Nội dung chính:
- Doanh thu của Coteccons tăng trưởng trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt với các nhà thầu xây dựng khác.
- Coteccons chi 525 tỷ đồng hợp tác với Lê Phong Group để triển khai dự án The Emerald 68 - với vai trò nhà phát triển dự án.
Doanh thu 9 tháng đầu năm 2022 của nhà thầu xây dựng Coteccons đạt 8.308 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Trong khi số tiền khách hàng nợ tính đến cuối quý III lên tới 9.113 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với số dư đầu năm.
Doanh thu tăng trưởng mạnh
Việc khách hàng chậm thanh toán khiến dòng tiền kinh doanh của Coteccons đã bị thâm hụt gần 2.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Khi dòng tiền này bị thâm hụt, Coteccons đã phải vay vốn để bù đắp sự thiếu hụt đó. Coteccons đã vay 1.464 tỷ đồng tính đến cuối quý III năm nay. Giá trị khoản vay này so với quy mô tài sản của Coteccons vẫn rất thấp, chỉ chiếm 8%.
Các khoản phải thu khách hàng hầu hết không bị tính lãi suất do tính chất của các khoản nợ thương mại. Tuy nhiên, việc chậm thu tiền của khách hàng đã khiến Coteccons mất tương đối nhiều chi phí.
Có thể kể đến khoản lãi vay tới 55 tỷ đồng trong 9 tháng, khi công ty phải vay nợ để bù đắp dòng tiền. Với một nhà thầu như Coteccons, việc thuê các nhà thầu phụ, hoặc bỏ tiền ra thanh toán trước các chi phí nguyên vật liệu, trả tiền nhân công… là không thể tránh khỏi. Để đảm bảo chất lượng và uy tín công trình, Coteccons phải có một nguồn tiền dồi dào cho các hoạt động này.
Ngoài ra, cùng với việc cho khách hàng nợ, Coteccons cũng đồng thời phải trích lập dự phòng nợ khó đòi, đề phòng những khoản không thể thu hồi.
Khoản dự phòng này được tính vào chi phí hoạt động kinh doanh của công ty - cụ thể là chi phí quản lý doanh nghiệp. Trong 9 tháng, Coteccons đã dự phòng thêm gần 300 tỷ đồng cho các khoản phải thu khó đòi, tăng khoản trích lập dự phòng lên mức 960 tỷ đồng tại cuối quý III. Đây là khoản chi đáng kể, là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của Coteccons bị bào mòn.
Mặc dù doanh thu tăng trưởng, lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2022 của Coteccons còn chưa đến 2 tỷ đồng, giảm sâu so với mức 88 tỷ đồng cùng kỳ 2021 - khi hầu như cả thị trường đóng băng do dịch bệnh Covid-19.
Chi phí quản lý bào mòn lợi nhuận của Coteccons
Coteccons trở thành nhà phát triển dự án
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của Coteccons cũng lần đầu tiên công bố số tiền cụ thể 525 tỷ đồng mà công ty đã hợp tác kinh doanh cùng với Lê Phong Group trong dự án The Emerald 68 ngay tại cửa ngõ tỉnh Bình Dương. Báo cáo cho biết lợi nhuận của dự án sẽ được phân chia hàng năm theo tỷ lệ vốn góp tương ứng. Tuy nhiên, tỷ lệ cụ thể không được tiết lộ.
Tại buổi ra mắt dự án hồi đầu tháng 10/2022, ông Bùi Ngươn Phong, Chủ tịch HĐQT Lê Phong Group cho biết vai trò mới của Coteccons tại dự án The Emerald 68 ghi nhận sự hợp tác dài hạn giữa hai bên, không chỉ dừng lại ở vai trò tổng thầu.
Coteccons không chỉ giúp chủ đầu tư Lê Phong xây dựng, triển khai dự án, mà còn tham gia vào quá trình thiết kế, vận hành dự án về lâu dài. Đây cũng là dự án đầu tiên mà Coteccons tham gia với vai trò nhà phát triển dự án, theo hướng đi mới mà chủ tịch công ty - ông Bolat Duisenov khởi xướng. “Dịch vụ xây dựng hiện nay chỉ kiếm được một cơ hội lợi nhuận rất nhỏ trong chuỗi giá trị của một dự án” - ông Bolat Duisenov nhận định.
Chuyển dịch sang vai trò mới, hiệu quả hoạt động của Coteccons sẽ phụ thuộc vào tốc độ bán hàng của dự án The Emerald 68. Nếu thành công với thử nghiệm đầu tiên này, không chỉ dòng tiền của Coteccons được cải thiện, mà kết quả kinh doanh của công ty cũng sẽ tốt lên, nhờ việc không còn quá phụ thuộc vào các chủ đầu tư với khả năng thanh toán hạn hẹp.