Theo Korea Herald, giá của chiếc túi Chanel’s Mini Flap Bag tăng 7%, từ 5,94 triệu won lên 6,37 triệu won (từ 4.190 USD lên 4.490 USD), trong khi giá của chiếc Chanel’s Classic Large Flap Bag tăng 6%, từ 13,35 triệu won lên 14,2 triệu won. Các phụ kiện của Chanel cũng tăng giá từ 7 đến 8%, trong đó giá của ví cổ điển Classic Wallet tăng 8,3%, từ 3,99 triệu won lên 4,32 triệu won...
Đợt tăng giá này đồng nghĩa với việc các sản phẩm nằm trong bộ sưu tập Classic Flap Bag Medium của hãng xa xỉ này đã tăng tới 84% kể từ năm 2019. Trong năm nay, Chanel đã liên tục tăng giá ở thị trường Hàn Quốc vào tháng 1, tháng 3 và tháng 8. "Chúng tôi đã áp dụng việc tăng giá tại các cửa hàng của mình theo chính sách giá của công ty trên toàn thế giới, được bắt đầu vào năm 2015. Điều này để đảm bảo sự công bằng cho khách hàng trên toàn cầu và giảm chênh lệch tỷ giá giữa các khu vực", đại diện Chanel cho biết.
Dù thương hiệu đảm bảo rằng việc tăng giá diễn ra công bằng trên toàn cầu, theo truyền thông Hàn Quốc, giá bán của Chanel ở quốc gia này thực tế là cao hơn so với những nơi khác. Ví dụ chiếc túi Chanel’s Mini Flap Bag được bán ra với giá mới 4.490 USD, trong khi tại Mỹ, nó có giá 4.200 USD và 4.000 USD tại Anh.
Chanel không phải là thương hiệu xa xỉ duy nhất tăng giá gần đây. Các hãng như Louis Vuitton và Fendi cũng đã tăng giá bán ở Hàn Quốc trong nửa cuối năm 2022, do việc tăng giá nguyên vật liệu và tỷ giá hối đoái tăng. Hồi tháng 10, Louis Vuitton công bố mức giá tăng 3%, trong khi Fendi và Hermes tăng lần lượt là 6% và 4%. Đây là lần tăng giá thứ hai trong năm của Louis Vuitton, trong khi Fendi có ba lần thông báo tăng giá bán.
Đây là lần tăng giá thứ 4 của hãng thời trang xa xỉ Pháp tại đất nước kim chi trong năm nay.
Động thái tăng giá của các thương hiệu xa xỉ khiến giới truyền thông Hàn đặt câu hỏi, phải chăng lý do là vì trong năm 2022, Hàn Quốc lần đầu tiên chính thức trở thành một trong 10 thị trường tiêu thụ thời trang xa xỉ lớn nhất toàn cầu.
Theo công ty cố vấn tài chính và nghiên cứu thị trường Samjong KPMG, Hàn Quốc sở hữu sức mua tăng 29.6% đạt 5,8 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021. Dù vẫn còn khá nhỏ so với Mỹ (64.1 tỉ), Trung Quốc (42.7 tỉ) và Nhật Bản (26 tỉ), nhưng con số cho thấy một Hàn Quốc đã phát triển với tốc độ chóng mặt, từ một quốc gia may gia công cách đây 50 năm trở thành một nhà tiêu thụ thời trang hàng đầu ở hiện tại.
Thực tế, sức ảnh hưởng của Hàn Quốc nói chung và Seoul nói riêng trong làng thời trang thế giới đã thay đổi nhờ làn sóng Hallyu. Từ thập niên 1990, sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của các ngôi sao Kpop và Kdrama vừa giúp thu hút sự quan tâm của thế giới đến Hàn Quốc, vừa giúp thúc đẩy sự tiêu thụ thời trang tại chính quốc gia này. Không ngoa khi nói rằng vị thế kinh đô thời trang của Seoul được tạo lập nhờ các ngôi sao.
Các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh Hàn Quốc có một lượng fan hùng hậu. Các fan luôn học tập, săn lùng và cố gắng ăn mặc giống với thần tượng của mình. Những cái tên như G-Dragon, Blackpink, Ooh Sehun, Seo Ye Jin,… luôn được nhắc đến như những người tạo ra xu hướng. Sức ảnh hưởng của họ đến ngành công nghiệp thời trang là không thể bàn cãi. Khao khát dẫn đầu xu hướng thời trang tại Seoul là rất lớn. Khi những thần tượng mặc một bộ cánh gây sốt mạng xã hội, ngay lập tức hàng loạt fan cũng như fashionista sẽ chủ động chạy theo xu hướng vừa được tạo ra ấy.
Đây cũng chính là lý do các nhãn hàng lớn bị thị trường này thu hút. Bản chất chạy theo xu hướng và phóng tay chi tiêu để ăn mặc hợp mốt biến Seoul thành môi trường hoàn hảo cho ngành thời trang phát triển, do đó trở thành một kinh đô thời trang Á Đông. Seoul Fashion Week những năm gần đây cũng thu hút những NTK lớn cũng như những người có tầm ảnh hưởng trong ngành công nghiệp thời trang quốc tế đến tham dự.
Không chỉ Chanel, hầu hết các nhãn hàng lớn đều bị thị trường Hàn Quốc thu hút.
Trong tình hình đó, việc giữ thế độc quyền là một nhu cầu bức thiết với nhãn hàng xa xỉ. Không những tăng giá, Chanel còn khăng khăng giữ chiến lược không bán hàng online. Theo SCMP, cách làm của Chanel giúp họ tăng điểm so với những đối thủ cạnh tranh như Hermès, Louis Vuitton... Các thương hiệu này đã mở rộng mô hình kinh doanh online trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát.
Tư duy của Chanel rất rõ ràng: thương mại điện tử sẽ tước đi khía cạnh quan trọng của các khách hàng cao cấp - sự trải nghiệm. Đây là điều chỉ có thể tìm thấy tại những cửa hàng của hãng. "Ngày nay, thương mại điện tử là vài cú nhấp chuột và các sản phẩm hiện trên một màn hình. Không có trải nghiệm gì cả. Dù chúng tôi nỗ lực thế nào cũng không thể đem được tiêu chuẩn trải nghiệm cần thiết cho khách hàng", Bruno Pavlovsky, Chủ tịch Chanel Fashion và Chanel SAS, trả lời Vogue Business.
Thông qua việc từ chối tham gia vào thị trường trực tuyến, Chanel đưa ra tuyên bố về sự độc quyền và độ hiếm của sản phẩm. Khách hàng cần nỗ lực để sở hữu chúng thay vì vài cái nhấp chuột. Mặt khác, việc buộc khách đến cửa hàng cũng tạo nên hình ảnh sản phẩm của Chanel được đánh giá cao. Và dĩ nhiên, yếu tố trải nghiệm cũng là một phần lý do.