Vào năm 2017, Cơ quan Thực thi An toàn & Sức khỏe (HSE) của Vương quốc Anh đã công bố một báo cáo về tình trạng căng thẳng tại nơi làm việc, trong đó cho thấy ở mọi lứa tuổi phụ nữ đều có tỷ lệ căng thẳng, lo âu và trầm cảm liên quan đến công việc cao hơn nam giới.
Nhìn chung, phụ nữ bị căng thẳng nhiều hơn 53% so với nam giới, nhưng sự chênh lệch này đặc biệt rõ ở độ tuổi từ 35 đến 44: Đối với nam giới, tỷ lệ này là 1.270 trường hợp trên 100.000 lao động; đối với phụ nữ, con số này gần gấp đôi, với 2.250 trường hợp trên 100.000 lao động.
HSE kết luận rằng chênh lệch này xuất phát từ tính chất công việc của các lĩnh vực mà phụ nữ tham gia (tình trạng căng thẳng phổ biến hơn trong các ngành dịch vụ công, chẳng hạn như giáo dục, y tế và chăm sóc xã hội), cũng như “những khác biệt về văn hóa trong thái độ và niềm tin giữa nam giới và nữ giới xoay quanh chủ đề căng thẳng”. Đây có thể là một phần lý do, nhưng phân tích của HSE đang để lộ ra một lỗ hổng dữ liệu giới khá lớn.
Kể từ năm 1930, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã quy định không ai nên làm quá 48 giờ một tuần tại nơi làm việc, tức là họ đang nói đến công việc được trả lương. Nếu làm hơn số giờ này, người lao động sẽ bắt đầu gánh chịu ảnh hưởng sức khỏe. Nhưng ngày càng nhiều ý kiến đồng thuận rằng thực tế có thể phức tạp hơn thế một chút.
Một phân tích năm 2011 dựa trên dữ liệu thu thập về các công chức Anh từ năm 1997 đến năm 2004 chỉ ra rằng khi phải làm việc hơn 55 giờ mỗi tuần, nguy cơ bị trầm cảm và lo âu ở phụ nữ tăng đáng kể nhưng ở nam giới lại không cho thấy tác động rõ rệt, xét về mặt thống kê. Thậm chí, làm việc 40-55 giờ cũng gây gia tăng xác suất hình thành các vấn đề sức khỏe tâm thần ở phụ nữ.
Phát hiện này tương đồng với một nghiên cứu năm 1999 của Canada và một phân tích năm 2017 dựa theo dữ liệu trong 6 năm của cuộc Khảo sát Thực trạng Lao động Thu nhập Hộ gia đình của Úc. Cả hai đều cho thấy rằng số giờ làm việc có lương mà phụ nữ có thể chịu đựng trước khi sức khỏe tinh thần của họ bắt đầu suy sụp ít hơn ở đàn ông rất nhiều.
Nhưng vấn đề không chỉ là sức khỏe tinh thần. Các nghiên cứu của Thụy Điển đã phát hiện ra rằng việc làm thêm giờ ở mức trung bình gây tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong của phụ nữ nhưng lại có tác dụng bảo vệ đối với nam giới.
Một báo cáo năm 2016 của Mỹ về ảnh hưởng của việc làm việc nhiều giờ được khảo sát trong vòng 32 năm cũng cho thấy sự khác biệt giữa hai giới tương tự. Làm việc nhiều giờ ở mức vừa phải (41-50 giờ mỗi tuần) “đi kèm với việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh phổi mạn tính hoặc suy giảm sức khỏe” ở nam giới.
Ngược lại, ở lao động nữ, cùng số giờ làm việc như thế sẽ dẫn đến xu hướng “gia tăng đáng báo động” các bệnh đe dọa tính mạng, bao gồm cả bệnh tim và ung thư. Nguy cơ mắc các bệnh này của phụ nữ bắt đầu tăng lên khi họ làm việc hơn 40 giờ mỗi tuần. Nếu họ làm việc trung bình 60 giờ mỗi tuần trong hơn 30 năm, nguy cơ mắc một trong những chứng bệnh này sẽ tăng gấp ba lần.
Vậy, điều gì đang xảy ra ở đây? Tất cả có phải bằng chứng chứng minh phụ nữ quả thực đúng là phái yếu? Không hẳn vậy. Trên thực tế, theo nghiên cứu nêu trên của Úc, mặc dù một người đàn ông bình thường có khả năng làm việc lâu hơn một phụ nữ bình thường rất nhiều giờ trước khi sức khỏe tâm thần của anh ta phải chịu tác động tiêu cực nhưng ở đây còn có một nhóm lao động mà trong đó sự chênh lệch giữa nam và nữ về phương diện này hẹp hơn nhiều.
Nhóm này được gọi là những người “không vướng bận”, tức là những lao động ít hoặc không phải chịu trách nhiệm chăm sóc gia đình. Với những người không vướng bận, ngưỡng giờ làm việc của cả nam và nữ đều gần hơn nhiều so với mốc 48 giờ do ILO quy định. Vấn đề là phụ nữ không phải nhóm ít vướng bận. Chỉ là công việc họ làm thường vô hình mà thôi.