Từ giai đoạn 2018 đến đầu năm 2022, thị trường bất động sản Thạch Thất, Sơn Tây,... trở thành nơi nhiều nhà đầu tư lựa chọn để xuống tiền. Đa phần những người mua ở khu vực này đều không có nhu cầu thực mà chỉ chờ kiếm lời. Theo đó, hình thức phân lô tách thửa bắt đầu nở rộ. Các mảnh đất rộng được phân tách thành các lô nhỏ có diện tích từ 60 - 80m2/lô.
Cách đây 1 năm, khách mua, môi giới bất động sản trong bộ âu quần đen, áo trắng từ nhiều nơi đổ xô về Thạch Thất, Sơn Tây liên tục chào mời, mua bán các mảnh đất phân lô. Theo đó, giá đất phân lô nằm sâu trong ngõ cũng bị đẩy lên tới 20 - 24 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, không còn ghi nhận cảnh tượng đua nhau chốt cọc tại khu vực này, thay vào đó là khung cảnh khá trầm lắng. Do đó, đất nền phân lô trở thành nơi tập kết rác, trồng chuối, cỏ và thả gà.
Ghi nhận thực tế, thời điểm này, tại khu vực Sơn Tây, 93 lô đất phân lô tại Cổ Đông, có diện tích từ 60 - 80m2. Trước đó, khu đất này đón nườm nượp khách thì nay đã thành khu đất “trồng cỏ”. Liên hệ tới môi giới đã tư vấn cho chúng tôi cách đây 1 năm, người này cho biết, dự án đã không còn bán nữa, sau đó tắt máy.
Hiện tại, giá đất tại khu đất này đang rao bán khoảng 14 - 17 triệu đồng/m2, trong khi 1 năm trước có giá dao động từ 18 - 22 triệu đồng/m2, tương đương giảm hơn 20%. Tại khu vực này, tràn lan các biển quảng cáo “bán đất”, “bán đất gấp” được treo ở các cột điện ven đường.
Tại thị trường bất động sản Thạch Thất, một số khu vực như Bình Yên, Tân Xã, Tiến Xuân, Yên Bình,... tràn lan các mảnh đất phân lô để trồng cỏ, chuối và nuôi gà. Thậm chí, khu đất giáp đường DH10 thuộc địa bàn xã Tân Xã trở thành nơi tập kết rác.
Một khu đất 72 và 108 lô tại Bãi Dài Tiến Xuân, theo môi giới cho biết, chủ đầu tư đã bán hết từ năm 2021, chủ yếu là các nhà đầu tư từ Hà Nội tới mua. Thời điểm hiện tại chỉ còn hàng của các chủ đất bán lại, mức giá đã giảm khoảng khoảng 20% so với đầu năm 2022, xuống mức 16 - 18 triệu đồng/m2. Hiện các lô đất này cũng để không cho cỏ mọc.
Đi vào các thôn xóm tại xã Tân Xã, không khó để bắt gặp những lô đất đã được tách hoàn chỉnh. Nhưng sau một thời gian dài vẫn nằm “bất động”, thành nơi cho cỏ mọc, trồng chuối, trồng rau.
Thời điểm đầu cuối năm 2021, những mảnh đất này hầu hết được rao bán quanh mức giá khoảng 20 triệu đồng/m2, đến nay đã hạ còn khoảng 13 - 15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, do vị trí nằm ở trong ngõ nên vẫn khó tìm khách hàng mua.
Dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho thấy, giá bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền được điều chỉnh về giá trị thực, gần như nguyên trạng so với thời điểm cuối năm 2021 khi chưa xảy ra cơn sốt đất. Thị trường ghi nhận tình trạng “cắt lỗ”, đặc biệt là phân khúc đất nền. Giá đất nền thứ cấp tại các huyện vùng ven đã giảm 15% - 35% so với đầu năm 2022, còn đất nền dự án cũng giảm từ 8% - 15%.
Theo anh Hiếu, môi giới bất động sản tại khu vực tiết lộ, trước kia chủ yếu khách từ trung tâm Hà Nội tới khu vực này mua bán đất với mục đích kiếm lời. Tuy nhiên, từ tháng 4/2022 khi lệnh “siết” phân lô tách thửa được thực hiện thị trường rơi vào ảm đạm.
“Tuy nhiên, từ sau Tết tôi đã rục rịch dẫn khách đi xem đất trở lại. Mặc dù giao dịch được ghi nhận ở văn phòng tôi vẫn rất ít nhưng đã nhiều hơn so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Mức giá tại khu vực hiện tại cũng đã giảm khá nhiều so với thời điểm sốt đất”, anh Hiếu nói.
Theo anh Hiếu, thời điểm hiện tại các giao dịch vẫn chỉ ghi nhận ở những mảnh đất có vị trí tốt, giao thông thuận tiện. Còn những lô đất trong ngõ vẫn rất kén khách mua.