Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Phạm Khánh Phương (ca sĩ Khánh Phương) do mua bán chui cổ phiếu SJC của Công ty CP Sông Đà 1.01. Trong 6 tháng cuối năm 2022, ông Phương liên tục mua vào nâng tỷ lệ sở hữu nhưng không đăng ký chào mua công khai, vi phạm pháp luật. Tổng số tiền mà ông Phương bị phạt là 245 triệu đồng.
Trong ngày 5/7, ông Phạm Khánh Phương thông báo đã bán thành công 901 nghìn cổ phiếu SJC. Đây là lần đầu tiên ông Khánh Phương báo cáo kết quả giao dịch sau khi bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt 245 triệu đồng vì mua bán chui cổ phiếu SJC.
Thông báo này đã hé lộ danh tính ông Phương chính là chồng của bà Vũ Thị Thúy, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Sông Đà 1.01. Cá nhân bà Thúy đang sở hữu 22 cổ phiếu SJC, chiếm tỷ lệ vốn là 0.0003%.
Nợ phải trả của Sông Đà 1.01 gấp 16 lần vốn chủ sở hữu
Thời kỳ kinh doanh huy hoàng nhất của Sông Đà 1.01 là giai đoạn cách đây 10 năm 2009-2012. Giai đoạn đó, lợi nhuận sau thuế của Sông Đà 1.01 trung bình mỗi năm hơn chục tỷ đồng, riêng năm 2011 lên tới 16,5 tỷ đồng. Những năm gần đây, lợi nhuận của SJC lẹt đẹt không đáng kể, thậm chí thua lỗ, riêng năm 2022 vừa qua Sông Đà 1.01 báo lỗ 5,3 tỷ đồng.
Doanh thu thuần năm 2022 ghi nhận 6,7 tỷ đồng giảm mạnh so với con số 45,6 tỷ đồng năm 2021. Chủ yếu do doanh nghiệp này chỉ có hoạt động thuần về doanh thu dịch vụ vận hành nhà chung cư và doanh thu cho thuê một số tài sản mà không có doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản như năm 2021.
Công ty cũng thuyết minh lỗ sau thuế ghi nhận 5,3 tỷ đồng trong khi năm 2021 lãi 2,4 tỷ đồng do năm 2021 SJC hoàn thành quyết toán được việc chuyển nhượng dự án bất động sản nên làm lợi nhuận toàn năm 2021 tăng lên và bù đắp được chi phí quản lý. Năm 2022, doanh nghiệp hạch toán ghi nhận toàn bộ tiền lãi chậm trả trên nợ gốc phải trả của quỹ Kinh phí bảo trì dự án chung cư cao tầng Hemisco - Phường Phúc La - Hà Đông. Số lãi phải trả cho Ban quản trị tòa nhà này làm tăng chi phí tài chính khiến lợi nhuận 2022 là con số âm.
Một con số đáng lưu ý là nợ phải trả của Sông Đà 1.01 ở thời điểm cuối năm 2022 là 1.548 tỷ đồng gấp 16 lần vốn chủ sở hữu (94 tỷ đồng). Trong đó, vay nợ tài chính chiếm nhiều nhất 582 tỷ đồng gấp 6 lần vốn chủ sở hữu; phải trả người bán ngắn hạn đứng thứ hai với 169 tỷ đồng. Ngược lại, người mua trả tiền trước không đáng kể 24,7 tỷ đồng.
Trong đó, Sông Đà 1.01 vay các cá nhân 72 tỷ đồng gồm Nguyễn Diệu Trinh, Nguyễn Thị Mai, Phạm Thị Oanh, Phạm Hoàng Cường, Vũ Thị Huyền, còn lại vay Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam 510 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Tiên Phong 33 tỷ đồng.
Tài sản ngắn hạn của Sông Đà 1.01 là 1.586 tỷ đồng chủ yếu là hàng tồn kho 1.410 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản phải thu ngắn hạn 122 tỷ đồng, phải thu của bà Vũ Thị Thúy 32 tỷ đồng.
Đến nay, Sông Đà 1.01 chưa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023. Theo lịch ngày 28/6 vừa qua, Sông Đà 1.01 sẽ họp đại hội cổ đông thường niên 2023 tuy nhiên do số cổ đông dự họp không đủ nên buộc phải rời lại sau đó. Thời gian chưa được công bố chi tiết.
Tài liệu họp HĐQT trình ĐHĐCĐ miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT với bà Vũ Thị Thúy, miễn nhiệm Thành viên HĐT với Nguyễn Văn Đức và Trịnh Văn Tôn. Bãi nhiệm Thành viên HĐQT với ông Tạ Văn Trung. Danh sách cổ đông ứng cử chưa được công bố. Kế hoạch kinh doanh năm 2023 cũng không được công bố tại tài liệu họp đại hội đồng cổ đông năm 2023 của SJC.
Ngoài Sông Đà 1.01, vợ ca sĩ Khánh Phương còn sở hữu doanh nghiệp nào?
Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông bất thường cuối năm 2022 đã bầu ra HĐQT mới, trong đó gồm gồm bà Vũ Thị Thúy (sinh năm 1983, thường trú tại Hà Nội), ông Phạm Khánh Phương (sinh năm 1981, TPHCM), ông Trịnh Văn Tôn (sinh năm 1984, Thái Bình), ông Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1982, Hà Nội) và ông Tạ Văn Trung (sinh năm 1956, Hà Nội).
HĐQT mới của SJC đã bầu bà Thúy làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật công ty, đồng thời là người thực hiện công bố thông tin.
Bà Vũ Thị Thúy hiện cũng đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam (hay Nhật Nam Group). Doanh nghiệp được thành lập vào tháng 07/2019, hiện có vốn điều lệ 80 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập gồm bà Thúy, ông Vũ Đức Tại, ông Mai Thanh Tùng.
Mặc dù mới thành lập năm 2019 song Nhật Nam liên tiếp dính lùm xum xung quanh việc huy động vốn với lãi suất cao ngất ngưởng.
Theo đó, thời điểm đầu tháng 4/2022, Công ty CP Đầu tư thương mại Bất động sản Nhật Nam (Công ty BĐS Nhật Nam) đã gây được sự chú ý lớn với giới đầu tư khi vừa tung ra những chương trình đầu tư với lãi suất vô cùng hấp dẫn. Trong đó, phải kể đến có chương trình đầu tư với lãi suất “khủng” lên tới 192% - tức là đầu tư 1 tỷ đồng sẽ thu về 1,92 tỷ đồng sau 24 tháng. Chương trình được cho là dành thưởng đặc biệt cho khách hàng nhân dịp tháng sinh nhật bà Vũ Thị Thúy.
Không chỉ dừng lại ở việc chi trả lợi nhuận “khủng”, Bất động sản Nhật Nam còn ưu ái dành tặng nhà đầu tư những tấm vé đi du lịch tại những khu nghỉ dưỡng hạng sang ở Phú Quốc. Đối với những khách hàng có mức hợp tác từ 3 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng, sẽ được tham gia vào Câu lạc bộ doanh nhân Nhật Nam.
Tuy nhiên, vào thời điểm đầu tháng 3/2023, hàng nghìn nhà đầu tư của Công ty CP Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam (Công ty Nhật Nam) đang hoang mang, lo lắng khi nhận được thông báo từ công ty về việc thu hồi hợp đồng gốc, chuyển đổi sang tư cách pháp nhân mới là Sông Đà Nhật Nam. Trong khi đó, hơn nửa năm trôi qua, tiền gốc lẫn lãi hàng tháng công ty vẫn không chi trả cho theo như hợp đồng hợp tác đầu tư đã cam kết.
Ủy ban chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông Phạm Khánh Phương (ca sĩ Khánh Phương) với tổng số tiền 245 triệu đồng.
Theo đó, từ 23/6 đến 28/10/2022, ông Phương đã mua hơn 3,1 triệu cổ phiếu SJC của Công ty Sông Đà 1.01, tăng sở hữu từ 0% lên 45,5%. Ngày 23/12/2022, ông thực hiện mua 100.000 cổ phiếu SJC và bán ra 21.800 đơn vị, nâng sở hữu tại thời điểm đó từ 24,69% lên 25,81%. Cả hai lần giao dịch, ông Phương đều không đăng ký chào mua công khai.
Vì lỗi này, ca sĩ Khánh Phương bị phạt 150 triệu đồng, buộc phải từ bỏ quyền biểu quyết trên số cổ phần từ hành vi vi phạm. Đồng thời, cổ đông lớn của SJC bị buộc bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ xuống dưới mức phải chào mua công khai (dưới ngưỡng 25%) trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày 26/6.
Ngoài lỗi này, ông Phương bị phạt thêm 95 triệu đồng do không báo cáo HNX khi trở thành cổ đông lớn của SJC ngày 14/10/2022 và nhiều lần giao dịch cổ phiếu SJC làm thay đổi sở hữu vượt ngưỡng 1% nhưng không công bố thông tin.