Phối cảnh dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An. (Ảnh: Int)
Lô trái phiếu hơn 6.574 tỷ đồng
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI) hiện đang phát hành 6.574,6 tỷ đồng trái phiếu (mã SDICB2124001) phát hành ngày 15/12/2021, kỳ hạn 36 tháng.
Lãi suất lô trái phiếu SDICB2124001 được tính kết hợp giữa lãi suất cố định và lãi suất thả nổi. Dự kiến với 04 kỳ tính lãi đầu tiên: lãi suất cố định tối đa bằng 10%, đối với các Kỳ tính lãi còn lại, lãi suất thả nổi và bằng tổng của tối đa 2,78% và lãi suất tham chiếu, nhưng trong mọi trường hợp không thấp hơn 10% /năm.
Tổ chức đăng ký, lưu ký lô trái phiếu trên là Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS).
Theo thông tin công bố tại thời điểm phát hành trái phiếu (15/12/2021), Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn là bà Mai Thị Kim Oanh. Doanh nghiệp có trụ sở tại số nhà A3, đường số 5, khu dân cư 10ha, khu phố 3, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Vốn điều lệ đăng ký của SDI tại thời điểm trên là 3.845 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh lỗ liên tiếp
Về tình hình tài chính, SDI chứng kiến khoản lỗ lũy kế tăng liên tục qua các năm, tăng mạnh vào các năm 2020 và 2021.
Tại thời điểm 31/12/2018, SDI lỗ lũy kế 2,296 tỷ đồng, đến 31/12/1019 số lỗ lũy kế tăng lên 2,459 tỷ đồng. Đến 31/12/2020, số lỗ lũy kế tăng mạnh gần 540% lên mức 13,237 tỷ đồng.
Đặc biệt, đến hết tháng 9/2021, số lỗ lũy kế của SDI đã tăng chóng mặt gần 850% lên mức 112,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của SDI cũng tăng nhanh qua các năm không kém số lỗ lũy kế, từ mức 4,53 lần (tại 31/12/2018) lên 5,08 lần (tại 31/12/2019) đến 6,21 lần (tại 31/12/2020) và lên đến 8,04 lần (tại 30/9/2021).
Lợi nhuận sau thuế của SDI cũng “cám cảnh” không kém khi liên tục âm qua các năm, từ mức -1,25 tỷ đồng (2018) tăng đột biến lên mức -114,4 tỷ đồng (2019). Năm 2020, lợi nhuận sau thuế của SDI ở mức -10,8 tỷ đồng, đến 30/9/2021 con số này ghi nhận ở mức 99,2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, số vốn chủ sở hữu thực có của SDI cũng chứng kiến đà giảm dần qua các năm, từ mức hơn 3.842 tỷ đồng (tại 31/12/2018) xuống còn hơn 3.732 tỷ đồng (tại 30/9/2021).
Theo TCBS, năm 2021 SDI ghi nhận chi phí tài chính 3.508 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp 67 tỷ đồng. Các chi phí này được bù đắp nhờ doanh thu từ hoạt động tải chính 3.612 tỷ đồng đến từ các hợp đồng hợp tác đầu tư giúp lợi nhuận sau thuế đạt gần 14 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, TCBS cũng ước tính số nợ phải trả của SDI trong năm 2023 là 999 tỷ đồng và trong năm 2024, con số này lên đến mức 7.436 tỷ đồng khi lô trái phiếu SDICB2124001 đến kỳ trả nợ.
Về SDI, theo công bố doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An với quy mô 1.174.221,9 m2 (117ha) tại phường An Phú, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chi Minh.
Theo SDI, trong giai đoạn tới, các cổ đông và ban lãnh đạo của doanh nghiệp định hướng tập trung đầu tư và phát triển dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An trở thành một khu đô thị sinh thái hiện đại với hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng hiện đại bậc nhất Thành Phố Thủ Đức.
Từng bị Thanh tra Chính phủ "gọi tên"
Cũng liên quan đến dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An, năm 2021, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đôi với khu công nghiệp, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đó, nổi cộm lên là các vấn đề sai phạm tại dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An do Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Sài Gòn (SDI) làm chủ đầu tư.
Theo thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khi chưa có văn bản chấp thuận độ cao tĩnh không, không phê duyệt diện tích sàn dành cho đậu xe cho khối nhà ở, nhà ở kết hợp chung cư kết hợp thương mại dịch vụ, để Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Sài Gòn chậm thực hiện việc ký quỹ.
Cùng với đó là chậm xử lý các tồn tại của dự án như đã nêu trong kết luận thanh tra, dẫn đến chậm tính để thu tiền sử dụng đất theo quy định và chậm tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng,…
Trách nhiệm để xảy ra những tồn tại, sai phạm tại dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An được xác định thuộc về chủ đầu tư - Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Sài Gòn.
Dự án từng “bất động” hơn 2 thập kỷ
Trên thực tế, Dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An từng nằm "bất động" hơn 2 thập kỷ.
Dự án được quy hoạch trên tổng diện tích 117 ha, được chia thành 2 khu vực, gồm: khu nhà ở 22 ha với 193 nền biệt thự, nhà liên kế sân vườn và 2 block chung cư với 132 căn hộ cao cấp, 8 căn penthouse; khu liên hợp sân golf rộng 92 ha với các công trình khu nghỉ dưỡng spa, sân golf 18 lỗ,… dự án do Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Sài Gòn (SDI Corp) làm chủ đầu tư.
Theo các thông tin được công bố, dự án được UBND Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Thương mại xây dựng sản xuất Thiên Hải cùng các công ty liên doanh khác để thực hiện dự án trên khu đất có tổng diện tích 120 ha nằm trên địa bàn phường An Phú vào tháng 1/1999.
Sau đó, dự án được các cơ quan chức năng chấp thuận thêm phần tiện ích sân golf An Phú dẫn đến phần diện tích dự án tăng lên 137 ha vào năm 2000.
Trên cơ sở này, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn đã ban hành quyết định thu hồi, giao đất cho SDI Corp để thực hiện dự án tại Quyết định 57/QĐ-TTg ngày 12/1/2001.
Thời điểm này, khu đô thị Sài Gòn Bình An có tên gọi là Khu liên hợp sân Golf – Thể dục thể thao và nhà ở (tên thương mại là Saigon Golf Country Club and Residences).
Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, tổng diện tích khu đất chỉ còn khoảng 117 ha theo Quyết định số 6296/QĐ-UBND về phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 ngày 30/11/2015.
Đến tháng 3/2021, sau hơn 20 năm triển khai, dự án khu đô thị Sài Gòn Bình An đã được khởi công.