Trước khi dính vào hàng loạt lùm xùm tài chính, ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Egroup kiêm Apax Holdings (công ty mẹ của chuỗi trung tâm anh ngữ Apax Leader) - từng nổi tiếng với vai trò nhà đầu tư khách mời trong Shark Tank Việt Nam.
Ngay mùa đầu tiên, Shark Thủy trở thành cá mập chi tiền nhiều thứ 4 trong số 7 nhà đầu tư khách mời với số vốn cam kết lên tới 19,2 tỷ đồng. Tổng cộng trong 3 mùa tham gia (2017-2019), Shark Thủy đồng ý rót tiền vào 9 startup với số vốn lên tới hàng chục tỷ đồng.
Dù để lại không ít dấu ấn trên thị trường, hầu hết dự án nhận vốn từ Shark Thủy đều sớm nở chóng tàn. Bên cạnh vấn đề về chiến lược kinh doanh, một trong những nguyên nhân chính khiến các dự án thất bại là Covid-19.
Rót 100 tỷ đồng vào Soya Garden
Soya Garden được coi là “con cưng” của Shark Thủy khi nhận được số vốn lên tới 15 tỷ đồng, bao gồm quyền kiểm soát tài chính của doanh nghiệp lẫn sở hữu 45% cổ phần với 4 tỷ đồng và 11 tỷ đồng dưới dạng trái phiếu. Ngoài ra, chuỗi kinh doanh đậu nành hữu cơ được cam kết tiếp cận tệp khách hàng hiện có của hệ thống giáo dục Apax English và các trung tâm làm đẹp.
Trước đó, 2 đồng sáng lập là Hoàng Anh Tuấn và Hoàng Thu Thủy đề nghị 15 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần với tham vọng đẩy mạnh Nam tiến nhờ 5 cửa hàng đầu tiên tại thị trường 13 triệu dân của TP.HCM.
Trên thực tế, Shark Thủy đầu tư 20 tỷ đồng vào dự án. Đến đầu năm 2019, tập đoàn Egroup tiếp tục rót 45 tỷ đồng và có thêm một đợt nâng tổng mức đầu tư lên 100 tỷ đồng.
Công ty CP Soya Garden được thành lập vào tháng 10/2015, tiền thân là công ty TNHH Omotenashi, đăng ký địa chỉ tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Hiện người đại diện công ty là bà Nguyễn Thị Dung.
Trước khi gọi vốn trên sóng truyền hình, 2 cửa hàng trong năm đầu tiên vận hành của Soya Garden thu về 3,6 tỷ đồng. Doanh số hàng tháng của 10 cửa hàng vào năm 2017 dao động 250-300 triệu đồng, tức trung bình 8-10 triệu đồng/ngày. Song lợi nhuận doanh nghiệp gần như bằng 0.
Được Shark Thủy hậu thuẫn, chuỗi này liên tục mở mới, vận hành khoảng 50 cửa hàng vào cuối năm 2019 cũng như tham vọng mở rộng lên 300 cửa hàng trong năm 2020 và đánh sang thị trường quốc tế.
Hai năm 2017 và 2018, Soya Garden thu về vỏn vẹn 1,3 tỷ đồng và 20 tỷ đồng, lợi nhuận gộp tương ứng 375 triệu đồng và 13 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ các loại chi phí, doanh nghiệp đều ghi nhận mức lỗ thuần.
Tới năm 2019, chuỗi này bùng nổ doanh số và thu về 96 tỷ đồng, tăng 486%, tương đương gần 77 tỷ đồng so với năm 2018. Doanh thu gần 100 tỷ giúp lợi nhuận gộp của công ty tăng trưởng gấp 5 lần, đạt 13 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Soya Garden vẫn lỗ sau thuế tới 62 tỷ đồng. Bình quân trong năm 2019, chuỗi kinh doanh đậu nành hữu cơ lỗ 170 triệu đồng/ngày.
Giai đoạn cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, Soya Garden đóng cửa hàng loạt chi nhánh. Theo CEO Hoàng Anh Tuấn, chuỗi là một nạn nhân của đại dịch Covid-19. Shark Thủy cũng từng lý giải Soya Garden vẫn trong quá trình tối ưu hóa mô hình.
Soya Garden đến nay vẫn hoạt động. Song theo thông tin trên website, chuỗi đồ uống chỉ còn 4 chi nhánh đều ở Hà Nội, trong đó có một chi nhánh nhượng quyền. Điều này đồng nghĩa quy mô của Soya Garden đã bị thu hẹp hơn 12 lần.
Chỉ 4/9 dự án còn hoạt động
Ngoài Soya Garden, một startup đình đám khác được Shark Thủy đầu tư là We Escape. Đây là mô hình trò chơi giải đố, vượt chướng ngại vật trong không gian kín.
Shark Thủy đi ngược quan điểm của các nhà đầu tư khác và quyết định rót 5 tỷ đồng nhằm sở hữu 36% cổ phần. Tương tự Soya Garden, vốn đầu tư thực tế cho We Escape cao gấp nhiều lần và lên tới hơn 30 tỷ đồng.
Đến năm 2021, We Escape sở hữu 8 cơ sở và trở thành hệ thống Escape Game lớn nhất cả nước. Dẫu vậy, cuối năm này, dự án chính thức tuyên bố đóng cửa do dịch bệnh hoành hành.
Theo CEO Nhân Vương, sau 2 năm gồng gánh, We Escape đã làm hết những gì có thể. Dẫu vậy, chi phí mặt bằng quá lớn kèm tình trạng các cơ sở giải trí chưa được mở khiến dự án hệ thống lao đao. Bản thân ban lãnh đạo tại công ty cũng chịu cắt lương trong vòng 2 năm dịch.
Một startup khác cũng từ giã cuộc chơi vì dịch bệnh là nhà hàng chay Pema. Trước đó, Shark Thủy từng bỏ ra 3 tỷ đồng để đổi lấy 80% cổ phần nhà hàng này.
Thông báo trên fanpage hồi tháng 6/2021, chủ nhà hàng chay Pema Lâm Thị Hoài cho biết phải lại đóng cửa nhà hàng trên đường Lý Tự Trọng, TP Yên Bái.
Hay việc đầu tư gần 6 tỷ đồng để đổi lấy 15% cổ phần của nền tảng Umbala do ông Nguyễn Minh Thảo sáng lập cũng không thu được nhiều kết quả tốt đẹp.
Startup này được kỳ vọng tiên phong cho trào lưu quay và chia sẻ video của giới trẻ trước TikTok. Tuy nhiên dự án nhanh chóng im hơi lặng tiếng sau sự xuất hiện của các đối thủ nước ngoài và chuyển hướng kinh doanh sang Blockchain và tiền mã hóa.
Ngoài các dự án kể trên, một số startup khác được Shark Thủy hậu thuẫn như Xe lăn đa đăng VH (cùng góp vốn với 2 nhà đầu tư khác để đổi 1 tỷ đồng cho 36% cổ phần), Magic Book (đầu tư 550.000 USD cho 30% cổ phần) cũng sớm biến mất.
Trong khi đó các dự án như Volunteer For Education (cùng góp vốn với 2 nhà đầu tư khác để đổi 2,7 tỷ đồng cho 36% cổ phần), Chè bưởi Bống nấu (góp vốn cùng một nhà đầu tư khác để đổi 300 triệu đồng cho 30% cổ phần), Talks Café 100% English (5 tỷ đồng cho 45% cổ phần) vẫn hoạt động.