Cách đây gần 2 năm, sau khi siêu sao Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo bỏ 2 chai Coca-Cola ra khỏi tầm mắt trong cuộc họp báo trước trận Bồ Đào Nha - Hungary tại Euro 2020, giá trị vốn hóa của tập đoàn Mỹ lập tức sụt giảm 4 tỷ USD.
Ronaldo nổi tiếng với tính kỷ luật và thói quen ăn uống lành mạnh. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra đồ uống có đường là tác nhân lớn gây ra bệnh béo phì và tiểu đường; làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp.
Thông thường, trong 100 ml Coca-Cola truyền thống sẽ có 10,6 gram đường. Như vậy, một lon 330 ml chứa 35 gram đường, theo Coca-Cola. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo chỉ cần bổ sung thêm lượng đường cho cơ thể bằng 5% tổng lượng calo hay khoảng 25 gram mỗi ngày.
Áp thuế nước ngọt
Theo Nikkei Asian Review, ông Azlan Sohoni, 47 tuổi, một cư dân Singapore, luôn bắt đầu ngày mới với một ly sữa socola Milo khuấy với 1,5 muỗng đường.
Tại nơi làm việc, ông uống thêm 5 lon Coca-Cola và vài cốc Milo khác. "Tôi biết rằng uống quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe. Nhưng tôi đã quen với việc uống đồ ngọt", ông Sohoni thừa nhận.
Trên thực tế, các chính phủ trên khắp Đông Nam Á và toàn thế giới cũng tìm cách áp thuế những sản phẩm có đường. Đó là một phần của nỗ lực giảm tỷ lệ béo phì và tiểu đường đang gia tăng.
Thuế đồ uống có đường đã được áp dụng từ Anh, Mexico, Ireland đến một số thành phố của Mỹ. Chúng ra đời để thay đổi hành vi của những gã khổng lồ đồ uống như Coca-Cola, Pepsi Co và người tiêu dùng.
Nếu như năm 2012, chỉ khoảng 15 quốc gia áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, thì đến năm 2021 có ít nhất 50 nước thu thuế trên.
Xét trong khu vực ASEAN, có 6 nước gồm Thái Lan, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia, Myanmar áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt.
"Mục đích của thuế đồ uống có đường là thay đổi hành vi tiêu dùng, và đền bù cho xã hội về chi phí thiệt hại sức khỏe mà các công ty có thể gây ra", ông Gijsbert Bulk, giám đốc toàn cầu về thuế gián thu tại EY, bình luận.
Theo chuyên gia Gary Wenk tại Đại học Ohio, việc dung nạp lượng đường lớn có tác động kích hoạt các hệ thần kinh tưởng thưởng trong não bộ, tạo cảm giác sảng khoái cho người uống và khiến người uống muốn uống thêm nữa.
Sự phổ biến và chứng nghiện các đồ uống có đường giúp những tập đoàn đứng sau kiếm bộn tiền. Theo tiến sĩ Hary Rutter - Phó giám đốc Trung tâm Bệnh mạn tính Toàn cầu, việc áp thuế đối với đồ uống có đường nhằm giải quyết sự thất bại trên thị trường do những sản phẩm gây ra tác hại.
"Thuế tạo ra sân chơi bình đẳng nhằm loại bỏ lợi thế không công bằng của các sản phẩm không lành mạnh so với những sản phẩm lành mạnh", ông nhấn mạnh.
Đồ uống có đường gây nghiện
Nói với The Nation, một quan chức Bộ Y tế Thái Lan cho biết số người Thái thường xuyên uống nước giải khát có đường đang gia tăng liên tục.
Từ năm 2017, chính phủ nước này đã quyết định đánh thuế với những thực phẩm có độ ngọt cao. Mức thuế được tính theo hàm lượng đường có trong thực phẩm và tăng dần theo thời gian.
Malaysia cũng chính thức áp thuế đối với đồ uống có đường cách đây 4 năm. Các nhà sản xuất và nhập khẩu nước ngọt được cấp phép sẽ phải xuất trình giấy cam kết và kết quả xét nghiệm, nhằm đảm bảo rằng tổng lượng đường có trong sản phẩm không vượt ngưỡng cho phép.
Theo đó, những đồ uống có lượng đường vượt quá 5 gam/100 ml và nước ép chứa trên 12 gram/100 ml sẽ bị đánh thuế. Malaysia được coi là quốc gia có nhiều người béo phì nhất châu Á với 30% dân số bị thừa cân và 17,7% mắc bệnh béo phì.
Bruinei đã bắt đầu áp thuế đối với nước ngọt kể từ năm 2017. Philippines cũng áp mức thuế 6 peso cho mỗi lít đồ uống chứa chất tạo ngọt có calo hoặc không có calo, 12 peso đối với mỗi lít đồ uống chứa đường bắp, hàm lượng fructose cao.
Nước này không đánh thuế đối với các sản phẩm sữa và đồ uống hỗn hợp có chứa cà phê vì đây là những sản phẩm được nhiều người nghèo sử dụng.
Dữ liệu của hãng nghiên cứu Nielsen chỉ ra doanh thu của 5 loại đồ uống có đường bị áp thuế ở Philippines đã giảm mạnh so với trước đó.
Singapore cũng đưa ra những biện pháp riêng để hạn chế lượng đường tiêu thụ trên toàn quốc. Theo đó, các cửa hàng thực phẩm và đồ uống sẽ phải dán nhãn dinh dưỡng trên thực đơn. Nhãn này cho biết đồ uống được pha chế có chứa nhiều hay ít đường.
Chính phủ nước này cũng sẽ áp lệnh cấm quảng cáo đối với các sản phẩm không đáp ứng giới hạn về đường.
Theo các biện pháp hạn chế đang được Singapore áp dụng, hệ thống sẽ phân loại thực phẩm từ hạng A đến D, trong đó D không tốt cho sức khỏe nhất. Riêng đồ uống thuộc loại D bị cấm quảng cáo.
Dĩ nhiên, các biện pháp này cũng gây ra nhiều tranh cãi. Tại Singapore, hạn chế quảng cáo đối với đồ uống hạng D hiện nghiêm ngặt hơn nhiều đồ uống có cồn. Điều này là không hợp lý vì đồ uống có đường là hợp pháp và an toàn với người tiêu dùng hơn.
Thêm vào đó, các công ty có thể giảm giá bán nhằm thu hút người tiêu dùng, hoặc khách hàng chuyển sang những đồ uống khác thậm chí còn thiếu lành mạnh hơn. Điều này đi ngược với mục đích ban đầu của các hạn chế đối với nước ngọt.
Theo Nikkei Asia, giới quan sát cho rằng các hạn chế đối với đồ uống có đường cần được áp dụng từ từ. Điều này sẽ cho doanh nghiệp thời gian thay đổi và điều chỉnh hàm lượng đường trong đồ uống mà vẫn không ảnh hưởng quá nhiều tới hương vị.
Trong khi đó, người tiêu dùng cũng có thêm thời gian để điều chỉnh thói quen và nâng cao nhận thức.