Trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến ngày 26/8/2022, tín dụng tăng 9,91% so với cuối năm 2021, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Ngoài ra, NHNN cũng đã chính thức bổ sung hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng thương mại. Được biết, mức bổ sung thêm room tín dụng từ 0,7%-4%, tùy theo xếp hạng của từng ngân hàng dựa trên Nghị định 52/2018/NHNN và một số yếu tố khác theo định hướng của Chính phủ.
Theo ước tính của Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), trong đợt điều chỉnh lần này, mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ước tính sẽ tăng thêm khoảng 2%, thấp hơn so với các kỳ vọng của thành viên trên thị trường. Do đó, dư địa để NHNN sẽ có thêm một đợt điều chỉnh vào cuối năm nay vẫn còn.
Đồng quan điểm, các chuyên gia của Chứng khoán VCBS cho rằng, hạn mức tín dụng tăng thêm nhưng khá thấp so với kỳ vọng. VCBS duy trì dự báo về hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14% và được phân bổ theo nhiều đợt với khả năng 2-3%/đợt.
Công ty chứng khoán ACBS thì cho biết, mức tăng hạn mức tín dụng toàn ngành khoảng 2% sẽ tương đương với 200.000 tỷ đồng.
ACBS phân tích, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 8 là 9,9%, nên để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% hàng năm, sẽ cần một đợt điều chỉnh hạn mức khác trước khi kết thúc năm 2022.
Trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có 3 đợt cấp room tín dụng cho các ngân hàng, bao gồm đợt 1 vào đầu năm, đợt 2 vào khoảng tháng 7 và đợt 3 vào tháng 11.
Theo tìm hiểu, trong đợt cấp thêm room tín dụng đợt tháng 9 năm nay, Sacombank là ngân hàng được nới room tín dụng cao nhất là thêm 4% so với hạn mức cũ 7%. Ước tính ngân hàng có dư địa tăng trưởng thêm hơn 16.000 tỷ đồng.
Vietcombank và Techcombank cùng được nới room thêm 2,7%, tương đương được tăng trưởng tín dụng thêm khoảng 30.000 tỷ đồng và 10.500 tỷ đồng.
SSI Research nhận định, hạn mức tín dụng mới trong năm 2022 cho thấy sự phân hóa giữa nhóm NHTMCP Nhà nước (không có nhiều thay đổi so với năm 2021) và nhóm NHTMCP (thấp hơn nhiều so với năm 2021).
Điều này cho thấy mục tiêu của NHNN là hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt tín dụng lĩnh vực rủi ro cũng như điều tiết dòng tiền để kiểm soát được mục tiêu lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, khi trên thực tế, tỷ trọng cho vay các lĩnh vực rủi ro như cho vay kinh doanh bất động sản hay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp từ các NHTMCPNN thấp hơn nhiều so với các NHTMCP.
Mặc dù hạn mức tín dụng được nới lần này thấp hơn so với kỳ vọng, nhưng theo các chuyên gia, điều này có thể giúp tháo gỡ những điểm khó khăn nhất và thúc đẩy nền kinh tế duy trì xu hướng đi lên mà không gây thêm áp lực lên lạm phát do tăng trưởng quá nóng. ACBS cho rằng, hạn mức bổ sung có thể tạo thêm áp lực tăng lãi suất trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng không ổn định trước áp lực giảm giá của Đồng Việt Nam so với Đô la Mỹ. Tuy nhiên, tác động này được cho là không đáng kể vì mặt bằng lãi suất đã điều chỉnh tăng để hạn chế sự mất giá của Đồng Việt Nam.
Nhiều ngành cũng đang bước vào mùa cao điểm kinh doanh cuối năm. Một số ngành sẽ có lợi thế trong tiếp cận vốn, chẳng hạn như xuất nhập khẩu dự kiến sẽ được tiếp cận với các hạn mức tín dụng và khoản vay để phục vụ cho các hoạt động thương mại. Các nhà sản xuất sẽ có thêm khả năng tiếp cận vốn lưu động để mua nguyên vật liệu và trả lương cho nhân viên. Các nhà bán lẻ, FMCG có nhu cầu vốn lưu động cao sẽ được cấp vốn để dự trữ hàng tồn kho phục vụ mùa mua sắm cuối năm.