5 năm trước, Vân Phong được ví như điểm nóng của thị trường bất động sản khi giá đất tăng theo từng ngày. Còn nhớ, năm 2017 – đầu năm 2018, nhiều lô đất ven biển từng được giao dịch trong tích tắc với mức giá cao gấp 10 lần so với trước. Kể từ tháng 5/2018 đến 2020, thị trường bất động sản Vân Phong bắt đầu chững lại.
Phải đến đầu năm 2021, thị trường Vân Phong mới xuất hiện tín hiệu ấm trở lại. Giai đoạn này đã bắt đầu xuất hiện nhóm các nhà đầu tư đi săn, song song với nhóm nhà đầu tư đẩy hàng cắt lỗ. Nhà đầu tư Lê Nam (đến từ Hà Nội) kể, giai đoạn 2021, anh từng mua 10 lô đất với giá chỉ bằng 60-65% giá trị lô đất năm 2018.
Tuy nhiên, bước sang năm 2022, thị trường Vân Phong bắt đầu có tín hiệu trầm lắng trở lại.
Theo anh Duy Thái, nhà đầu tư kiêm môi giới lâu năm tại Vân Phong, thị trường bất động sản Vân Phong diễn biến đồng điệu với thị trường bất động sản cả nước. Thời điểm giữa tháng 5, đầu tháng 6 năm 2022, lãi suất tăng, cùng với việc Nhà nước siết trái phiếu, tín dụng bất động sản khiến thị trường chững lại. Ở giai đoạn này, các nhà đầu tư ưu tiên gửi ngân hàng hơn là mua đất. Tâm lý chung là chờ thị trường xuống để bắt đáy. Nhiều nhà đầu tư họ bị ngộp do vay ngân hàng khá nhiều, cộng với tình hình kinh tế khó khăn, dòng tiền từ công việc kinh doanh không ổn định thậm chí kinh doanh thua lỗ nên buộc phải bán tài sản giá rẻ nên giá giảm là đương nhiên.
Theo nhà đầu tư Duy Thái, đến thời điểm hiện tại, giao dịch bất động sản tại Vân Phong chậm hơn so năm 2022. Giá bất động sản giảm sâu, trung bình 25 - 35%. Giao dịch chủ yếu xảy ra đến từ nhóm các nhà đầu tư bắt đáy.
Nhà đầu tư này nhận định: “Hiện tại nhà đầu tư đang bắt đáy ở Vân Phong có 2 nhóm. Một là nhà đầu tư cá nhân có tiền mặt, chủ yếu là những nhà đầu tư đã tham gia thị trường Vân Phong từ trước đến nay, năm ngoái họ ra được hàng lúc giá tốt, họ có tiền và hiểu thị trường nên bắt đáy những lô đẹp, giá tốt.
Thứ hai là các quỹ đầu tư hay cá mập. Họ đi gom hàng ở các khu vực có tiềm năng cao. Qua nói chuyện thì họ đánh giá cao tiềm năng của thị trường Vân Phong nên tranh thủ mua hàng lúc giá rẻ”.
Lý giải về sức hút của Vân Phong với các nhà đầu tư, anh Duy Thái cho rằng: “So với trước thì hiện tại thị trường Vân Phong có vài điểm khác.
Thứ nhất là giá cả đã giảm khá sâu và đã bắt đầu hấp dẫn.
Thứ 2 là về quy hoạch, hiện tại tỉnh Khánh Hòa đang thúc đẩy làm nhanh quy hoạch 1/2000 các phân khu, hiện đã có 4 phân khu có bản dự thảo 1/2000. Kết hợp với kế hoạch sử dụng đất của 2 huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa cũng đã trình dự thảo lần 3 và sẽ hoàn thiện trong tháng 11 năm các nhà đầu tư hiện tại có thể hoàn toàn yên tâm về quy hoạch.
Thứ 3 là về cơ sở hạ tầng, hiện tại cũng đã có thêm nhiều thay đổi, như đường 651E đã thông xe, cao tốc Vân Phong - Nha Trang đã khởi công và thực hiện đúng tiến độ. Các tuyến huyết mạch như đường biển Vạn Lương - Ninh Hòa, đường tỉnh lộ 1A từ Ninh Hòa xuống Dốc Lết cũng đang gấp rút triển khai đầu tư nên trong thời gian tới hạ tầng sẽ có nhiều sự thay đổi theo hướng hoàn thiện hơn.
Thứ 4 là trước đây, các dự án lớn về cơ bản đã có thông tin chi tiết về quy hoạch, nhà đầu lớn đăng ký. Đồng thời các đơn vị đầu tư cũng về làm việc cụ thể với huyện về mặt bằng, các phương án đền bù giải tỏa. Từ đó có thể thấy chắc chắn họ sẽ tiến hành đầu tư sớm. Đó là những lý do khiến các nhà đầu tư quan tâm và muốn xuống tiền”.
Khảo sát thực tế, tại khu tái định cư Vĩnh Yên, giá đất đang rao bán từ 18 - 22 triệu/m2 với lô đường 7m, khoảng 32 triệu/m2 với lô mặt đường chính 22,5m
Khu Tân Dân là nơi đặt sân bay Vạn Thắng, giá giao động từ 5 triệu/m2 tới 9 triệu/m2. Mặt đường Nguyễn Huệ từ 12 triệu/m2 tới 18 triệu/m2/. Trong khi đó, đất thổ cư rẻ nhất ở khu vực phía Tây Vạn Giã chỉ từ khoảng 1,5 triệu/m2. Đắt nhất là mặt biển Trần Hưng Đạo ở Vạn Giã đang có giá chào bán chừng 63 - 65 triệu /m2.