Nvidia đang gặp một vấn đề chưa từng có. Nhiều nhân viên đã làm việc lâu năm tại công ty, với lượng cổ phần nắm giữ khá lớn, bỗng trở nên ngại làm việc. Trong 5 năm qua, cổ phiếu công ty đã tăng tới 12 lần, do vậy tài sản của những người nắm nhiều cổ phiếu cũng tăng vọt.
Theo ước tính của một nhân viên, các quản lý cấp trung tại Nvidia giờ đây cũng có thể kiếm hơn một triệu USD mỗi năm, nếu tính cả giá trị các khoản thưởng bằng cổ phiếu.
Vấn đề lớn đến nỗi trong cuộc họp toàn công ty vào tháng 11, CEO Jensen Huang phải lên tiếng. Một số nhân viên trẻ hơn đã đặt câu hỏi về việc những đồng nghiệp lớn tuổi giờ như đang "nghỉ hưu bán thời gian". Huang cho rằng làm việc tại Nvidia gần như một sự đóng góp tự nguyện, nên mỗi người phải trở thành "CEO" để quản lý thời gian của họ.
Nhà sáng lập Nvidia cũng cho biết mình quen nhiều người ở Nvidia từ thời kỳ đầu, và nói đùa rằng sẽ chỉ tên những người lười. Tuy nhiên, thông điệp chung của Huang là nhân viên đều là những người trưởng thành, có thể tự quyết định liệu mình phải giành bao nhiêu thời gian cho công việc, miễn là họ hoàn thành nhiệm vụ.
Theo Business Insider, nhiều nhân viên được phỏng vấn cho rằng văn hóa quá thiên về nhu cầu của nhân sự tại Nvidia, cộng với cách quản lý khá tự do và sự vượt trội của Nvidia trên thị trường chip dẫn tới hậu quả là nhiều nhân viên mất động lực làm việc. Thậm chí, có nhân viên cho rằng những căng thẳng này có thể đưa Nvidia gặp những rắc rối mà các công ty chip lâu năm như AMD hay Intel từng gặp phải.
Business Insider nhận định các công ty công nghệ thường có một bộ phận nhân sự lâu năm, với mức thu nhập cao dù đóng góp không nhiều. Nhóm này thậm chí được dành một thuật ngữ riêng tại Thung lũng Silicon, "rest and vest" hay "nghỉ ngơi và chờ cổ phiếu thưởng".
Nvidia còn có những chính sách ưu tiên quyền lợi nhân viên. Trong những giai đoạn khó khăn như đại dịch Covid-19 năm 2020 hay thị trường tiền mã hóa sụp đổ năm 2022, dù cổ phiếu Nvidia bị ảnh hưởng mạnh, Huang vẫn liên tục đảm bảo với nhân viên rằng công ty này sẽ không sa thải hàng loạt. Lần gần nhất Nvidia phải chia tay số lượng lớn nhân viên là vào thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Nhân viên của Nvidia cũng không phải chịu áp lực về hiệu quả công việc như nhiều công ty công nghệ khác. Một nhân sự có hiệu quả thấp thường được luân chuyển thay vì bị sa thải. Huang từng nói với nhân viên trong một cuộc họp toàn công ty rằng ông không muốn phải sa thải bất kỳ ai.
"Vậy nên ở đây bị đuổi có khi còn khó hơn được vào làm", một nhân viên chia sẻ với Business Insider.
Nvidia cũng đang là công ty thống trị trong thị trường chip AI, giúp họ có lợi thế đàm phán với các đối tác. Điều này khiến cho công việc của nhiều nhân viên càng đơn giản hơn.
"Chúng tôi chẳng có đối thủ cạnh tranh nào. Nhưng công ty đang ngày càng phình to, có những người chẳng phải làm gì cả", một nhân sự khác chia sẻ.
Jensen Huang cũng từng cảnh báo nhân viên về sự chủ quan. Ông cho rằng thị trường chứng khoán rất khốc liệt, và những công ty nghìn tỷ USD như Nvidia càng phải chịu sức ép lớn hơn.
Bản thân Huang cũng có cách quản lý khá thoải mái. Ông có tới 40 cấp dưới trực tiếp, con số lớn hơn so với nhiều CEO khác. Điều này làm giảm cấu trúc phân tầng của công ty, và nhà sáng lập Nvidia cũng tự tin rằng những người làm việc dưới mình đủ thông minh và tầm nhìn để đảm bảo ông không cần hướng dẫn quá nhiều.
Những người được hỏi có điểm chung là đều đánh giá rất cao khả năng lãnh đạo của Huang, nhất là cách ông đề cao giá trị con người trong văn hóa công ty. Họ cho biết dù bận rộn, ông vẫn có thể theo dõi sát các đầu việc mà nhân viên báo cáo với quản lý. Một khảo sát của Glassdoor cho thấy mức độ tin tưởng vào Huang lên tới 98%, cao hơn nhiều so với CEO của các công ty như Alphabet, Amazon hay Meta.