Three Arrows Capital (3AC), có trụ sở tại Singapore, từng là quỹ đầu tư hàng đầu với giá trị tài sản lên đến 10 tỷ USD. Tuy nhiên, khoản đầu tư sai lầm vào Terra đã đẩy 3AC vào bế tắc và buộc họ phải nộp đơn xin phá sản.
Teneo, người phụ trách thanh lý do tòa chỉ định, đã đăng tải hồ sơ phá sản lên trang web 3acliquidation.com vào ngày 18/7.
Những khoản chi hàng triệu USD
Hồ sơ chỉ rõ 2 nhà sáng lập đã chi 50 triệu USD để trả trước cho một chiếc du thuyền sang trọng. Chiếc thuyền sẽ được giao trong vòng 2 tháng nữa ở Italy, sau đó họ sẽ chi trả phần tiền còn lại. Các chủ nợ chỉ trích Zhu và Davies đã mua con thuyền bằng những khoản vay trong khi cố cắt đứt liên lạc với họ.
"Có nhiều phương thức đốt 50 triệu USD một cách ấn tượng hơn là mua một siêu du thuyền", Vitalik Buterin, đồng sáng lập Ethereum, lên tiếng trên Twitter: “
Hồ sơ tòa án nhấn mạnh Davies muốn muốn sở hữu một chiếc du thuyền "cao cấp hơn cả những tỷ phú giàu nhất Singapore”.
Bên cạnh đó, Zhu và vợ được cho là đã mạnh tay chi hơn 35 triệu USD để mua một ngôi nhà gỗ ở Singapore. Đây là một trong những căn hộ thuộc hàng đắt đỏ ở đảo quốc sư tử.
Hai nhà sáng lập cũng bị cáo buộc âm thầm giao dịch tiền mã hóa thay vì phản hồi lệnh gọi ký quỹ từ các công ty. Ngày 14/6, quỹ chuyển số stablecoin USDC trị giá 31 triệu USD và số USDT tương đương 900.000 USD cho công ty Tai Ping Shan Limited (Quần đảo Cayman). Công ty thuộc sở hữu của Zhu và Kelly Kaili Chen, đối tác của Kyle Davies.
Dù hiện vẫn chưa rõ tung tích của Kyle Davies và Zhu Su, khoản nợ khổng lồ của 3AC đã dần lộ diện. Quỹ từng vay 3,5 tỷ USD từ 27 công ty khác nhau, trong đó có 2,3 tỷ USD của công ty cho vay tiền số Genesis Global Trading.
“3AC không còn khả năng thanh toán và phải bị xử lý. Vì lợi ích của chủ nợ, ban lãnh đạo không nên được phép giữ lại bất kỳ tài sản nào”, các chủ nợ lập luận trong bản tuyên thệ dài 1.157 trang nộp lên tòa án Quần đảo Virgin (Anh).
Singapore né tránh trách nhiệm
Giữa ồn ào kiện tụng, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm pháp lý về 3AC cũng như UST, đồng stablecoin tai tiếng vừa sụp đổ vài tháng trước.
Theo Ravi Menon, Giám đốc điều hành MAS, cơ quan “không hề cấp phép hoặc quản lý” TerraForm Labs, Luna Foundation Guard và Vauld. Ông cho hay, dù đúng là những công ty trên có trụ sở ở Singapore, họ chưa được cấp phép và do đó nằm ngoài quy định về tiền số của quốc gia.
Trong báo cáo thường niên của MAS ngày 19/7, Menon khẳng định TerraForm Labs và 3AC “không có liên hệ gì với quy định về tiền mã hóa ở Singapore”. 3AC không được quản lý theo Đạo luật Dịch vụ Thanh toán của quốc gia và đã “ngừng quản lý các quỹ ở Singapore” trước khi có báo cáo họ không thể đáp ứng lệnh gọi ký quỹ.
Công ty cho vay tiền số Vauld đã đình chỉ hoạt động rút tiền, giao dịch và gửi tiền vào tháng 7. Theo MAS, sau khi xin cấp phép bất thành, công ty đã tiếp tục hoạt động không có giấy phép cùng với Terra.
"Singapore thường được coi là người dẫn đầu với khuôn khổ pháp lý và quy định rõ ràng. Tuy nhiên, trọng tâm quy định về tiền số của Singapore và nhiều khu vực cho đến nay là ứng phó rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố”, ông Menon cho biết.
" Nếu họ làm việc xấu, chúng tôi sẽ mạnh tay và không khoan nhượng."
Sopnendu Mohanty, Giám đốc công nghệ tài chính MAS
Đáng chú ý, hồi tháng 6, MAS từng tuyên bố sẽ ra tay cứng rắn với những công ty tiền mã hóa có hành vi tiêu cực. Tuy nhiên, 3AC chỉ bị khiển trách vì cung cấp thông tin sai lệch và có lượng tài sản quản lý quá mức cho phép.
Theo Giám đốc điều hành MAS, cơ quan giám sát sẽ tham vấn thêm biện pháp liên quan đến “bảo vệ người tiêu dùng, hành vi thị trường và hỗ trợ dự trữ cho stablecoin” trong vài tháng tới.
Trong tháng này, Tharman Shanmugaratnam, Bộ trưởng cấp cao Singapore kiêm Chủ tịch MAS, đã đề cập một số quy tắc hạn chế sử dụng đòn bẩy trong giao dịch tiền số và việc đầu tư ở các nhà giao dịch đơn lẻ.