2022 tiếp tục là năm khó khăn của smartphone Android tại thị trường Việt Nam. Theo số liệu từ GfK, dù vẫn chiếm "miếng bánh" lớn nhất, thị phần tại Việt Nam của nhóm máy này trong giai đoạn 5-10/2022 liên tục giảm cả về doanh thu và doanh số.
Cụ thể về doanh số, smartphone Android chiếm 92,2% lượng máy bán ra tại Việt Nam vào tháng 5/2022 nhưng liên tục mất thị phần vào tay các mẫu iPhone trong các tháng sau đó.
Doanh số và doanh thu sụt giảm
Tới tháng 10/2022, con số này tụt về mức 79,5%, mức thấp nhất trong năm mà GfK ghi nhận. Đây cũng là thời điểm mà iPhone 14 series mở bán, trong khi các mẫu iPhone thế hệ cũ hơn được giảm giá mạnh.
Nếu tính về doanh thu tại thị trường Việt Nam, tình hình cũng không tích cực hơn với smartphone Android. Tháng 5/2022, 74,8% doanh thu bán điện thoại thông minh tại Việt Nam đến từ các mẫu máy chạy Android. Tuy nhiên chỉ 5 tháng sau, con số này giảm mạnh về mức 45,5%.
Đại diện một chuỗi bán lẻ giấu tên cho biết tỷ trọng doanh thu của dòng smartphone Android đã giảm mạnh so với cùng kỳ 2021. Cụ thể, trong giai đoạn quý IV/2022, chuỗi này ghi nhận doanh thu từ smartphone Android chỉ ở mức 29%, giảm 6% so với cùng kỳ 2021.
Lũy kế cả năm 2022, nhóm máy này chiếm tỷ lệ doanh thu ở mức 32% tại chuỗi, giảm 8% so với cùng kỳ.
Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận tại 1 trong 3 chuỗi bán lẻ có thị phần lớn nhất tại Việt Nam.
"Số liệu thu thập được nửa cuối năm 2022 chứng kiến sự sụt giảm mạnh ở toàn thị trường của nhiều dòng smartphone Android", đại diện chuỗi bán lẻ này cho biết.
Theo thống kê, tổng doanh số chung trong năm 2022 của các nhóm điện thoại Android giảm khoảng 36% so với 2021. Con số này ghi nhận giảm dần liên tiếp theo từng tháng trong suốt 2 quý cuối năm 2022. Trong đó, doanh số của các hãng Samsung, OPPO, Nokia giảm 29-30% và Xiaomi, Realme, vivo giảm khoảng 50%.
Tại các chuỗi bán lẻ có thị phần lớn, tổng doanh sụt giảm các nhóm android là 38%. Cụ thể, các thương hiệu Nokia, Samsung, OPPO ghi nhận doanh số giảm 30-34%, các thương hiệu còn lại giảm 50-54%.
Tính theo doanh thu, nhóm máy này giảm tới 30% so với năm 2021. Nguyên nhân được cho là đến từ việc các công ty tài chính siết mạnh tệp khách hàng trả góp. Chuỗi bán lẻ cũng ghi nhận việc doanh thu từ các tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp giảm mạnh hơn mặt bằng chung, cho thấy sức mua từ nhóm người dùng thu nhập thấp đang đi xuống do khó khăn về thu nhập.
Cũng theo lý giải của vị này, các chuỗi bán lẻ có thị phần nhỏ sẽ ghi nhận lượng máy bán ra giảm ít hơn, một vài chuỗi thậm chí còn có sức mua tăng trưởng.
"Chúng tôi nhận định do ảnh hưởng từ nền kinh tế trên diện rộng nên sức mua các dòng Android giảm sâu. Các chuỗi cửa hàng có độ phủ lớn sẽ chịu mức ảnh hưởng nặng nhất do tệp khách hàng chủ yếu thuộc nhóm chi tiêu trung bình và thấp. Ngoài ra, quyết định mua hàng của người dùng có xu hướng phụ thuộc vào giá, vốn là lợi thế các chuỗi nhỏ", vị này cho biết thêm.
Điển hình cho nhóm nhà bán lẻ đi ngược đà giảm doanh số smartphone Android là Di Động Việt. Chia sẻ với Zing, đại diện chuỗi này tiết lộ doanh số của nhóm máy này tăng trưởng 1,8 lần trong năm 2022.
"Trong đó, OPPO là hãng ghi nhận tăng trưởng cao nhất, ở mức 3,5 lần. Xiaomi cũng tăng trưởng gấp 2,5 lần, trong khi con số này với Samsung là 1,7 lần", bà Phùng Phương, đại diện Di Động Việt cho hay.
Giảm giá để kích cầu
"Hiện nay theo ghi nhận của chúng tôi với các nhà bán lẻ thì doanh số bán ra smartphone đang giảm khá nhiều, vivo cũng bị ảnh hưởng chung của tình hình thị trường", ông Phạm Công Bằng, Giám đốc Kinh doanh vivo Việt Nam, chia sẻ.
Vị này cũng cho biết năm nay, hãng tập trung vào các mẫu smartphone có phân khúc giá tầm trung, 5-10 triệu đồng. Những mẫu máy này nhằm phục vụ đối tượng khách hàng chính là công nhân.
Tuy nhiên do khó khăn về kinh tế, lạm phát tăng cao dẫn đến việc công nhân ở các khu công nghiệp bị cắt giảm giờ làm khiến nhu cầu thị trường giảm. Ngoài ra, khách hàng khi mua smartphone trả góp cũng bị siết chặt và chi phí trả góp cũng cao hơn so với trước kia.
Ông Bằng cũng cho hay để thúc đẩy doanh số vào cao điểm mua sắm Tết Âm lịch, vivo đã áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi cho hầu hết sản phẩm. Ngoài ra, với một số sản phẩm khách hàng được lựa chọn mức hỗ trợ trả góp hoặc nhận ưu đãi trực tiếp về giá thành.
"vivo đang tìm cách tối ưu các chi phí để đem đến các ưu đãi khuyến mại cao nhất cho người dùng", ông Bằng cho biết thêm.
Xu hướng sụt giảm doanh số và doanh thu cũng được đại diện một nhãn smartphone Android có thị phần lớn tại Việt Nam xác nhận. Vị này chia sẻ các điều kiện thị trường đang không thuận lợi nên hoạt động bán hàng của doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn.
"Vì nhu cầu mua sắm hiện tại chưa khả quan nên chúng tôi đang lên nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm kích cầu trước dịp cao điểm", vị này nói thêm.
Xiaomi cũng là một trong những nhà sản xuất smartphone Android đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi đối với sản phẩm trước dịp Tết Âm lịch. Ông Patrick Chou, Tổng giám đốc Xiaomi Việt Nam, cho biết sắp tới hãng cũng sẽ có nhiều trình khuyến mãi, giảm giá lên tới 33% cho các dòng smartphone để kích cầu mua sắm đối với người tiêu dùng.