“Tôi mới vào làm ở đây 2 tháng nhưng vẫn không thể tin được một TTTM lại có thể vắng như thế này. Vào cuối tuần lượng khách sẽ đông hơn nhưng không đáng kể”, một nhân viên làm việc tại TTTM Discovery Complex chia sẻ.
Do đặc thù vắng vẻ, gian hàng của nhân viên này chỉ bố trí một người mỗi ca. Thay vì tiếp khách, công việc hàng ngày chủ yếu là dọn dẹp, vệ sinh và sắp xếp gian hàng.
Không còn hấp dẫn
Discovery Complex từng được kỳ vọng trở thành điểm vui chơi, mua sắm hàng đầu quận Cầu Giấy nhờ sở hữu vị trí đắc địa với 140 m mặt đường Cầu Giấy, một mặt dài 50 m tiếp giáp phố Chùa Hà kéo thẳng ra ngã tư lớn Trần Đăng Ninh, Nguyễn Khánh Toàn. Khu vực này cũng là nơi tập trung nhiều trường học, văn phòng, khu dân cư lớn.
Dù sở hữu 5 tầng hầm và 8 khối đế thương mại, hoạt động kinh doanh bên trong Discovery Complex chỉ diễn ra chủ yếu tại tầng hầm (vốn là siêu thị Lotte Mart) và tầng trệt (bao gồm một số gian hàng nhỏ và quán cà phê). Trái ngược, tầng 1 của TTTM này chỉ còn một số gian hàng bán phụ kiện thời trang, đồ tiện dụng trong khi phần lớn còn lại đã trả mặt bằng.
Từ tầng 2-4, nhiều gian hàng trong trạng thái thi công dang dở và không có dấu hiệu từng được sử dụng. Mặt khác tại tầng 5 chuyên về ẩm thực, các thương hiệu Dairy Queen, Món Huế, Phở Ông Hùng… đã bỏ đi hết, thậm chí chưa thu hồi máy móc, thiết bị, bàn ghế.
Cũng từ tầng 3 trở lên, cả 2 luồng thang cuốn của TTTM đã không còn hoạt động. Khách hàng có nhu cầu lên các tầng trên đều phải sử dụng thang máy.
Nhà hàng hải sản Cửu Vân Long trên tầng 6 là gian hàng đông khách hiếm thấy tại TTTM này với tệp người dùng phần lớn là dân văn phòng. Ngoài ra, khu vực rạp chiếu phim tại tầng 8 vẫn thu hút lượng khách tương đối là các bạn trẻ lên xem.
Theo công bố, Discovery Complex nằm trên khu đất có diện tích 10.105 m2, gồm 2 tháp đôi cao 54 tầng và 43 tầng nối với nhau bằng khối đế 8 tầng. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Cầu Giấy (thành viên của tập đoàn Kinh Đô TCI).
Dự án được khởi công chính thức từ năm 2004. Cho đến thời điểm hoàn thành vào đầu năm 2018, Discovery Complex đã phải trải qua nhiều biến cố như đổi tên, đổi chủ đầu tư, kiện tụng với nhà thầu cũng như vướng vào hàng loạt sai phạm như xây vượt tầng, tự ý cơi nới.
Đáng chú ý, phải 5 năm sau khi hoàn thành, dự án này mới chính thức được nghiệm thu an toàn PCCC vào giữa tháng 1 vừa qua dù đã tiến hành mở bán căn hộ, đưa dân vào ở và cho doanh nghiệp thuê văn phòng, sàn thương mại từ rất lâu trước đó.
Cách đó không xa trên con phố Xuân Thủy, TTTM Indochina Plaza Hanoi (IPH) cũng rơi vào cảnh vắng khách thuê và bỏ trống nhiều mặt bằng. Dù là nơi tập trung một số chuỗi F&B lớn như Starbucks, Pizza 4P, Tous les Jours…, gần nửa khu vực gian hàng tầng trệt của IPH đều trong quá trình sửa chữa, thi công, quây bạt kín.
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại 3 tầng còn lại. Số lượng gian hàng thương mại mở tương đối hạn chế, chủ yếu là quán cà phê, đồ dùng liên quan đến sắc đẹp, quần áo trẻ nhỏ trong khi trước đây từng là nơi tập trung hàng loạt thương hiệu nổi tiếng. Tầng thương mại trên cùng của IPH là rạp phim CGV, phòng gym.
IPH được xây dựng trên khu đất rộng 1,6 ha, nằm ngay ngã tư Xuân Thủy cắt Phạm Văn Đồng và Phạm Hùng. TTTM bao gồm một tháp văn phòng, hai tháp căn hộ và khối đế 4 tầng, do Indochina Land làm chủ đầu tư, khởi công vào năm 2009.
Năm 2015, dự án được chuyển nhượng cho đối tác của Indochina Land là Gaw Capital Partners.
Thời gian sắp tới, trục đường này sẽ có thêm TTTM Mipec Rubik 360 (số 122-124 Xuân Thủy, Cầu Giấy). Đây là dự án tổ hợp căn hộ, TTTM có diện tích hơn 4,1 ha.
Bị nhiều đối thủ cạnh tranh
Công ty CP Hóa dầu Quân đội Mipec cũng là chủ đầu tư dự án TTTM có tiếng trong nội thành là Mipec Tower Tây Sơn (quận Đống Đa). Đây là dự án có tổng diện tích 24.000 m2, trong đó diện tích xây dựng khoảng 6.000 m2 bao gồm 3 tòa tháp với tổng diện tích sàn lên đến 120.000 m2.
Được hoàn thành chính thức từ năm 2010 và sở hữu 5 khối đế thương mại song cho đến nay, chỉ có rạp chiếu phim CGV còn bám trụ trong TTTM này trong khi các gian hàng khác đều đã dỡ bỏ, chỉ còn vật liệu xây dựng bừa bãi. Một trong những khách thuê lớn tại đây là chuỗi siêu thị Lotte Mart cũng đã rời đi từ giữa năm 2021.
Tương tự, TTTM Artemis Lê Trọng Tấn dù mới đi vào hoạt động từ năm 2017 nhưng đến nay cũng không có mấy khách thuê. Dự án do Công ty CP Đầu tư IMG làm chủ đầu tư cao 27 tầng trong đó có 8 khối đế phục vụ làm mặt sàn văn phòng và trung tâm thương mại.
Dẫu vậy, hoạt động thương mại của TTTM này diễn ra chủ yếu bên dưới tầng hầm, gồm siêu thị Top Market và một số thương hiệu phổ thông khác như Pizza Hut, KFC… Rạp chiếu phim CGV và nhà hàng Vuvuzela sau thời gian ngắn đặt tại đây đã phải đóng cửa.
So với thời điểm trong dịch, Artemis đã chỉnh trang lại cảnh quan và diện mạo bên ngoài. Đáng kể nhất là việc dọn dẹp đối tác cũ là Highlands Coffee và ký hợp đồng với ngân hàng Vietcombank ở khu vực tầng trệt.
Hồi năm 2021, ban quản lý Artemis quyết định cắt điện, nước và yêu cầu Highlands Coffee thanh toán tiền thuê mặt bằng sau thời gian dài chậm trả. Chuỗi cà phê này sau đó điều động xe bán hàng và máy phát điện chắn lối đi. Đến nay, chiếc xe của Highlands Coffee vẫn nằm phủ bụi trong tầng hầm của tòa nhà.
Trên thực tế, Mipec và Artemis không phải TTTM lớn duy nhất hoạt động quanh khu vực quận Thanh Xuân. Cả hai TTTM này đều bị kẹp giữa Vincom Royal City và Vincom Phạm Ngọc Thạch cũng như chịu áp lực cạnh tranh không nhỏ từ các đối thủ này.
Chưa nói về mức giá, việc duy trì số lượng gian hàng phong phú, tìm được khách thuê có thương hiệu nổi tiếng, thu hút giới trẻ luôn được coi là lợi thế của các TTTM. Thời gian gần đây, một số TTTM cũng mạnh tay chi tiền làm mới diện mạo hay mở rộng không gian mua sắm để lôi kéo người dùng.
Mặt khác, một số TTTM, đặc biệt ở khu vực cách xa trung tâm, đã có dấu hiệu xuống cấp về hạ tầng, cảnh quan, điển hình như Ho Guom Plaza (Trần Phú, Hà Đông) hay The Garden (Mễ Trì, Nam Từ Liêm), Hanoi Centerpoint (Lê Văn Lương, Thanh Xuân) nhưng vẫn có sức hút không nhỏ nhờ nằm trong khu dân cư đông đúc và vắng đối thủ cạnh tranh.