Ngành tài chính và công nghệ của Trung Quốc trải qua một phen rúng động sau thông tin China Renaissance Holdings thông báo với Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong rằng họ "không thể liên lạc với Bao Fan" - nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành một trong những ngân hàng đầu tư công nghệ hàng đầu nước này.
Sự biến mất của tỷ phú Bao khiến giá cổ phiếu của China Renaissance lao dốc 50% ở đầu phiên giao dịch ngày 17/2 tại Hong Kong.
Ông Bao là nhân vật quan trọng trong ngành công nghệ và tài chính Trung Quốc, nổi tiếng nhờ từng làm trung gian cho các thương vụ mua bán và sáp nhập phức tạp, dẫn tới sự hình thành của hãng gọi xe công nghệ Didi Global hay Meituan.
Tầm nhìn vĩ đại
Trước khi đặt nền móng cho các mối quan hệ lâu trong lĩnh vực công nghệ Trung Quốc, công việc đầu tiên của Bao Fan sau khi tốt nghiệp đại học là làm việc tại những ngân hàng hàng đầu thế giới như Morgan Stanley hay Credit Suisse.
“Những người ở đó thông minh, rất giỏi trong những gì họ đã làm. Quan trọng nhất là họ đều rất vui vẻ và tự tin. Thần thái rất quan trọng”, ông Bao nói, với áo phông và quần jeans rách gối trong văn phòng của mình cạnh khu mua sắm thời trang nhất ở Bắc Kinh trong cuộc phỏng vấn với Financial Times.
Khi còn là một nhân viên ngân hàng mua bán và sáp nhập (M&A) trẻ tuổi ở Hong Kong vào cuối những năm 1990, ông Bao lần đầu có cơ hội giao dịch với các doanh nghiệp nhà nước. Bao Fan sau đó bị thu hút bởi cái mà ông gọi là “các doanh nhân công nghệ thế hệ đầu tiên” vì nhìn thấy sự thú vị.
“Tôi nghĩ, những người này có thể là tương lai của Trung Quốc”, tỷ phú Bao nhớ lại. Vào thời điểm đó, ông Bao đã gặp cả 3 nhà sáng lập của những nền tảng công nghệ hàng đầu Trung Quốc sau này, bao gồm Jack Ma của Alibaba, Pony Ma của Tencent và Robin Li của Baidu.
Năm 2005, ông Bao thành lập China Renaissance, dần dần biến công ty tư vấn nhỏ thành một trong những tổ chức tài chính hàng đầu của Trung Quốc, thường giành được các hợp đồng tài trợ công nghệ từ những đối thủ lớn hơn của Phố Wall.
Tỷ phú Bao đã chọn đúng lĩnh vực mà ông cho rằng có đủ sự thú vị. Chính phủ Trung Quốc coi lĩnh vực công nghệ là vị cứu tinh của nền kinh tế công nghiệp đang đi xuống và ban hành một loạt chính sách để thúc đẩy đầu tư vào công nghệ.
"Giấc mơ của tôi là xây dựng một tổ chức tài chính tầm cỡ thế giới. Nếu xét đến tầm quan trọng của nền kinh tế, Trung Quốc nên có một tổ chức như thế này. Thước đo của điều đó là một công ty Trung Quốc được ngồi vào trong bàn tài chính cấp cao với những cái tên như Goldman Sachs, Blackstone, BlackRock”, ông Bao nói với Financial Times hồi năm 2018.
Người xây dựng niềm tin cho giới công nghệ Trung Quốc
Nhìn từ bên ngoài, lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc là giấc mơ với một nhà giao dịch, với thị trường tư nhân tràn ngập tiền đầu tư mạo hiểm và 65 công ty được định giá hơn một tỷ USD.
Những người trong ngành đều biết bối cảnh bên trong cuộc cạnh tranh này đầy rẫy sự ngờ vực. Mặc dù vậy, Bao Fan và China Renaissance là ngoại lệ hiếm hoi khi vượt qua những đối thủ cạnh tranh từ quốc tế để tư vấn cho hàng loạt giao dịch công nghệ giá trị cao tại Trung Quốc, đỉnh điểm vào năm 2018 lên tới 11,7 tỷ USD.
Bí quyết lớn nhất của ông Bao chính là giành được sự tin tưởng từ mọi phía. “Niềm tin cho phép chúng tôi thực hiện công việc của mình với tư cách là nhà vô địch đối với những người chơi trong nền kinh tế mới của Trung Quốc”, tỷ phú Bao viết trên trang đầu tiên của bản cáo bạch trong đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của China Renaissance tại Hong Kong hồi năm 2018.
Năm 2011, ông Bao bắt đầu làm trung gian cho hàng loạt thương vụ gọi vốn dẫn tới sự hình thành của Meituan-Dianping, startup có giá trị vượt xa Airbnb và Space X về quy mô lúc khởi nghiệp.
Khi ấy, Meituan đang vật lộn để giành thị phần mảng giao đồ ăn, trong khi Dianping thì cố gắng thu hút các doanh nghiệp và khách hàng sử dụng nền tảng xếp hạng nhà hàng của mình. Năm 2014, nhà sáng lập China Renaissance bắt đầu thảo luận về ý tưởng sáp nhập cả hai.
Ông Bao cho rằng Meituan-Dianping có những mảng kinh doanh rõ ràng và có thể bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến quản lý, định giá và cả sự hậu thuẫn từ nền tảng Alibaba và Tencent với hai công ty này.
Meituan và Dianping sau đó được định giá tương ứng khoảng 7 tỷ USD và 4 tỷ USD. Alibaba ủng hộ Meituan, trong khi Tencent hậu thuẫn cho Dianping.
Cả hai bên đều khăng khăng muốn có Bao Fan làm cố vấn duy nhất. Chỉ đến khi bắt đầu thực hiện thương vụ, ông Bao mới nhận ra ấn tượng ban đầu của mình về thương vụ này có thể là sai lầm.
“Tôi nhận ra họ không có thỏa thuận nào cả. Có một số lỗ hổng lớn trong sự hiểu biết, đặc biệt là về định giá và cấu trúc của thỏa thuận. Đó là điểm mà tôi bắt đầu hoảng sợ,” tỷ phú Bao kể lại.
Đối với ông Bao, việc tạo dựng lòng tin giữa hai bên là chưa đủ. Sau khi thuyết phục cả hai bên đồng ý với khuôn khổ mình đưa ra, ông Bao để cả hai sắp xếp thỏa thuận cơ bản và thực hiện phần còn lại của công việc chi tiết.
Cách giải quyết của ông Bao khá đơn giản, đó là "nhốt" cả hai bên trong một phòng khách sạn ở Bắc Kinh trong một ngày cho đến khi những điều cơ bản được giải quyết.
"Niềm tin cần có thời gian để xây dựng. Đối với các đối thủ cạnh tranh khốc liệt, để đạt được mức độ tin cậy là một yêu cầu rất lớn. Chỉ riêng việc đó thôi cũng đã mất một tháng. Đó là cách tạo dựng niềm tin giữa các quý ông. Điều quan trọng là sớm để họ nói cùng một ngôn ngữ, trong cùng một khuôn khổ", ông Bao giải thích về cách làm của mình.
Thỏa thuận chính thức được công bố trong năm 2018. Đỉnh điểm là khi Meituan-Dianping được định giá tới 53 tỷ USD trong đợt IPO và vẫn quay lại gặp ông Bao để xin lời khuyên.
Đến năm 2015, tên tuổi của ông Bao một lần nữa nổi tiếng trong ngành khi "đạo diễn" vụ sáp nhập giữa Didi và Kuaidi Dache - một trong những đối thủ cạnh tranh hàng đầu của hãng gọi xe vào thời điểm đó - được coi là một trong những thương vụ bom tấn.
Tầm nhìn của ông Bao và China Renaissance là đầu tư vào hàng loạt công ty công nghệ. Nhiều trong số đó trở thành những gã khổng lồ công nghệ như NIO và WuXi AppTec.
Ngân hàng của ông Bao cũng là nhà băng bão lãnh chính cho thương vụ IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) trị giá 2 tỷ USD của JD.com tại Mỹ hồi năm 2014.