Chương trình “Cơ hội cho ai? - Whose chance?” mùa 4 đã khép lại với 17 ứng viên được tuyển dụng. Trong đó, bà Lưu Nga - Nhà sáng lập Thương hiệu Thời trang Elise - là một trong hai vị sếp chiêu mộ được nhiều người nhất, với 4 ứng viên, mức lương thỏa thuận từ 25 - 30 triệu đồng/tháng.
Chương trình cũng dấy lên nhiều tranh cãi xung quanh câu chuyện bằng cấp, quan điểm làm việc của Gen Z hay chuyện du học sinh bị loại và sinh viên trong nước được chọn... Chúng tôi đã có buổi trao đổi với bà Lưu Nga, vị sếp ngồi ghế nóng xuyên suốt 4 mùa “Cơ hội cho ai?” để hiểu hơn câu chuyện đằng sau những quan điểm và lời khuyên của các sếp dành cho các nhân sự trẻ.
Đằng sau lời khuyên du học sinh “Bằng cấp chỉ là tờ giấy”...
* Ngồi ghế “Sếp” xuyên suốt 4 mùa và là nhà tuyển dụng lâu năm, chị nhìn nhận thế nào nếu đem lên bàn cân năng lực của các du học sinh và các sinh viên tốt nghiệp trong nước?
Tất nhiên, du học sinh, đa số là những bạn may mắn hơn rất nhiều các bạn trong nước, là những bạn có thành tích học tập xuất sắc, là gia đình có điều kiện kinh tế hơn hẳn mức trung bình cao của đất nước. Các ứng viên là du học sinh, các bạn ấy được trải nghiệm đa quốc gia, sự tự lập, độc lập trong môi trường quốc tế ở các nước phát triển, các bạn ấy may mắn được tiếp cận với công nghệ mới.
Nhưng thực tế các công ty Việt Nam lại cần những ứng viên năng động, dễ hoà nhập và hiểu rõ văn hoá của người việt nhiều hơn. Bởi vậy, tôi cho rằng, du học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường cần thêm vài năm ở các doanh nghiệp Việt Nam để nắm rõ hơn về con người và cách làm việc của người Việt.
Có như vậy, mới có thể dễ dàng hoà nhập và từ đó đưa kiến thức tiên tiến mình học được kết hợp với môi trường Việt Nam để phát huy điểm mạnh của mình, lúc đó tôi hy vọng rằng các bạn du học sinh sẽ có nhiều đóng góp thực sự cho doanh nghiệp mà không dễ gì học sinh trong nước có được.
Đó là lý do tôi khuyên du học sinh hãy khiêm tốn - coi bằng cấp chỉ là một tờ giấy chứng nhận, để hoà nhập dễ dàng và lấy đà cho phát triển bản thân.
Đối với các con tôi cũng vậy, tôi tạo điều kiện cho các con đi du học nhưng tôi cũng luôn nhắc nhở các con phải biết lợi thế của các bạn học trong nước, phải khiêm tốn khi trở về và tìm cách hoà nhập một cách dễ dàng nhất.
* Gu tuyển dụng của chị là gì?
Tôi không cho rằng tuyển dụng có gu, mà tuyển dụng theo nhu cầu và theo đặc thù công việc của mỗi doanh nghiệp. Như Elise của chúng tôi là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, lấy tiêu chí cái đẹp, sự phù hợp và cảm xúc để dẫn dắt xu hướng thời trang cho khách hàng. Nên tiêu chí của tôi là những ứng viên ngoài trình độ, kinh nghiệm, năng khiếu thì còn phải là có cùng ý chí và cảm xúc làm nghệ thuật giống tôi.
Tôi dễ dàng tìm thấy những ứng viên đồng cảm với mình và xuyên suốt tất cả 4 mùa tôi không thay đổi cách tôi tuyển dụng. Và thực tế tôi gặt hái được những thành quả nhất định khi hợp tác với các nhân sự tuyển dụng được trên chương trình.
* Tôi được biết từ những mùa trước đến nay, có một số ứng viên hiện vẫn đang cộng tác cùng Elise. Theo chị, điều gì ở Elise đã thu hút và giữ chân những nhân sự như vậy?
Có lẽ đó là tình yêu thương hiệu mà ứng viên đó có được trong quá trình làm việc ở Elise. Tôi có xu hướng lựa chọn những người giống mình, tức là sống cảm xúc, chân thật và quyết liệt, mạnh mẽ trong công việc. Tuy cách lựa chọn của tôi rất cảm tính, nhưng cũng rất ít khi sai.
Những nhân sự "Cơ hội cho ai?" đồng hành với Elise đến giờ, hơn 70% trong số đó thu nhập tăng gấp 2-3 lần chỉ sau vài năm. Điều đó chứng minh rất rõ cho môi trường làm việc của Elise là tiềm năng và lợi thế phát triển cũng như đạo đức nghề nghiệp của nhân sự đó với thương hiệu.
Offer lương 50 triệu cho ứng viên không bằng cấp và kinh nghiệm làm việc với một thế hệ hay “bật sếp”
* Nói về câu chuyện bằng cấp, tôi nhớ cũng trong “Cơ hội cho ai?” mùa 4, cô gái không bằng cấp Huỳnh Hà My (cô nàng producer của kênh youtube ẩm thực nổi tiếng) được chị offer tới 50 triệu đồng để chiêu mộ… Về câu chuyện bằng cấp, chị thật sự nhìn nhận thế nào?
Với quan điểm cá nhân của tôi, bằng cấp quan trọng nhất khi bạn mới ra trường, khi đó doanh nghiệp có xu hướng sẽ nhìn vào bằng cấp để tuyển dụng lao động trong vòng xét tuyển hồ sơ, cốt lõi vẫn là kiến thức bạn thể hiện với nhà tuyển dụng. Còn khi đã là những nhân sự lâu năm thì tính hiệu quả và logic khi ứng biến các công việc quan trọng hơn bằng cấp.
Elise của tôi khởi nghiệp từ những nhân sự còn rất trẻ, trong số đó nhiều nhân sự bằng cấp không đồng đều, nhưng sự thành công của họ không thực sự tỷ lệ thuận với bằng cấp xếp hạng chủ quan, mà nó tỷ lệ thuận với ý thức, đạo đức và nhân cách của mỗi người trong công việc, cái đó tôi gọi là văn hoá của nhân sự.
* Gen Z được nhìn nhận là một thế hệ dám nói, dám làm, hay “bật sếp”. Chị nghĩ sao về nhận định này?
Các bạn cần phân định rõ ràng giữa hai khái niệm cãi và trình bày quan điểm. Đây là hai cái khác nhau hoàn toàn. Trình bày quan điểm với thái độ không đúng, vô lễ, hằn học, vùng vằng… là sai. Còn tranh luận là cần thiết để cùng trình bày quan điểm, thống nhất nội dung nhưng không bật, cãi với thái độ thiếu tôn trọng bởi đó là chuẩn mực đạo đức trong giao tiếp mà không nên sai phạm.
Tôi cho rằng thế hệ nào thì cũng cần tôn trọng sếp. Và khi tôn trọng thì sẽ tìm ra được sự kết hợp tốt nhất giữa nhân viên và người lãnh đạo.
* Được biết Elise hiện tại vẫn áp dụng chính sách đi làm sáng thứ 7 hàng tuần, trong khi Gen Z phần lớn chuộng cơ chế làm việc linh hoạt. Theo chị, chính sách này của doanh nghiệp có gặp hạn chế trong việc thu hút nhân tài Gen Z?
Bản thân tôi là một người phụ nữ giàu cảm xúc, sống bằng cảm xúc. Tôi hay nói với nhân viên của mình rằng, nếu không có cảm xúc, tôi không thể làm được trong lĩnh vực thời trang cũng như bất kì công việc nào khác. Cũng thật may mắn, lĩnh vực mà tôi chọn lựa là một lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo và xúc cảm.
Thế hệ gen Z là thế hệ của sự hội nhập, được bày tỏ quan điểm, được công nhận giá trị và được tự do trong thế giới của riêng các bạn. Tuy nhiên, doanh nghiệp nào cũng có nội quy, quy định. Việc chấp hành theo quy định là nhiệm vụ, nghĩa vụ của mỗi nhân sự.
Tuân thủ không có nghĩa là gò bó, ép buộc, nó hình thành nên tiêu chuẩn văn hóa mỗi doanh nghiệp. Và việc đi làm sáng thứ 7 cũng vậy. Tuy nhiên, do đặc thù công việc, Elise vẫn có những bộ phận không áp đặt thời gian làm việc tại văn phòng, như truyền thông, thiết kế… cái các bạn thực sự cần là cảm xúc dành cho sự sáng tạo, và chúng tôi quản trị trên hiệu quả công việc các bạn xây dựng.
* Nếu như 8X, 9X ngày trước thường có quan điểm cố gắng bám trụ với công ty, thì Gen Z ngày nay sẵn sàng từ bỏ công ty/từ bỏ sếp nếu nhận thấy công việc không mang lại cho mình nhiều giá trị tinh thần. Chị nhìn nhận thế nào về câu chuyện này?
Đó là sự phát triển tất yếu của xã hội, không phải là cấp tiến cũng chẳng phải "sướng quá hoá hư". Mọi sự vật luôn luôn vận động và phát triển, nhu cầu sống và mức sống thay đổi, yêu cầu xã hội cũng không còn như trước.
Chúng ta không thể so sánh phương thức làm việc của những thế hệ cũ so với thế hệ trẻ hiện nay. Cá nhân tôi phù hợp tất với cả thế hệ cũ lẫn thế hệ Gen Z. Tôi dạy được con nghĩa là tôi hiểu được các con mình, và hiểu được thế hệ Gen Z cần gì.
* Xin cảm ơn chị!