Hãng tin Reuters mới đây cho biết, Kasikornbank (KBank), ngân hàng lớn thứ hai của Thái Lan đang đàm phán để mua lại công tài chính tiêu dùng Home Credit Việt Nam. Thỏa thuận có giá trị lên tới 1 tỷ USD, với mục tiêu mở rộng hơn nữa hoạt động của KBank tại Việt Nam. Phía KBank đang thảo luận về thương vụ này và hiện tại chưa có quyết định cuối cùng.
Một nguồn tin của Reuters cho biết, KBank đang triển khai dịch vụ tín dụng cho các cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ. Vì thế, thỏa thuận với Home Credit có thể giúp nhà băng này đẩy mạnh dịch vụ đó cho các tiểu thương tại thị trường Việt Nam.
KBank xác nhận với Reuters, họ đang khảo sát thỏa thuận với Home Credit và gần đây có gửi thông báo lên sàn giao dịch chứng khoán. Nhà băng này liên tục tìm kiếm các cơ hội kinh doanh khác nhau tại Việt Nam, tuy nhiên các giao dịch này có thể diễn ra hoặc không.
Trước đó, hồi tháng 3/2022, Bloomberg dẫn một nguồn tin thân cận cho biết, nhóm ngân hàng đến từ Nhật Bản gồm Mitsubishi UFJ Financial Group, Mizuho Financial Group và Sumitomo Mitsui Financial Group nằm trong danh sách các tổ chức muốn mua lại mảng kinh doanh ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Home Credit.
Ngoài các ông lớn trong mảng ngân hàng trên, Bloomberg khi đó cũng cho biết Grab Holdings Ltd - gã khổng lồ trong lĩnh vực gọi xe và giao hàng của Đông Nam Á - đã đàm phán để mua mảng kinh doanh của Home Credit tại Indonesia, Việt Nam và Philippines. Theo Bloomberg, việc mua mảng kinh doanh của Home Credit có thể giúp tập đoàn này đa dạng hoá được danh mục đồng thời củng cố sức mạnh của mảng dịch vụ tài chính.
Home Credit kinh doanh như thế nào tại Việt Nam?
Là một trong những công ty tài chính có vốn đầu tư nước ngoài ra đời sớm nhất tại Việt Nam, Công ty tài chính TNHH Một thành viên Home Credit Việt Nam bắt đầu hoạt động từ năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu là 550 tỷ đồng.
Đến tháng 9/2022, vốn điều lệ của công ty tài chính này được tăng mạnh từ mức 550 tỷ đồng lên 2.050 tỷ đồng. Toàn bộ vốn góp của Home Credit thuộc sở hữu của PPF Group – tập đoàn do gia đình tỷ phú người Séc quá cố Petr Kellner điều hành.
Báo cáo phân tích năm 2018 của Fiin Rating xếp Home Credit vào nhóm các công ty tài chính tiêu dùng "thận trọng" khi luôn duy trì tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu và biên lợi nhuận ròng ở mức cao, trong khi tỷ lệ nợ xấu thấp hơn so với mặt bằng chung (khoảng 4% năm 2018). Số liệu nợ xấu của Home Credit không được công ty hoặc các tổ chức khác công bố thêm sau này.
Theo website chính thức của Home Credit Việt Nam, công ty đang có khoảng 6.000 nhân viên và phục vụ 12 triệu khách hàng. Các dịch vụ của công ty bao gồm cung cấp các khoản vay tiền mặt cũng như các khoản vay trả góp để mua xe máy và hàng tiêu dùng. Phạm vi tiếp cận rộng rãi của công ty bao gồm 9.000 cửa hàng trên khắp Việt Nam.
Không được hậu thuẫn bởi những ngân hàng mẹ trong nước (FE Credit - VPBank, HD Saison - HDBank, Mcredit - MB), Home Credit không có được những lợi thế về hệ thống khách hàng trong hệ sinh thái và nguồn vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, theo một số đơn vị nghiên cứu thị trường, Home Credit Việt Nam vẫn xếp thứ hai về thị phần cho vay tiêu dùng tại Việt Nam, chỉ sau công ty tài chính FE Credit nhờ thâm niên hoạt động lâu năm trong mảng kinh doanh này.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các công ty tài chính trong giai đoạn 2018 – 2021, lợi nhuận sau thuế Home Credit đã liên tục sụt giảm từ mức đỉnh 1.636 tỷ đạt được vào năm 2017. Trong vòng 4 năm, lợi nhuận Home Credit giảm xuống chỉ còn 550 tỷ đồng vào năm 2021.
Tuy nhiên, lợi nhuận Home Credit đã bất ngờ tăng mạnh trong năm 2022 khi đạt 1.189 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2021.
Tính đến cuối năm 2022, Home Credit có vốn chủ sở hữu 6.378 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm; hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 404% (nợ phải trả khoảng 25.766 tỷ đồng); dư nợ trái phiếu xấp xỉ 1.084 tỷ đồng, trong khi đầu năm 2022 bằng 0. Trong các hệ số tài chính của Công ty, chỉ tiêu an toàn vốn đạt 20,5% (quy định là trên 9%), tỷ lệ dự trữ thanh khoản là 8,2% (pháp luật yêu cầu trên 1%); tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày là 121,8% (pháp luật yêu cầu trên 20%); tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 14,3% (quy định là dưới 90%).