâm lý người tiêu dùng được cải thiện”, chuyên gia phân tích tại ngân hàng đầu tư Jefferies cho biết. Trước đó, các tập đoàn công nghệ như Tencent và Alibaba đã tiết lộ báo cáo doanh thu tăng trưởng khá chậm vào năm 2022, trong khi các nhà sản xuất xe điện như Xpeng ghi nhận doanh thu mờ nhạt.
“Tôi cho rằng triển vọng phục hồi của ngành công nghệ vào năm tới phụ thuộc vào mức độ phục hồi của nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tiêu dùng”, Xin Sun, giảng viên tại King’s College London, chia sẻ với CNBC. “Với mức độ tiêu dùng bị kìm hãm như hiện nay, nguyên nhân một phần đến từ sự bi quan của người tiêu dùng. Sự phục hồi của lĩnh vực công nghệ thực sự có khả năng xảy ra, nếu Trung Quốc dần mở cửa lại nền kinh tế”.
Theo các chuyên gia, công nghệ Trung Quốc sẽ tăng tốc trở lại vào năm 2023, song vẫn chưa thể đạt mức ghi nhận như hồi trước đại dịch. Doanh thu Alibaba được dự báo sẽ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý IV năm nay và 6% trong quý III/2023, theo Refinitiv. Trong khi đó, Tencent dự kiến đạt mức tăng trưởng doanh thu hàng năm chỉ 7% trong quý I/2023 và 10,5% trong quý II/2023.
Theo Jefferies, mua sắm trực tuyến có thể sẽ là một điểm lợi, giúp các công ty như gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba và đối thủ ID.com tiếp cận đà phục hồi. Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư thì kỳ vọng ngành quảng cáo trực tuyến sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2023 song cảnh báo rằng điều này sẽ “phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế vĩ mô”.
Trong hai năm qua, Bắc Kinh đã đưa ra một loạt chính sách giám sát lĩnh vực công nghệ. Các công ty vi phạm quy tắc chống độc quyền đều sẽ bị phạt, trong đó có Alibaba và công ty giao đồ ăn Meituan.
Lĩnh vực trò chơi cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Vào năm 2021, chính phủ đóng băng việc phê duyệt việc phát hành các trò chơi điện tử mới, đồng thời đưa ra các quy tắc giới hạn thời gian cho trẻ em dưới 18 tuổi. Điều này khiến các nhà đầu tư vốn không dự tính từ trước vô cùng hoảng sợ.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy một số quy định pháp lý có thể được nới lỏng. Bằng chứng là Bắc Kinh đã khởi động lại việc phê duyệt các trò chơi mới trong năm nay, đồng thời ngỏ ý muốn hỗ trợ lĩnh vực công nghệ.
“Ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh trong năm nay là tăng trưởng kinh tế”, Linghao Bao, nhà phân tích tại Trivium China, nói với CNBC, đồng thời cho biết việc siết chặt đàn áp trước đây sẽ sớm chấm dứt sau khi Bắc Kinh nhận ra đây không hẳn là sáng kiến phù hợp.
“Chúng tôi đã chứng kiến một số nỗ lực gần đây nhằm nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh và giải cứu thị trường bất động sản. Điều đó có nghĩa là trọng tâm chính sách đã chuyển sang một cách tiếp cận có tính toán hơn, dễ dự đoán hơn”.
Trong năm nay, sau một loạt các biến động, nhiều gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã quyết định thay đổi chiến lược phát triển, điển hình là việc cắt giảm chi phí và rút khỏi các hoạt động kinh doanh không cốt lõi để cải thiện lợi nhuận.
Ngoài ra, các công ty này cũng chọn cách bán bớt cổ phần như một biện pháp “thắt lưng buộc bụng” trong bối cảnh suy thoái, chẳng hạn như Tencent đã bán 3 tỷ USD cổ phần tại Sea trong năm nay, sau đó tuyên bố thoái tiếp 23,2 tỷ USD cổ phần tại công ty giao đồ ăn Meituan.
“Có cảm giác như những người tài ba nhất đang rời đi”, Jon Withaar, đại diện Pictet Asset Management, cho biết.
Việc Tencent hay SoftBank bán bớt cổ phần không ảnh hưởng nhiều đến quan điểm của các chuyên gia đối với triển vọng tại Trung Quốc.
Ngoài Tencent, tập đoàn SoftBank của Nhật Bản đã bán bớt cổ phần tại công ty thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba và công ty thanh toán di động Paytm Ấn Độ. Theo John Choi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu công nghệ Trung Quốc tại Daiwa Capital Markets, động thái thoái vốn của Tencent có nhiều ẩn ý. “Những lo ngại về chống độc quyền có thể là một trong những yếu tố chính, song không phải duy nhất bởi Tencent cũng phải xem xét các điều kiện thị trường hiện tại và hồ sơ hoàn vốn đầu tư”, ông Choi nói.
Trong khi đó, Alibaba đang cố gắng tăng doanh số cho lĩnh vực điện toán đám mây để đa dạng hóa dịch vụ.
“Các cuộc đàn áp đã thay đổi căn bản logic kinh doanh của các công ty. Trước đây, họ đã cố gắng xây dựng cái gọi là ‘hệ sinh thái’ bằng cách tích cực mua lại và tích hợp các mảng kinh doanh khác nhau”, Sun từ King’s College cho biết. “Bây giờ họ phải thu hẹp quy mô để tập trung vào mảng kinh doanh chính của mình và tìm cách tối ưu hóa lợi nhuận”.
Theo đại diện phát ngôn Prosus, việc Tencent hay SoftBank bán bớt cổ phần không ảnh hưởng nhiều đến quan điểm của họ đối với triển vọng tại Trung Quốc. “Chúng tôi rất tin tưởng vào Tencent và lạc quan vào triển vọng của nó,” ông nói.
“Thị trường năm nay rất biến động. Nhiều người vẫn có quan điểm lạc quan và tăng trưởng khác nhau cho năm tới. Bất kể như thế nào, nếu bạn là một nhà đầu tư nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu trong phạm vi hàng tỷ USD, bạn cần sẵn sàng chấp nhận một số rủi ro”, James Wang, Giám đốc thị trường vốn cổ phần châu Á tại Goldman Sachs, cho biết.
Theo: Bloomberg, WSJ