Sau 2 năm chờ đợi VN-Index đã chính thức vượt 1.300 điểm bất chấp lực xả mạnh chưa từng có của khối ngoại, dòng tiền trong nước trỗi dậy kéo tăng 15,78 điểm riêng nhóm VN30 tăng 23,51 điểm.
Độ rộng thị trường rất tích cực với 313 mã tăng điểm, ở hầu hết các nhóm ngành trong đó trụ bank dẫn dắt. Nhóm ngân hàng hôm nay tăng 1,59% với một số mã rất khá như VPB tăng 6,01%; VCB tăng 1,72%; BID tăng 1,16%, MBB tăng 2,44%. Chỉ tính riêng nhóm ngân hàng đã kéo gần 7 điểm trên tổng số 15,78 điểm của thị trường.
Trong đó, VPB trở thành công thần đóng góp lớn nhất 2,12 điểm cho thị trường với mức tăng hơn 6% lên vùng giá 19.400 đồng/cổ phiếu, cao nhất 8 tháng. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất trong một phiên mà VPB ghi nhận kể từ ngày 13/3/2023. Tiếp theo là những công thần như VCB, FPT, HPG, BID, MBB, ACB...
Đáng chú ý, khối lượng giao dịch phiên hôm nay của VPB cao thứ 3 lịch sử với gần 70 triệu đơn vị. Giá trị giao dịch tương ứng hơn 1.300 tỷ đồng, cao thứ 2 sàn chứng khoán trong phiên 12/6, chỉ sau FPT. Trong khi phiên trước đó cũng có đến 31 triệu cổ phiếu được sang tay.
Về tình hình kinh doanh, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 4,2 nghìn tỷ đồng, tăng gần 66% so với quý liền trước và 64% so với cùng kỳ. Riêng tại ngân hàng mẹ, lợi nhuận trước thuế của quý 1 đạt hơn 4,9 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với quý 4/2023, với tổng thu nhập hoạt động tăng 15% và thu nhập lãi thuần tăng 25% so với cùng kỳ.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2024, VPB đặt kế hoạch kết quả kinh doanh 2024 khá tham vọng với tăng trưởng tín dụng 25% so với cùng kỳ; Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất<5%; lợi nhuận trước thuế đạt 23.165 tỷ VND, tăng 114,4%. Ngoài ra, VPB sẽ chi trả cổ tức tiền mặt 10% với thời gian thực hiện trong Quý 2 hoặc Quý 3/2024.
Trong báo cáo chiến lược mới đây, SSI Research khuyến nghị mua VPB với lợi nhuận Q2/2024 dự báo duy trì đà tăng trưởng tốt so với cùng kỳ. Trong Q1/2023, VPB là một trong những ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất trong hệ thống, ảnh hưởng tới chi phí vốn của ngân hàng trong cả năm 2023. SSI kỳ vọng chi phí vốn sẽ giảm mạnh trong 1H2024 khi các khoản tiền gửi lãi suất cao được tái định với mức lãi suất thấp hơn, hỗ trợ NIM của ngân hàng.
Lợi nhuận trước thuế cả năm 2024 của VPD được SSI Research dự báo ở mức 18 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 71% so với cùng kỳ. VPB hiện giao dịch với P/B và P/E năm 2024 ở mức 1,04x và 9,49x.
Tương tự, Chứng khoán KBSV khuyến nghị mua VPB với giá mục tiêu cho năm 2024 là 26.000VND/cổ phiếu. Theo KBSV, trong tháng 4 và tháng 5, lãi suất huy động của VPB đang có dấu hiệu tăng trở lại với lãi suất huy động kì hạn 12 tháng tính đến tháng 5/2024 đạt 4,7%, tăng 0,5% so với mức đáy lãi suất vào tháng 3/2024.
Nguyên nhân chính do nền lãi suất liên ngân hàng tăng cao trong giai đoạn vừa qua cùng thanh khoản hệ thống bớt dồi dào khiến ngân hàng phải tăng lãi suất huy động trở lại để đảm bảo nguồn cho tăng trưởng tín dụng.
Theo quan điểm của KBSV, từ giờ đến cuối năm, VPB sẽ tiếp tục tăng lãi suấthuy động thêm 100-150bps dựa trên: Thanh khoản hệ thống suy giảm khiến lãi suất thị trường 1 cần đưa về mức hấp dẫn hơn để thu hút dòng tiền. Áp lực tỷ giá dù hạ nhiệt sau các động thái từ Ngân hàng Nhà nước tuy nhiên vẫn đang ở mức cao.
Để kiểm soát tỷ giá từ giờ đến cuối năm, hoạt động nâng lãi suất OMO hoặc nâng lãi suất điều hành là phương án có thể tính đến từ phía Ngân hàng Nhà nước, qua đó tác động đến lãi suất huy động thị trường 1 của VPB.
KBSV cho rằng chi phí đầu vào (COF) của VPB sẽ tiếp tục được cải thiện trong phần còn lại của năm 2024 dựa trên các yếu tố: Đáo hạn các khoản huy động lãi suất cao trong giai đoạn cuối 2022, đầu 2023; Mức lãi suất huy động 5,5 – 6,0%/năm (là mức đã tăng 100-150bps) vẫn là mức lãi suất tương đối thấp so với quá khứ.
KBSV kì vọng với động lực từ COF, NIM của VPB sẽ có xu hướng cải thiện trong năm 2024 tuy nhiên sẽ không thể về lại nền cao của giai đoạn 2020-2022.
Nhận định chung về triển vọng nhóm ngân hàng mới đây, Chứng khoán Yuanta cho rằng thị trường chứng khoán trong tháng 06/2024 sẽ có sự phân hóa và chỉ số VN-Index có thể sẽ tăng, nhưng nếu chỉ số VN30 vượt được mức 1.310 điểm thì xu hướng tăng sẽ rõ ràng hơn và dòng tiền có thể quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Tương tự, theo dòng câu chuyện kết quả kinh doanh quý 2 khả quan, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng cổ phiếu thuộc các nhóm ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ, hàng không, ngân hàng cũng là những cổ phiếu mà nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân trong các nhịp điều chỉnh của thị trường.