Trái ngược với những dự báo lạc quan ở thời điểm đầu năm, thị trường lao động cuối năm có nhiều biến động, nhất là khi tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng phải cắt giảm lao động ở nhiều địa phương.
Sẽ có thêm nhiều người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm
Dự báo của các cơ quan quản lý về lĩnh vực lao động, việc làm đều cho thấy sẽ có nhiều người lao động gặp khó khăn về việc làm, thu nhập, ít nhất là cho đến đầu năm 2023.
Cục Việc làm (thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện nay, ngay cả một số doanh nghiệp dù không thực hiện cắt giảm lao động nhưng buộc phải cho lao động nghỉ việc luân phiên, giãn việc, hoặc dự kiến cho người lao động nghỉ Tết sớm và dài hơn mọi năm để chờ đơn hàng mới. Chịu ảnh hưởng nhiều nhất là lao động tại các doanh nghiệp ở khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là lao động làm việc ở các doanh nghiệp FDI.
Chung nhận định, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự báo, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý 1, thậm chí quý 2/2023, dẫn đến nhiều người lao động tiếp tục bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống.
Theo tổng hợp của công đoàn, dự kiến trong tháng 12/2022 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có 667 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của 271.736 lao động và 88 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm tiếp trên 15.000 lao động.
Từng nhiều năm theo dõi lĩnh vực lao động, việc làm, ông Đào Quang Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, thông thường quý 4 sẽ là thời điểm đơn hàng sản xuất nhiều nhất phục vụ cho dịp cuối năm, người lao động phải liên tục tăng ca để đảm bảo sản lượng xuất khẩu, song năm nay theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, đơn hàng sụt giảm rất nhiều, dự báo tình trạng này vẫn sẽ tiếp tục vào quý 1, quý 2 năm sau.
Theo ông Vinh, các dự báo hồi đầu năm cho thấy tình hình sản xuất sẽ có nhiều khởi sắc, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng sẽ có nhiều đơn hàng, phục hồi và tăng trưởng nhanh trong thời gian cuối năm, song với nhiều diễn biến trong quý 4 vừa rồi là khá bất ngờ với các doanh nghiệp.
“Gần đây, diễn biến của thị trường không như dự báo ban đầu, có rất nhiều yếu tố bất ngờ của thị trường thế giới. Hiện các nước vốn nhập nhiều hàng hóa từ Việt Nam đang giảm sút do thu nhập của người dân giảm, từ đó nhu cầu hàng hóa tại các doanh nghiệp Việt cũng giảm đi”, ông Vinh thông tin.
Sẽ kiến nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động
Trước tình trạng này, ông Đào Quang Vinh cho rằng, cần có giải pháp để giúp doanh nghiệp cầm cự, mở rộng thị trường và có thêm đơn hàng. Bên cạnh đó, cũng cần có những gói hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp như trong thời gian dịch bệnh để giúp doanh nghiệp tiếp tục cầm cự, giữ chân người lao động, cũng như hỗ trợ các nguồn tín dụng để trả lương cho người lao động.
Đối với những lao động mất việc làm, cần có chính sách hỗ trợ để họ có nguồn thu nhập tối thiểu. “Hiện chúng ta có thể huy động từ nguồn kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo cho người lao động để có thêm những kỹ năng mới và tìm kiếm việc làm ngắn hạn”, ông Vinh đề xuất.
Với doanh nghiệp, theo ông Vinh một số chính sách như gói hỗ trợ tín dụng 2% hiện nay giải ngân vẫn rất thấp. Vì vậy, cần giải ngân cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có nguồn vốn duy trì sản xuất để tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.
Trước các dự báo trong cuối năm nay và đầu năm 2023 tình hình việc làm vẫn rất khó khăn, ông Vinh cho rằng, các chính sách hỗ trợ của nhà nước về an sinh xã hội, đào tạo, kết nối cung cầu lao động là rất quan trọng.
Về phía tổ chức công đoàn, ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trước tình trạng công nhân mất việc, giảm giờ làm đang diễn ra, cơ quan này đã trao đổi với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để cùng thống nhất đánh giá lại tình hình, từ đó sẽ có kiến nghị Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động.
Riêng công đoàn, trong kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động sắp tới, sẽ có gói hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn, trong đó có những người mất việc, giãn việc, dự kiến có trên 1 triệu đoàn viên, người lao động được hỗ trợ với mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng.
Bên cạnh đó, các cấp công đoàn sẽ tổ chức 22 phiên chợ Tết tại các tỉnh, thành phố, được bán với giá ưu đãi cho người lao động với mức giảm từ 15% - 50%. Ngoài chăm lo Tết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự kiến sẽ có thêm một gói nữa hỗ trợ công nhân, người lao động trong dịp Tết và sau Tết.