Ông Lê Đình Quảng, thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Phó trưởng Ban Chính sách, pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã trao đổi một số nội dung về góc nhìn của tổ chức công đoàn trước vấn đề tăng lương tối thiểu vùng năm 2024.
Thưa ông, trước phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, người lao động mong muốn tăng lương, song phía doanh nghiệp muốn trì hoãn do những khó khăn khách quan, vậy ở góc độ tổ chức công đoàn trong đợt tăng lương này cần có sự hài hòa các bên ra sao?
Trong bối cảnh hiện nay, đời sống người lao động gặp rất nhiều khó khăn, nhất là hơn một năm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng tăng cao so với trước đây. Trong các yếu tố để xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu thì khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng rất quan trọng.
Rõ ràng trong điều kiện hiện nay, điều này cần được xem xét để vừa đảm bảo động viên người lao động làm việc có năng suất, chất lượng, làm sao để tiền lương thực sự là động lực cải thiện điều kiện làm việc, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhưng cũng hài hòa với khả năng chi trả. Đó là bài toán phải tính rất kỹ.
Ngoài khả năng chi trả của doanh nghiệp, mức sống tối thiểu cũng là một tiêu chí quan trọng trong 7 yếu tố để xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu hằng năm.
Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương đã xác định, định kỳ hằng năm cơ quan thống kê phải công bố mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ để Hội đồng Tiền lương Quốc gia làm căn cứ điều chỉnh tiền lương.
Tuy nhiên, từ Nghị quyết 27 năm 2018 đến nay, có thể nói việc công bố mức sống tối thiểu hằng năm vẫn chưa làm được, đây là việc chúng tôi nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng, để làm căn cứ cho các bên trong thương lượng về tiền lương tối thiểu định kỳ hằng năm.
Vậy theo tính toán của công đoàn thì tiền lương tối thiểu hiện nay đã đáp ứng bao nhiêu % nhu cầu sống tối thiểu của người lao động?
Khi thương lượng tiền lương ở Nghị định 38 về điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, mức lương tăng thêm 6%, thì qua ghi nhận chúng tôi thấy phần lớn các doanh nghiệp đã đáp ứng được, người lao động cũng cho rằng phù hợp.
Nghĩa là thời điểm áp dụng từ tháng 7/2022 đến nay, mức lương trên đảm bảo, tuy nhiên cũng từ đó đến nay chỉ số giá tiêu dùng tăng lên, điều kiện kinh tế - xã hội cũng có những biến động, nhu cầu chi tiêu của người lao động và gia đình họ cũng tăng lên, đó là các yếu tố cần xem xét để điều chỉnh tiền lương trong thời gian tới.
Ông Lê Đình Quảng, thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Phó trưởng Ban Chính sách, pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)
Về mức cụ thể tiền lương đáp ứng bao nhiêu nhu cầu sống tối thiểu hiện chúng tôi chưa có số liệu tính toán cụ thể, tuy nhiên nhìn chung Nghị định 38 đã đáp ứng được giai đoạn đầu rất phù hợp, cả doanh nghiệp và người lao động đều có sự cải thiện. Vậy phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã dự kiến các phương án điều chỉnh lương tối thiểu cho năm tới ra sao, thưa ông?
Đến thời điểm này, tổ chức công đoàn đã chuẩn bị tất cả số liệu, căn cứ để chuẩn bị thương lượng. Tuy nhiên, năm nay trong bối cảnh khó khăn chung, chúng tôi sẽ đưa ra nhiều phương án chứ không có một phương án cụ thể nào. Trong quá trình đàm phán, các thành viên của tổ chức công đoàn sẽ thống nhất rồi sẽ có phương án sau.
Hiện chúng tôi chưa có một phương án chính thức hay bất cứ văn bản nào đề xuất gửi sang Hội đồng Tiền lương Quốc gia như các năm trước đây.
Về thời điểm điều chỉnh thì sao thưa ông, trong khi các doanh nghiệp kiến nghị lùi thời gian trong năm 2024?
Có thể nói trong phiên đàm phán đầu tiên, thời điểm điều chỉnh cũng là nội dung mà các bên trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần thảo luận, bởi nếu lùi lại đến đầu năm 2024 thì theo Nghị định 38 cũng đã mất hơn 1 năm rưỡi chưa tăng. Trong khi đó, Nghị quyết 27 xác định cần định kỳ điều chỉnh hằng năm lương tối thiểu vùng.
Mặc dù vậy, chúng tôi thấu hiểu hiện nay doanh nghiệp khó khăn, do đó việc đề nghị lùi thời gian điều chỉnh tiền lương cũng là một yếu tố cần thảo luận kỹ lưỡng để vừa đảm bảo quyền lợi người lao động, vừa bảo đảm khả năng chi trả của người sử dụng lao động.
Còn với góc độ cá nhân, tôi cho rằng mức tăng lương năm tới chỉ nên điều chỉnh làm sao đủ bù đắp trượt giá, người lao động vẫn duy trì được tiền lương theo Nghị định 38.
Lương tối thiểu đã được điều chỉnh nhiều lần, nhưng vẫn chưa giải quyết được cốt lõi được vấn đề về đời sống của người lao động, theo ông giải quyết vấn đề tiền lương đủ sống cần giải pháp gì thay vì cứ đến thời điểm lại chờ lương tăng?
Thực tế, nhiều quốc gia xác định không quan tâm đến tiền lương tối thiểu rồi mà tập trung vào tiền lương đủ sống, làm sao mức lương đó vừa đảm bảo đời sống nhưng người lao động cũng có một phần tích lũy để giảm thiểu những tình huống rủi ro.
Dịch bệnh vừa qua, người lao động của chúng ta gặp rất nhiều khó khăn vì một phần chưa tính đến các yếu tố đó. Dần dần, tiền lương tối thiểu chỉ làm đúng chức năng của nó, là sàn thấp nhất bảo vệ người lao động yếu thế để doanh nghiệp không được trả thấp hơn, đồng thời là căn cứ để các bên thương lượng tiền lương.
Như vậy, chúng tôi cho rằng trong thời gian tới phải tăng cường đối thoại, thương lượng về tiền lương, bởi lâu nay thương lượng của chúng ta chưa tốt nên thường dựa vào điều chỉnh tăng lương tối thiểu để các doanh nghiệp tăng tiền lương theo.
Thực chất việc này phải thương lượng trực tiếp bằng tiền lương hoặc thỏa ước lao động tập thể, quy chế xây dựng thang, bảng lương hoặc điều chỉnh tiền lương hằng năm. Tăng cường thương lượng, đối thoại trực tiếp về tiền lương sẽ tốt hơn là dựa vào lương tối thiểu để điều chỉnh để tăng theo.