Đầu tháng 4 năm nay, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chính thức ký quyết định phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Trong đó, mục tiêu đề án đặt ra, phấn đấu đến năm 2030, các địa phương sẽ hoàn thành hơn 1,062 triệu căn nhà ở xã hội. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), đã quá nửa thời gian của giai đoạn 2021-2025, cả nước mới hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 20.210 căn hộ, chỉ bằng 4,7% kế hoạch đề ra.
Dù vậy, theo đơn vị này, với chỉ đạo từ cơ quan quản lý và phối hợp của doanh nghiệp, tốc độ phát triển nhà ở xã hội đã khả quan hơn. Ngày càng có nhiều dự án được cấp phép xây dựng.
Cụ thể, năm 2021, cả nước chỉ có 3.046 căn nhà ở xã hội hoàn thành xây dựng và 2.127 căn đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các Sở Xây dựng. Đến năm 2022, con số này đã tăng lên lần lượt là 6.196 căn hoàn thành xây dựng và 8.245 căn đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Đồng thời, số liệu từ Bộ Xây dựng cũng cho thấy tín hiệu các địa phương đã bắt đầu "vào cuộc”. Năm 2021-2022, mỗi năm cả nước chỉ có 9 dự án được cấp phép mới với quy mô gần 6.000 căn hộ. Nhưng chỉ tính riêng quý III/2023, đã có tới 12 dự án với quy mô 12.679 căn được chấp thuận chủ trương đầu tư.
VARS cho rằng tình hình phát triển nhà ở xã hội sẽ tiếp tục có thêm những kết quả tích cực hơn với “trợ lực” từ chính sách. Đặc biệt, việc thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) mới đây, với nhiều quy định mới “gỡ khó” cho người mua và chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội. Điều này sẽ tạo sức hấp dẫn, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển phân khúc nhà ở xã hội, cũng như tăng khả năng tiếp cận loại hình nhà ở này cho người thu nhập thấp đủ khả năng và điều kiện để mua nhà.