Nguyên nhân từ sở hữu chéo
Năm 2023 khép lại một giai đoạn với khá nhiều sự kiện của hệ thống ngân hàng, trong đó có những yếu tố thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn khi hồi đầu năm lãi suất huy động và cho vay đều tăng, tăng trưởng tín dụng thấp, tiền mặt dư thừa tại các ngân hàng... Nhưng đáng chú ý xảy ra vụ việc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là “cánh tay nối dài” của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, làm thất thoát hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Kết luận của cơ quan điều tra cho thấy, tại Ngân hàng Sài Gòn (SCB), mặc dù hồ sơ sổ sách chỉ thể hiện bà Trương Mỹ Lan nắm giữ 4,98% vốn điều lệ nhưng trên thực tế, bà Trương Mỹ Lan sở hữu hơn 91% cổ phần nhà băng này thông qua nhờ 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ (tính đến tháng 10/2022). Từ năm 2012 - 2022, trên 90% dư nợ cho vay của SCB chảy vào nhóm của bà Lan thông qua hàng ngàn công ty “ma” được dựng lên.
Với quy mô nhiều ngân hàng có vốn lên tới vài chục nghìn tỷ đồng thì dự thảo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) đưa ra nội dung giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với cá nhân, hay nhóm cổ đông tương ứng từ 5% về 3%, từ 15% về 10% là hợp lý.
Các chuyên gia cho rằng, việc quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần chỉ là một điều kiện cần nhưng quan trọng hơn phải xử lý được tình trạng “ông chủ” đứng sau ngân hàng. Trước đó, ngành ngân hàng cũng đã có không ít đại án rúng động như vụ liên quan ông Trầm Bê, bầu Kiên, Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh... Đây là điều rất đáng lo ngại trong hệ thống tín dụng.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khoá XV mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, những nội dung đặt ra trong yêu cầu về tái cơ cấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém là chấm dứt sở hữu chéo giữa các ngân hàng chứ không phải nói hạn chế. “Nghị quyết của Trung ương lần này nói chấm dứt sở hữu chéo giữa các ngân hàng, mạnh như thế chứ không phải nói hạn chế nữa đâu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ mới đây, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái, hoặc thuộc sân sau của tập đoàn dễ làm mất an toàn và lành mạnh của ngân hàng.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, đây là điều rất đáng lo ngại, bởi nhiều trường hợp các công ty đến vay ngân hàng TMCP và thế chấp tài sản của họ cho ngân hàng đó. Mặc dù tín dụng của các công ty thuộc hệ sinh thái dưới chuẩn, hoặc các dự án không chứng minh được khả năng trả nợ, nhưng vẫn được phê duyệt.
Đặc biệt, khi ngân hàng có sở hữu khống chế bởi các cá nhân, mà những cá nhân đó là người chi phối, họ có quyền quản trị tối cao ở ngân hàng, họ đã phê duyệt dự án của chính họ được vay, có thể dự án đó không đáp ứng được khả năng trả nợ. “Đây là một hiện tượng rất đáng lo ngại”, TS. Hiếu nói.
TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, việc quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần chỉ là một điều kiện cần nhưng quan trọng hơn phải xử lý được tình trạng “ông chủ” đứng sau ngân hàng. Tỷ lệ cá nhân, tổ chức nắm giữ cổ phần tại ngân hàng hoặc vay vốn có thể dễ dàng được thống kê, theo dõi. Tuy nhiên, các ông chủ thực sự nắm quyền chi phối lại không lộ diện trên hồ sơ nếu họ nhờ hoặc thuê người đứng tên hộ cổ phần hoặc lập doanh nghiệp “ma” để vay vốn.
“Lâu nay, cội nguồn mọi cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Việt Nam đều chỉ có duy nhất một nguyên nhân, đó là sở hữu chéo. Tôi đã làm việc trong lĩnh vực ngân hàng cả cuộc đời và chưa thấy cuộc khủng hoảng nào xảy ra với lĩnh vực ngân hàng mà không xuất phát từ nguyên nhân này” - TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cho hay.
Làm gì để “dựng” hàng rào?
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội bất thường diễn ra vào tháng 1/2024. Một nội dung quan trọng được Dự thảo đề cập là quy định nhằm ngăn chặn sở hữu chéo ngân hàng. Đây cũng là vấn đề nhức nhối của hệ thống ngân hàng nước ta hàng chục năm qua.
Để ngăn chặn sở hữu chéo, lũng đoạn ngân hàng, các chuyên gia nhấn mạnh, ngoài điều kiện cần là “siết lại” tỷ lệ sở hữu vốn, vẫn cần có sự giám sát chặt chẽ vấn đề quản trị ngay từ nội bộ ngân hàng và từ cơ quan quản lý Nhà nước.
“Vai trò kiểm soát các tỷ lệ sở hữu thực tế như thế nào và kiểm soát dòng tiền khi đi vào tổ chức tín dụng vận động như thế nào, điều đó quan trọng hơn nhiều việc chúng ta hạ thấp tỷ lệ sở hữu” - ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội, đánh giá.
TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, tỷ lệ sở hữu chỉ mang tính hình thức để công khai. Vấn đề cần quan tâm hơn đó là công tác kiểm tra, giám sát hoạt động quản trị ngân hàng cũng như kiểm tra thực tế phần vốn góp của các bên liên quan cũng như của những nhóm lợi ích. Từ đó, chúng ta mới có thể tránh tình trạng khống chế, thao túng nhằm đưa ra các quyết định mang tính chủ quan của một nhóm lợi ích vì mục tiêu của riêng họ.
“Đây là giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước nên tăng cường trong thời gian tới và cả trong việc luật hóa cụ thể trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi nhằm làm giảm, tiến tới ngăn chặn tình trạng thao túng, sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng”, TS. Đinh Trọng Thịnh nói.
Ý kiến của một số luật sư cho rằng, để chống sở hữu chéo cần tăng cường vai trò của lực lượng thanh tra và giám sát của Ngân hàng Nhà nước, có thể tính đến việc cho phép cơ quan này được điều tra, thậm chí điều tra hình sự một phần.
Còn theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, qua những sự việc vừa qua, cơ quan này sẽ rút kinh nghiệm để có những giải pháp xử lý sở hữu chéo. Tuy nhiên, riêng ngành ngân hàng cũng chưa đủ, bởi vì, nếu cổ đông cứ cố tình nhờ người khác đứng tên, thì việc thao túng cũng không thể xử lý được.
“Cho nên, cần phải ngăn chặn việc đứng tên sở hữu hộ. Chỗ này lại đòi hỏi phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa ngành ngân hàng với các cơ quan quản lý, bộ, ngành hay địa phương”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Bà Hồng cũng nhất trí với quan điểm của chuyên gia cần minh bạch thông tin để xác thực được các cổ đông là ai và có liên quan thế nào với các doanh nghiệp là khách hàng.