Ngày 8/10, Ngân hàng Nhà nước chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).
Ông Hoàng Minh Hoàn khẳng định đã tăng cường lượng tồn quỹ tiền mặt tại tất cả điểm giao dịch để đáp ứng nhu cầu thanh toán và rút tiền chính đáng của người dân. Đồng thời, SCB tăng cường tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo các nhu cầu thanh toán liên ngân hàng.
Bên cạnh đó, với lượng lớn khách đến giao dịch, trong đó có nhiều khách hàng rút số tiền lớn mà không báo trước, SCB đã tăng cường nhân sự để phân luồng khách hàng, đảm bảo an ninh trật tự.
"Chúng tôi xin khẳng định đã kiểm soát tình hình, thanh khoản của ngân hàng đang ổn định và sẽ đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền", lãnh đạo SCB nhấn mạnh.
Tuy nhiên, khi được hỏi về vai trò của SCB trong việc phát hành trái phiếu cho An Đông, đại diện SCB không trả lời.
Trước đó, vị này khẳng định Công ty An Đông không phải là cổ đông của ngân hàng, bà Trương Mỹ Lan cũng không giữ bất kỳ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB. Do đó, việc chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị khởi tố, bắt tạm giam không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB.
Tính đến ngày 30/9, SCB có 4.132 cổ đông, trong đó có 7 cổ đông nước ngoài sở hữu 27,91% vốn điều lệ, 4.125 cổ đông trong nước, trong đó 11 cổ đông tổ chức sở hữu 15,7% và 4.114 cổ đông khác sở hữu 56,11% vốn điều lệ.
Cũng tại buổi họp báo chiều 8/10, ông Võ Minh Tuấn - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM - khẳng định tiền gửi là tài sản cá nhân của người dân và sẽ được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp. Còn với người mua trái phiếu, trách nhiệm thanh toán thuộc về công ty phát hành trái phiếu.
Trước đó, sáng 8/10, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát để đảm bảo hoạt động ổn định, liên tục của ngân hàng SCB, bên cạnh đó có những biện pháp, chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền tại ngân hàng này.
"Chúng tôi khuyến cáo người gửi tiền cần cân nhắc và thận trọng trước khi quyết định rút tiền gửi tại SCB để đảm bảo quyền lợi, nhất là với những khoản tiền có kỳ hạn. Nếu rút tiền trước hạn, người gửi sẽ mất đi khoản lãi đáng ra mình được hưởng khi gửi vào SCB", ông Tú nhấn mạnh.
Trước thông tin một số nhân viên ngân hàng khác lợi dụng thời điểm này để mời gọi khách hàng của SCB rút tiền rồi gửi sang ngân hàng mình, gây ra sự xáo trộn và cạnh tranh không lành mạnh, Phó thống đốc thường trực cho biết NHNN đã có công điện yêu cầu các chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc ngân hàng thương mại cũng như giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý vi phạm.
Cùng ngày, Ủy ban chứng khoán Nhà nước khẳng định thị trường Việt Nam vẫn được vận hành và hoạt động bình thường. Cơ quan quản lý chứng khoán khuyến cáo các nhà đầu tư cần bình tĩnh, phân tích cụ thể rủi ro và tiềm năng cơ hội trên thị trường chứng khoán để ra quyết định đầu tư hiệu quả.
“Ủy ban Chứng khoán sẽ theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư có liên quan”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định.
Ngày 8/10, Bộ Công an cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Theo đó, bà Trương Mỹ Lan (sinh năm 1956, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngoài ra, có 3 bị cáo khác là Trương Huệ Vân (sinh năm 1988), Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor; Nguyễn Phương Hồng (sinh năm 1984), Trợ lý Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Hồ Bửu Phương (sinh năm 1972), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.