Các nhà quản lý hy vọng có thể lôi kéo người lao động quay trở lại văn phòng làm việc. Trong khi đó, các nhân sự cho rằng họ đáp ứng đủ điều kiện để có thể làm việc từ xa.
Cấp trên, lãnh đạo công ty trên khắp các công ty ở Mỹ đang tăng cường yêu cầu nhân viên quay trở lại văn phòng làm việc, đồng thời từ chối sự phản kháng của cấp dưới.
Tuy nhiên, lần này, các nhân viên không chịu thỏa hiệp và sẵn sàng đối đầu. "Cuộc chiến" giữa hai bên đang diễn ra căng thẳng, theo Business Insider.
Đại diện nhân sự cấp cao của Amazon đã từ chối một bản kiến nghị nội bộ có chữ ký của khoảng 30.000 nhân viên về chính sách quay trở lại văn phòng của công ty.
Apple đang theo dõi sự có mặt của nhân viên và đe dọa sẽ có hành động đối với những ai không có mặt tại chỗ làm ít nhất 3 ngày/tuần. Tuần trước, Elon Musk đã gửi email cho những ai tạm thời còn ở lại Twitter, vào lúc 2h 30 phút sáng, để nhắc nhở về chính sách của công ty, nhấn mạnh rằng "đến văn phòng không phải là thứ được tùy chọn".
Ở phía người lao động, nhân viên tại tập đoàn Walt Disney đang phản đối chỉ thị làm việc tại công ty 4 ngày/tuần, trong khi nhân viên làm việc cho Starbucks đã ký một bức thư ngỏ phản đối yêu cầu quay trở lại văn phòng.
Sếp bảo "có", nhân viên nói "không"
Dưới góc độ phân tích, căng thẳng giữa hai bên vốn đã nhen nhóm trong những năm trở lại. Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và những cách làm việc mới được triển khai, đông người đi làm nhận ra họ thích sự linh hoạt hơn khi làm từ xa.
Trong bối cảnh thị trường lao động vẫn còn eo hẹp, họ cảm thấy được trao quyền để thể hiện nhu cầu của mình và nhiều nhà tuyển dụng đã hài lòng.
Tuy nhiên, câu chuyện hiện tại là khi lạm phát tăng cao, tình hình kinh tế biến động kéo theo mối lo khó tránh khỏi suy thoái, các công ty đã rút lại các đặc quyền và yêu cầu người lao động quay trở lại bàn làm việc của họ, hoặc chấp nhận bị chấm dứt hợp đồng lao động.
"Đây là cuộc chiến tồi tệ và đáng tiếc", Abbie Shipp, giáo sư quản lý tại Trường Kinh doanh Neeley thuộc Đại học Cơ đốc giáo Texas (Mỹ), đánh giá.
Nữ giáo sư cho biết nhóm quản lý có lý do chính đáng để muốn nhân viên làm việc tại văn phòng, bởi những phần việc cần họp bàn, teamwork hay xây dựng văn hóa dễ dàng thực hiện trực tiếp hơn.
Tuy nhiên, chính sách làm việc tại văn phòng của các công ty thường áp dụng cho tất cả bộ phận, không cân nhắc đến sự khác nhau trong tính chất của mỗi phòng ban dễ phản tác dụng và gây bất bình.
"Chúng ta sẽ chứng kiến mâu thuẫn kiểu này diễn ra trong nhiều tháng và có thể là nhiều năm".
Lý do
Có rất nhiều lý do khiến nhiều người lao động nói rằng họ không muốn đến văn phòng hàng ngày hoặc thậm chí chỉ vài ngày trong tuần.
Làm việc từ xa cho phép họ sự tự do và thoải mái. Nhân viên tiết kiệm thời giờ di chuyển, có thêm thời gian cho gia đình, thú cưng và sở thích bản thân và nhiều người cảm thấy họ vẫn làm việc hiệu quả như trước.
Ba năm sau ngày dịch bệnh xuất hiện vào năm 2020, nhóm nhân viên này đã quen nếp sống thích nghi trong những tháng ngày Covid-19 hoành hành và không thiết tha quay lại lối sống từ năm 2019 đổ về trước.
"Không nhân viên nào giờ lại hứng thú trước yêu cầu mặc quần áo là lượt, đến chấm công đúng giờ, còn giờ giấc đón con ở trường lại bị ảnh hưởng", Shipp nói thêm nhiều công ty đã bỏ qua lợi ích về năng suất thu được từ việc người lao động có thêm thời gian hơn để cân bằng giữa công việc và trách nhiệm cá nhân.
James Bailey, giáo sư quản lý tại Trường Kinh doanh Đại học George Washington, cho rằng ở một mức độ nào đó, sự phản đối của người lao động đối với việc đi làm trực tiếp là do bản năng của con người muốn phản kháng khi cảm thấy sự tự do bị đe dọa. Bailey ví sự từ chối này giống như "một ngón tay giữa" mà cấp dưới chĩa về phía ông chủ.
Tuy vậy, từ góc nhìn của vị giáo sư, các nhà tuyển dụng đang ở "chiếu trên" khi nền kinh tế Mỹ gặp nhiều khó khăn. Cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng gần đây, cùng với lạm phát cao dai dẳng, đè nặng lên nền kinh tế. Nhiều công ty yêu cầu công nhân trở lại văn phòng gần đây đã tiến hành sa thải hàng loạt, không chỉ một mà nhiều lần.
Bailey nói: “Rất nhiều nhân viên được hưởng tự do, thoải mái trong vài năm qua và họ đắm chìm với sự tự do này. Nhưng khi tình hình thay đổi, công ty không ngần ngại cắt giảm nhân sự, nhân viên sẽ phải tỉnh táo và tính toán lại".
Nói cách khác, sau đợt sa thải hàng loạt trên toàn cầu, lợi thế của người lao động đang thay đổi. Trong đó, những đặc quyền của nhân viên sẽ bị cắt giảm, đi kèm với các yêu cầu khắt khe hơn.
Chưa ngã ngũ
Hiện tại, phần thắng của cuộc chiến này vẫn chưa thể khẳng định thuộc về bên nào.
Trong khi người lao động Mỹ đã dành nhiều thời gian hơn ở công sở, số lượng văn phòng trống vắng vẫn ở mức cao. Theo Kastle Systems' Back to Work Barometer, hệ thống đo lường khả năng truy cập bằng thẻ quẹt, tỷ lệ lấp đầy dao động quanh mức 50% và hầu như sẽ không thay đổi trong năm nay.
Bất chấp những tin tức rầm rộ về bão sa thải, nhiều tổ chức đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và số lượng người tự nguyện nghỉ việc vẫn ở mức cao.
Cơ hội việc làm hoàn toàn từ xa đang giảm dần nhưng người lao động vẫn có các lựa chọn khác.
"Nếu doanh nghiệp nghĩ rằng thị trường nhân tài đang thừa thãi vì những đợt sa thải và họ không cần phải lo lắng về chuyện nhân sự nghỉ việc, đó là một mức độ thiển cận hoàn toàn mới", Ron Carucci, đồng sáng lập của công ty tư vấn và lãnh đạo Navalent, cho biết.
Carucci đánh giá sự cứng nhắc là sản phẩm của lối lãnh đạo "ảo tưởng, ra lệnh và kiểm soát".
"Nhiều giám đốc điều hành tin rằng 'nếu bạn ở dưới giám sát và hiện diện của tôi, bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn'. Họ đang bám vào mô hình quen thuộc với họ, còn những người mật thiết lại không cảnh báo rằng phong cách quản lý đó đã lỗi thời và không hiệu quả".
Theo Carucci, các công ty đang quản lý tốt quá trình chuyển đổi sang kết hợp đang đánh giá các loại công việc cần hoàn thành và thu hút phản hồi của nhân viên về cách thực hiện tốt nhất.