Chia sẻ tại Toạ đàm “Các kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp Việt Nam” do VnDirect tổ chức chiều ngày 15/11, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia – đã có nhận định đáng chú ý liên quan đến vấn đề room tín dụng.
Theo ông Nghĩa, từ nay tới cuối năm, sẽ có thay đổi lớn về room tín dụng. Bởi nếu không chuẩn bị sớm thì rất khó cho bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước 2 tuần nay đang làm và sắp tới sẽ làm mạnh hơn.
Trước đó, trao đổi báo chí, vị chuyên gia này từng cho biết, điều quan trọng nhất của chính sách tiền tệ 2 tháng cuối năm và năm tới là không được làm mất đà tăng trưởng. Để làm được điều này, cần nới room tín dụng thêm 1-2% nữa, tức nâng room tín dụng cả năm lên 15-16%. Kiểm soát cung tiền là rất quan trọng, nhưng cần kiểm soát vừa phải, không nên siết quá chặt.
Ý kiến của TS. Lê Xuân Nghĩa được đưa ra trong bối cảnh room tín dụng 14% hiện đã được Ngân hàng Nhà nước phân bổ gần hết cho các tổ chức tín dụng, song dư địa tăng trưởng còn lại cho những tháng cuối năm không còn nhiều, gây áp lực lớn cho hệ thống ngân hàng và cả doanh nghiệp.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đến ngày 25/10 tăng 11,5% so với cuối năm ngoái. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%, dư địa còn lại từ này đến cuối năm chỉ còn khoảng 2,5%, tương đương quy mô tín dụng 261.000 tỷ đồng. Con số này ít hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ các năm trước.
Kể từ đầu năm đến nay, Nhà điều hành đã có hai đợt nới thêm room tín dụng cho một số ngân hàng nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm. Trong đợt mới nhất vào đầu tháng 10, VPBank, HDBank, MB và Vietcombank đã được điều chỉnh thêm hạn mức tín dụng cho năm 2022. Đáng chú ý, đây là các ngân hàng đã tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.
Theo tính toán của Chứng khoán VnDirect, sau đợt điều chỉnh này, có thêm khoảng 83,5 nghìn tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế. Đồng thời, sau đợt điều chỉnh, hạn mức tăng trưởng tín dụng của 18 ngân hàng trong danh sách theo dõi của nhóm phân tích (chiếm khoảng 80% tín dụng hệ thống) đạt khoảng 13,6%.
"Đây là động thái phân bổ lại hạn mức tín dụng giữa các ngân hàng thương mại và mục tiêu 14% của Ngân hàng Nhà nước vẫn được duy trì", nhóm nghiên cứu tại VNDirect nhấn mạnh.
Trước đó, trong đợt nới room vào đầu tháng 9, đã có khoảng 18 ngân hàng thương mại đã được NHNN cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Theo VnDirect, trong đợt cấp tín dụng này, NHNN đã ưu tiên các NHTM có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao - đơn cử như MB, HDBank, VIB, Agribank...
Phát biểu trong buổi họp báo ngày thường kỳ tháng 10, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết năm 2022, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%, cao hơn mức của 2 năm trước 2020-2021. Tuy nhiên, tín dụng đã tăng ngay từ những tháng đầu năm và đây là vấn đề rất khác so với các năm trước. Đến nay, tín dụng tiếp tục ở mức cao so với cùng kỳ của các năm trước
Theo ông Hà, tăng trưởng kinh tế của trong 9 tháng đã sự đóng góp tích cực của việc tăng trưởng tín dụng nhanh ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, khác mọi năm là huy động vốn năm nay tăng trưởng chậm và hiện nay mới đạt khoảng 4,6% so với đầu năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng. Điều này đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng rất cao, cũng gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng vì có huy động tiền được mới cho vay được nền kinh tế.