Năm 2022 đặt ra những thách thức mới trên toàn cầu đối với các công ty trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới giảm tốc và họ buộc phải cắt giảm chi phí và vẫn đảm bảo tăng trưởng bền vững. Do đó, các công ty phải thu hẹp quy mô nhân sự trên toàn cầu và phân bổ lại ngân sách cho các lĩnh vực khác, chẳng hạn như thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Từ cuối năm 2022, làn sóng sa thải nhân sự đã liên tục quét qua các nhân sự ngành công nghệ, thuộc những "gã khổng lồ" trên thế giới như Google, Microsoft, Meta,...
Ngày 20/1, Alphabet - công ty mẹ của Google - thông báo sẽ sa thải 12.000 nhân viên, tương đương 6% lực lượng lao động trên toàn cầu. Meta - công ty mẹ của Facebook - cũng được Phố Wall ủng hộ sau quyết định sa thải 11.000 nhân viên. Hay Zoom - nền tảng họp trực tuyến Zoom từng bủng nổ trên toàn cầu giai đoạn Covid cũng tuyên bố cắt giảm 1.300 nhân viên, tương đương 13% lực lượng lao động. Nhiều tên tuổi khác cũng có động thái sa thải tương tự như Amazon (18.000 nhân viên), Twitter (4.000 nhân viên), Microsoft (10.000 nhân viên) và Salesforce (8.000 nhân viên),...
Xu hướng cắt giảm cũng không dừng lại ở Mỹ, châu Âu mà đã có tác động đến đội ngũ nhân viên tại Đông Nam Á. Gần đây nhất, Grab - kỳ lân thành công bậc nhất khu vực đã thông báo cắt giảm 1.000 nhân sự. Đối với các công ty có quy mô nhỏ, việc kêu gọi vốn đầu tư trở nên khó khăn hơn khi phải đối mặt với lãi suất tăng, rối loạn chuỗi cung ứng và lạm phát leo thang, do đó ảnh hưởng đến lực lượng lao động.
Theo ông Justin Ng, Chủ tịch Hệ sinh thái AngelHack, xu hướng cắt giảm có thể tiếp tục vào năm 2023 và có thể kéo dài sang năm 2024 vì các công ty công nghệ thường tập trung cải thiện lợi nhuận ròng. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bức tranh tổng, thị trường không hoàn toàn chỉ mang sắc thái ảm đạm. Mặc dù các công ty đang tối ưu hóa nhưng họ vẫn tiếp tục tuyển dụng tài năng trong lĩnh vực công nghệ bởi đây là những nhân tố sẽ thúc đẩy sự đổi mới.
"Lĩnh vực Thông tin và Truyền thông (I&C) trong nước vẫn ghi nhận sự gia tăng số lượng vị trí tuyển dụng do thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin (CNTT). Trong khu vực, Singapore còn trốngkhoảng 9.000 vị trí tính đến tháng 9 năm 2022 và 70% nhân tài địa phương bị sa thải đã tìm được việc làm mới trong vòng sáu tháng. Với xu hướng tuyển dụng chuyển dần sang tìm kiếm kỹ năng chuyên môn thay vì chú trọng vào bằng cấp, các nhân tài CNTT cần ưu tiên nâng cao kỹ năng, đặc biệt khi ngành luôn có nhiều sự đổi mới", vị CEO AngelHack cho hay.
Ông chủ công ty chuyển tổ chức các sự kiện kết nối, phát triển mạng lưới nhân sự công nghệ có trụ sở tại San Francisco nhận định, nhu cầu tuyển dụng về các kỹ năng công nghệ chuyên biệt vẫn gia tăng, được thúc đẩy bởi cuộc cách mạng số đang diễn ra và sự trỗi dậy của AI và web3. Sự gia tăng nhu cầu này thường tương ứng với mức lương cao hơn và chính sách phúc lợi tốt hơn. Thị trường việc làm ở Việt Nam còn đặc biệt hơn nữa bởi có nhu cầu tuyển dụng lớn từ các công ty ở nước ngoài.
"Lực lượng lao động trong ngành công nghệ của Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng rất ấn tượng. Hiện tại, đất nước đang có hơn 430.000 nhà phát triển công nghệ, trẻ và đam mê với nghề. Nhờ vậy, Việt Nam đã trở thành trung tâm phát triển sáng kiến do các startup và dự án cộng đồng khởi tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ mới nổi như công nghệ blockchain và Web3.
Một đặc điểm nổi bật của nhân tài CNTT Việt Nam là khả năng tiếp thu thông tin mới một cách nhanh nhạy. Họ có khả năng tự học và thành thạo các kỹ năng mới mà không cần trải qua các chương trình đào tạo chính thức. Khả năng thích ứng này đã khiến họ trở nên vô giá trong lĩnh vực luôn phát triển nhanh chóng.
Tuy nhiên, lực lượng lao động công nghệ tại Việt Nam cũng phải đối mặt với một số thách thức. Có sự thiếu hụt tài năng rõ rệt trong các lĩnh vực chính, chẳng hạn như phát triển blockchain, lập trình hợp đồng thông minh và phát triển ứng dụng phi tập trung (dApp)", CEO AngelHack nhận xét về nhân sự công nghệ tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận giáo dục và đào tạo chuyên ngành còn hạn chế. Mặc dù một số trường đại học đã bắt đầu cung cấp các khóa học về công nghệ, nhiều người lại quyết định tự học. Phương thức này không đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin hoặc đầy đủ bộ kỹ năng cần thiết, đặc biệt là trong các môn chuyên biệt. Sự khan hiếm nhân tài lành nghề đã gây ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và các công ty khởi nghiệp trong việc thu hút và giữ chân nhân viên.