Cuộc cạnh tranh của các ngân hàng trong việc giành room tín dụng và thị phần đang trở nên gay cấn hơn. Ảnh: Việt Linh.
Từ ngày 28/8, các ngân hàng thương mại có tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt từ 80% chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thông báo từ đầu năm sẽ được điều chỉnh tăng thêm hạn mức cho vay (room tín dụng) dựa trên cơ sở điểm xếp hạng. Việc bổ sung hạn mức là sự chủ động của NHNN và các tổ chức tín dụng không cần phải đề nghị.
Quyết định này được nhà điều hành đưa ra trong bối cảnh tính đến ngày 26/8, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng ghi nhận mức tăng khiêm tốn 6,63% so với cuối năm 2023.
Room tín dụng tại các ngân hàng thương mại. Ảnh: VPBankS.
Chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán VPBankS nhận định chính sách nới hạn mức của NHNN sẽ là động lực cho các ngân hàng cạnh tranh hơn nữa trong việc giành room tín dụng và thị phần.
Do đó, chính sách lãi suất sẽ trở nên ưu đãi hơn, có lợi cho người đi vay nhưng có thể đánh đổi bằng biên lãi thuần (NIM) giảm nhẹ cho ngân hàng.
Đặc biệt, các ngân hàng đạt 80% room tín dụng từ đầu năm sẽ được gia tăng room tín dụng 2-2,5% tùy từng ngân hàng.
Theo đó, các ngân hàng như ACB, HDBank, LPBank, Techcombank đã hoặc sắp đạt mốc 80% room tín dụng, sau khi được tăng, room tín dụng mới tại các ngân hàng này sẽ ở mức 18-18,7%.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 15% năm nay, trong thời gian còn lại của năm, các ngân hàng sẽ còn phải tăng dư nợ thêm 1,135 triệu tỷ đồng.
Theo dự phóng của chuyên gia phân tích tại VPBankS, nếu các ngân hàng sử dụng được 90% room tín dụng đã được giao từ đầu năm, NHNN không nâng lãi suất điều hành và tăng trưởng GDP đạt 6% thì tăng trưởng tín dụng có thể đạt 14,83%, gần sát mục tiêu của Chính phủ.