Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến hết tháng 7 năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tổng cộng 6,357 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán. Trong đó, số lượng tài khoản giao dịch trong nước đạt 6,315 triệu tài khoản, chiếm 99,3%.
Số liệu kể trên đồng nghĩa với việc thị trường đã đón nhận thêm 196.198 tài khoản giao dịch chứng khoán được mở mới trong tháng 7.
Giảm hơn 50%
Trong số tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới kể trên, có 195.790 tài khoản do nhà đầu tư trong nước đứng tên, tăng 3,1%. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng một nửa so với lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới vào tháng trước (466.216 tài khoản).
Hiện số tài khoản giao dịch do nhà đầu tư cá nhân trong nước đứng tên đạt trên 6,3 triệu đơn vị, tăng 195.709 tài khoản so với tháng trước. Bên cạnh đó, nhà đầu tư tổ chức trong nước cũng mở mới 81 tài khoản trong tháng vừa qua, giảm 55% so với số mở mới tháng 6.
Với nhà đầu tư nước ngoài, VSD cho biết nhóm này đã mở mới 408 tài khoản trong tháng vừa qua, nâng tổng số tài khoản giao dịch do khối ngoại đứng tên lên 41.793 đơn vị. Trong đó, đa số thuộc về nhà đầu tư cá nhân với 36.940 tài khoản, còn lại 4.178 tài khoản là do tổ chức nước ngoài đại diện.
Như vậy, kể từ đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đón nhận thêm hơn 2 triệu tài khoản giao dịch mở mới. Con số này đã vượt tổng số tài khoản mở mới trong hai năm trước cộng lại và tương đương gần 1/3 số tài khoản chứng khoán được mở trong suốt 22 năm thị trường hoạt động.
Đáng chú ý, thị trường chứng khoán trong nước đang có diễn biến lệch pha giữa số tài khoản giao dịch mở mới với biến động các chỉ số chung, đặc biệt là VN-Index.
Hồi tháng 5-6 trước đó, khi số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới cao kỷ lục (trên 400.000 tài khoản/tháng), chỉ số VN-Index lại giảm mạnh xuống dưới vùng 1.300 điểm và 1.200 điểm, tương đương mức giảm ròng hơn 5% và 7% ở mỗi giai đoạn.
Sau giai đoạn này, VN-Index chốt phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7 ở mốc 1.206,33 điểm, tăng 0,73% so với tháng 6 thì số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới lại giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2.
Thanh khoản thấp nhất 2 năm
Cũng trong giai đoạn này, thị trường chứng khoán vẫn chưa xuất hiện tín hiệu khởi sắc nào về mặt thanh khoản giao dịch. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên của cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM trong tháng 7 chỉ đạt khoảng 13.527 tỷ đồng, giảm 23,5% so với tháng liền trước. Đây cũng là giá trị giao dịch bình quân phiên thấp nhất kể từ cuối năm 2020.
Trên HoSE, thanh khoản trong tháng 7 chỉ đạt 11.502 tỷ đồng /phiên, giảm 20,8% so với tháng 6. Tương tự, trên sàn HNX có giá trị giao dịch bình quân đạt 1.286 tỷ đồng/phiên, giảm 28% so với tháng trước và UPCoM đạt 742 tỷ/phiên, giảm 39,44%.
Tính đến ngày 29/7, HoSE có tổng cộng 554 mã chứng khoán niêm yết, bao gồm 402 mã cổ phiếu, 2 mã chứng chỉ quỹ đóng, 9 mã chứng chỉ quỹ ETF, 137 mã chứng quyền có đảm bảo và 4 mã trái phiếu. Giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 4,79 triệu tỷ đồng, tăng 0,75% so với tháng trước và tương đương 57% GDP.
Trong đó, sàn HoSE ghi nhận 43 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD. Bao gồm 3 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD là Vietcombank (VCB), Công ty CP Vinhomes (VHM) và Tập đoàn Vingroup (VIC).
Tuy nhiên, 5 cổ phiếu có giá trị giao dịch lớn nhất lại thuộc về Tập đoàn Hòa Phát (HPG) với 9.187 tỷ đồng; Chứng khoán VNDirect (VND) với 8.683 tỷ đồng; Sacombank (STB) 8.282 tỷ; Chứng khoán SSI (SSI) 8.035 tỷ; và DIC Corp (DIG) với 7.490 tỷ đồng.
Khối ngoại trong tháng 7 vừa qua cũng mua ròng 332 tỷ đồng trên sàn HoSE. Tuy vậy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tích cực “xả hàng” trên HNX với khối lượng bán ròng 145,6 tỷ đồng và UPCoM với 475 tỷ. Như vậy, nhóm nhà đầu tư này đã bán ròng 288,6 tỷ đồng trong tháng gần nhất.