Đó là thông tin được Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, tại cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2023 diễn ra vào hôm nay (27/12).
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, có thể coi vấn đề về ngân hàng SCB là sự kiện nóng của năm 2022. "Đến nay, chúng tôi vẫn tiếp tục kiểm soát ngân hàng này và tiếp tục từng bước duy trì hoạt động ổn định và hạn chế những khó khăn cho SCB", ông Tú khẳng định.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, do tác động của những doanh nghiệp, tập đoàn, cá nhân có sai phạm và liên quan trực tiếp với SCB đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của người gửi tiền ở ngân hàng này. Sự việc người dân ồ ạt rút tiền tại SCB ảnh hưởng xấu đến tâm lý của người dân cả nước. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã phải kiểm soát đặc biệt đối với SCB.
Theo Ngân hàng Nhà nước, kiểm soát đặc biệt là cơ chế được Ngân hàng Nhà nước thực thi khi cần thiết để đảm bảo hoạt động của ngân hàng thương mại cụ thể khi tổ chức tín dụng đó rơi vào khó khăn, cũng như an toàn cho toàn hệ thống. Việc kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo đó, hoạt động của SCB được thực hiện dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành SCB.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp cần thiết để ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh.
Trước SCB đã có nhiều ngân hàng đã rơi bị kiểm soát đặc biệt như: DongABank. Ba ngân hàng được mua lại 0 đồng là GPBank, OceanBank, CBBank.
Liên quan đến việc xử lý các ngân hàng yếu kém, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang có giải pháp tích cực sớm để xử lý các ngân hàng yếu kém, theo hướng chuyển giao bắt buộc.
Ngân hàng Nhà nước đang triển khai quyết liệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025". Trong đó, đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tăng cường công tác thanh tra và nâng cao hiệu quả công tác giám sát an toàn vĩ mô và vi mô; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng...
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững.