Ngày 23/3 (giờ Mỹ), CEO Shou Chew của TikTok đã điều trần trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại Mỹ sau loạt đề xuất cấm TikTok của Quốc hội và Chính phủ Tổng thống Biden. Trước đó, chính phủ Mỹ đã yêu cầu công ty mẹ của TikTok tại Trung Quốc thoái vốn cổ phần. Nếu không, ứng dụng này có nguy cơ bị cấm hoạt động tại Mỹ.
“Ông ở đây vì người Mỹ cần được nghe sự thật về những rủi ro TikTok mang lại đối với sức khỏe tinh thần và an ninh quốc gia chúng tôi. Nền tảng của các ông sẽ bị chặn tại Mỹ. Tôi hy vọng các ông sẽ có biện pháp tránh khỏi hậu quả xấu nhất này”, Chủ tịch Ủy ban Cathy McMorris-Rodgers phát biểu mở đầu tại buổi cuộc họp.
TikTok phân trần
Xuất hiện tại buổi họp hôm 23/3 còn có những TikToker là các hộ kinh doanh nhỏ, buôn bán nhờ nền tảng video ngắn này. Tuy nhiên, bà Rodgers cho rằng sự phổ biến rộng rãi với hơn 150 triệu người Mỹ chính là lý do khiến TikTok bị cho là mối nguy hiểm.
Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Thương mại của Hạ viện Mỹ yêu cầu CEO Shou Chew giải trình sự thật về TikTok trước Ủy ban và đưa ra lý do không nên cấm TikTok ở nước Mỹ. “Chúng tôi sẽ không mua lại TikTok”, nữ nghị sĩ khẳng định.
Về phía TikTok, CEO Shou Chew dường như đã có sự chuẩn bị trước mọi cáo buộc từ phía chính phủ Mỹ. Trong phát biểu mở đầu, ông khẳng định rằng TikTok hoạt động hoàn toàn độc lập với ByteDance. “Chúng tôi là công ty duy nhất minh bạch về dữ liệu đến mức độ này”, vị CEO nói.
Ông Chew còn gọi những cáo buộc chính phủ Mỹ đưa ra không phải là sự thật, và TikTok vẫn trong quá trình thảo luận, hợp tác với chính phủ. “Tôi chưa nhìn thấy bằng chứng nào chứng minh được cáo buộc này. Tôi đang chờ phiên thảo luận để họ đưa ra bằng chứng và chúng tôi có thể giải quyết các lo ngại xung quanh”, Sou Chew nói.
Ông nhấn mạnh những nỗ lực bảo vệ dữ liệu của nền tảng mạng xã hội vẫn sẽ được tiếp tục. “TikTok chưa bao giờ chia sẻ hoặc nhận được yêu cầu chia sẻ dữ liệu người dùng Mỹ từ chính phủ Trung Quốc. Chúng tôi cũng sẽ không bao giờ đồng ý nếu yêu cầu đó được đưa ra”, Shou Chew nói tại phiên điều trần.
CEO TikTok cho biết có đến 60% cổ phần của ByteDance là thuộc sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài, 20% thuộc nhân viên và 20% còn lại là của chủ tịch Zhang Yiming. Đồng thời, ông cho rằng TikTok đang đẩy mạnh biện pháp bảo vệ an toàn trẻ em, những người dùng trẻ bằng cách xác minh độ tuổi, siết luật quản lý đối với trẻ em.
Thế khó của TikTok khi bị kẹp giữa hai đầu Mỹ - Trung
Theo The Verge, chỉ có một số ít thành viên thuộc Quốc hội Mỹ tỏ ra đồng tình trước lời phản bác của CEO TikTok. “Những công cụ này rất mạnh mẽ. Tôi không nói rằng bọn họ sẽ làm những điều có hại ngay bây giờ. Nhưng chẳng lẽ chúng ta đợi đến khi Trung Quốc có động thái mới đi giải quyết”, Nghị sĩ Mark Warner nhận định.
Mặc dù không có bằng chứng quyết định về việc TikTok đang gây nguy hại đến an ninh quốc gia, tiếng xấu của mạng xã hội này vẫn còn tiếp diễn. Hàng loạt báo cáo đã chỉ ra các nhân viên công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc có quyền truy cập trái phép dữ liệu người dùng Mỹ bao gồm địa chỉ IP của các nhà báo. TikTok thừa nhận về vụ việc này và xin lỗi khi các nhân viên đã lợi dụng quyền hạn.
Tuy nhiên, tại phiên điều trần 23/3, Shou Chew nói rằng có rất nhiều công ty Mỹ từng mắc phải lỗi tương tự như không tôn trọng quyền riêng tư và bảo mật của người dùng. “Cứ nhìn vào Facebook và bê bối Cambridge Analytica làm ví dụ mà xem”, CEO TikTok nói.
Về phía Trung Quốc, quốc gia này kịch liệt phản đối yêu cầu ByteDance thoái vốn cổ phần TikTok mà Mỹ đưa ra. “Ép buộc TikTok tách khỏi công ty mẹ tại Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến sự tự tin của các nhà đầu tư trên toàn thế giới, kể cả Trung Quốc và Mỹ. Do đó, Trung Quốc mạnh mẽ phản đối yêu cầu này”, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc chia sẻ.
Ông cho rằng động thái mua bán hay thoái vốn TikTok sẽ liên quan đến quy định “chuyển giao công nghệ” của Trung Quốc, cho đó chính phủ sẽ nhúng tay vào.
Trước đó, khi lệnh hành pháp ép TikTok bán mình của cựu Tổng thống Donald Trump được thu hồi, Trung Quốc đã phản ứng lại bằng việc cập nhật danh mục công nghệ bị cấm hoặc hạn chế xuất khẩu khỏi nước này, bao gồm “công nghệ đề xuất được cá nhân hóa” và “tương tác trí tuệ nhân tạo”.
Trong đó, TikTok cũng không phải ngoại lệ và phải gửi dữ liệu thuật toán cho cơ quan giám sát Internet tại Trung Quốc.
Theo Financial Times, suốt nhiều năm qua TikTok luôn khẳng định mình là tập đoàn quốc tế, ít có dính líu đến Trung Quốc. “Trung Quốc không thể nào chấp thuận yêu cầu Mỹ đưa ra, ngay cả với công ty mẹ ByteDance đó cũng là một quyết định rất khó khăn. Nếu không hòa giải được, hai bên sẽ lưỡng bại câu thương, giống với cuộc chiến thương mại của Mỹ - Trung đang leo thang”, Li Chengdong, Giám đốc công nghệ tại Viện nghiên cứu Haitun, nhận định.