3 tháng trước khi ChatGPT ra mắt, Meta, công ty mẹ của Facebook giới thiệu chatbot mang tên BlenderBot. Trái ngược với ChatGPT, BlenderBot bị đánh giá nhàm chán. Ngay cả Yann LeCun, Giám đốc bộ phận nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) tại Meta cũng thừa nhận điều đó.
"Lý do nhàm chán đến từ AI được thiết kế an toàn", LeCun phát biểu trong một diễn đàn về AI do Collective[i] tổ chức ngày 19/1.
Ông cho rằng BlenderBot thất bại do Meta "quá cẩn trọng khi kiểm duyệt nội dung". Ví dụ khi người dùng đặt câu hỏi về tôn giáo, AI của Meta sẽ đổi chủ đề, trong khi ChatGPT có thể viết lời cầu nguyện, nêu quan điểm về Kinh Quran.
ChatGPT ngày càng được chú ý khi Microsoft muốn tích hợp chatbot vào bộ ứng dụng Office. Hãng phần mềm cũng đầu tư hàng tỷ USD vào OpenAI, công ty nghiên cứu đứng sau ChatGPT.
Thận trọng khi tạo ra siêu AI
Trong cuộc phỏng vấn với Washington Post, 6 nhân viên/cựu nhân viên tại Google và Meta thừa nhận ChatGPT đang gây áp lực lên các "ông lớn" công nghệ của Thung lũng Silicon.
Thời gian gần đây, nhiều nhân viên yêu cầu Meta tăng tốc quy trình kiểm duyệt AI để tận dụng lợi thế công nghệ. Google, cái tên tiên phong với một số công nghệ nền tảng của ChatGPT cũng đẩy mạnh phát triển, đánh giá và trình làng phần mềm AI.
Bên cạnh các công cụ chuyển văn bản thành hình ảnh như DALL-E 2 hay Stable Diffusion, ChatGPT là một phần của làn sóng phần mềm "AI tạo sinh" (generative AI). Các công cụ có thể tạo ra văn bản, hình ảnh dựa trên kho nội dung do con người cung cấp.
Google là một trong các công ty tiên phong phát triển AI tạo sinh. Dù thường xuyên trình diễn trước công chúng, cách hoạt động phía sau công nghệ luôn được giữ kín.
Trong lúc đó, những công ty nghiên cứu như OpenAI gây chú ý khi phát hành rộng rãi các sản phẩm AI tạo sinh. Điều đó đặt ra câu hỏi liệu AI của các "ông lớn" như Google đang nằm ở vị trí nào.
Các hãng công nghệ lớn khá thận trọng với siêu AI sau những thất bại muối mặt như Microsoft Tay. Năm 2016, công cụ này bị gỡ bỏ trong chưa đầy một ngày, khi những kẻ phá hoại khiến chatbot nêu quan điểm ủng hộ chiến tranh sắc tộc, thậm chí tweet rằng "Người Do Thái đã gây nên thảm họa 11/9".
Việc BlenderBot đưa ra lời lẽ phân biệt chủng tộc vào tháng 8/2022 khiến Meta phải thanh minh. Tuy nhiên 3 tháng sau, công ty này đã "khai tử" công cụ AI có tên Galactica chỉ sau 3 ngày hoạt động do tóm tắt thông tin sai lệch.
Áp lực của Google và Meta
Các nhà nghiên cứu đạo đức AI lo ngại việc Big Tech ra mắt siêu AI sẽ khiến hàng tỷ người gặp nguy hiểm, khi công cụ có thể chia sẻ thông tin không chính xác, vẽ ảnh giả mạo hoặc giúp sinh viên gian lận.
Một số người lập luận việc ChatGPT ra mắt dưới dạng thử nghiệm (beta) là cách OpenAI đánh giá tác động của chúng trong thế giới thực.
"Tốc độ phát triển của AI rất nhanh, và chúng tôi luôn theo dõi để đảm bảo quy trình đánh giá hiệu quả. Tuy nhiên, chúng tôi ưu tiên quyết định hợp lý và phát hành các mô hình, sản phẩm AI phục vụ tốt nhất cho cộng đồng", Joelle Pineau, Giám đốc Nghiên cứu AI cơ bản tại Meta cho biết.
Lily Lin, phát ngôn viên Google cho rằng AI "cực kỳ hữu ích cho cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng". Công ty liên tục thử nghiệm nội bộ các sản phẩm AI để đảm bảo hữu ích và an toàn.
Giám đốc Truyền thông của Microsoft, Frank Shaw nói rằng việc hợp tác với OpenAI nhằm xây dựng giải pháp tăng cường an toàn khi sử dụng các công cụ AI như DALL-E 2 trong sản phẩm của Microsoft.
"Microsoft đã làm việc trong nhiều năm để thúc đẩy AI, đồng thời công bố rộng rãi cách phát triển, sử dụng công nghệ trên các nền tảng của chúng tôi một cách có trách nhiệm và đạo đức", Shaw cho biết.
Mark Riedl, giáo sư AI tại Đại học Điện toán Georgia Tech cho rằng công nghệ phía sau ChatGPT không nhất thiết tốt hơn Google và Meta. Tuy nhiên, ông nhận định việc OpenAI phát hành công khai chatbot mang đến lợi thế lớn.
Trong bối cảnh cổ phiếu công nghệ lao dốc, Thung lũng Silicon vẫn chấp nhận rủi ro để ưu tiên cho AI. Sundar Pichai, CEO Alphabet khẳng định công ty đã đánh giá nghiêm ngặt các bộ phận để tập trung vào những dự án ưu tiên nhất. Ông đã 2 lần nhắc đến các khoản đầu tư vào AI.
Google là cái tên tiên phong trong lĩnh vực AI từ 10 năm trước. Công ty này đã thâu tóm phòng thí nghiệm DeepMind vào năm 2014, tiếp đến là phần mềm máy học TensorFlow năm 2015. Đến 2016, Pichai hứa biến Google trở thành công ty "AI-first" (mọi thứ xoay quanh AI).
Năm 2018, Google công bố quy định đạo đức về AI sau khi nhận phản ứng dữ dội từ công chúng do âm thầm tích hợp AI vào một số sản phẩm.
Tháng 8/2022, Google phát hành bản giới hạn của chatbot LaMDA thông qua ứng dụng AI Test Kitchen. Công cụ này vẫn chưa phát hành đầy đủ khi Blake Lemoine, cựu kỹ sư Google cho biết LaMDA "có tri giác".
Một năm qua, các kỹ sư nghiên cứu AI hàng đầu của Google đã nghỉ việc để thành lập startup xoay quanh mô hình ngôn ngữ lớn (large language model). Trong số đó, Noam Shazeer tạo ra Character.AI, công cụ giúp người dùng tạo ra chatbot với tính cách dựa trên mô tả của chính họ.
Nick Frosst, từng làm việc 3 năm tại Google Brain, cho biết các hãng công nghệ như Google và Microsoft thường tập trung vào AI để cải thiện mô hình kinh doanh hiện có.
Nên mạnh dạn thay đổi
Sau khi OpenAI ra mắt ChatGPT, một số người có tầm ảnh hưởng trên Twitter dự đoán các sản phẩm AI tạo sinh sẽ khiến Google Search sụp đổ. Công cụ của OpenAI đưa ra câu trả lời đơn giản, dễ tiếp cận thay vì yêu cầu người dùng truy cập các trang web cụ thể. Ngoài ra, sau 25 năm, giao diện tìm kiếm của Google ngày càng rối rắm với quảng cáo.
Trên diễn đàn ẩn danh Blind, nhiều nhân viên công nghệ thắc mắc liệu Google có thể cạnh tranh với ChatGPT hay các công cụ tương tự không.
"Nếu Google không hành động và đưa ra thành quả, họ sẽ được nhớ đến như một công ty đào tạo thế hệ nhà nghiên cứu máy học, chỉ để vận dụng kiến thức tại những công ty khác", David Ha, nhà nghiên cứu khoa học đã nghỉ việc tại Google Brain để chuyển sang Stable Diffusion, cho biết trên Twitter.
Một nhân viên giấu tên cho biết các kỹ sư AI tại Google tỏ rõ sự thất vọng. Trong nhiều năm, họ liên tục yêu cầu kết hợp chatbot vào Google Search.
Tuy nhiên, Google có lý do chính đáng để không vội thay đổi sản phẩm, khi việc trả lời câu hỏi sẽ loại bỏ không gian chèn quảng cáo.
Cựu nhân viên nghiên cứu của AI của Google cho rằng việc chuyển từ trang kết quả với hàng loạt đường dẫn sang câu trả lời duy nhất, bao hàm nội dung câu hỏi không phải điều được ưu tiên tại Google. Câu trả lời từ chatbot cũng có thể khiến công ty gặp rắc rối pháp lý nếu bị phát hiện đạo văn.
Người này cho rằng Google không muốn nhận trách nhiệm trả lời câu hỏi. Một số cải tiến trước đây của Google Search như Instant Answers được triển khai chậm rãi và thận trọng. Họ không muốn phát hành sản phẩm có thể gây hiệu ứng xấu, đặc biệt là mô hình chatbot với rủi ro cao.
Nỗi lo lắng tương tự cũng diễn ra tại Meta. Nguồn tin thân cận cho biết trước khi tung ra sản phẩm mới, nhân viên của Meta phải trả lời câu hỏi về rủi ro tiềm ẩn khi công bố sản phẩm, gồm khả năng bị công chúng hiểu lầm.
Timnit Gebru, Giám đốc Viện Nghiên cứu AI Phân tán cho rằng Google thận trọng khi phát hành công cụ AI do không muốn mạo hiểm danh tiếng. Tuy nhiên sau sự ra mắt của ChatGPT, các hãng công nghệ như Google có thể thay đổi quan điểm, xem đó như mối đe dọa với hoạt động kinh doanh để mạnh dạn phát hành các công cụ siêu AI mới.