Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq của chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (7/6), trong bối cảnh thị trường đuối sức ở vùng điểm cao nhất kể từ tháng 8 năm ngoái vì thiếu nhân tố hỗ trợ mới. Giá dầu thô tăng vì việc Saudi Arabia giảm sản lượng khai thác dầu lấn át mối lo về sự suy yếu của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Lúc đóng cửa, S&P 500 giảm 0,38%, còn 4.267,52 điểm. Nasdaq trượt 1,29%, còn 13.104,89 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones tăng 91,74 điểm, tương đương tăng 0,27%, chốt ở mức 33.665,02 điểm.
Năng lượng là nhóm cổ phiếu đạt mức tăng tốt nhất trong S&P 500 phiên này, với mức tăng 2,6%. Tuy nhiên, với sự giảm điểm của hầu hết các nhóm cổ phiếu ngành khác, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ đã không thể đi lên.
Chứng khoán Mỹ đã ở trong xu thế tăng điểm thời gian gần đây, đạt ngưỡng cao nhất của 10 tháng, với sự dẫn đầu của cổ phiếu công nghệ, khi hy vọng về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) giúp củng cố sức mạnh cho các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn. Trong vòng 3 tháng qua, S&P 500 đã tăng hơn 7%.
Tuy nhiên, Giám đốc đầu tư Bob Doll của công ty Crossmark Global Investments cảnh báo rằng dù thị trường tăng điểm trong những ngày gần đây, ảnh hưởng của việc Fed tăng lãi suất đối với giá cổ phiếu có thể sẽ được thể hiện rõ hơn trong tương lai.
“Các chỉ số báo sớm về kinh tế vẫn giảm 13 tháng liên tiếp. Chúng ta vẫn có một đường cong lợi suất đảo ngược và những vấn đề về thanh khoản”, ông Doll nói với hãng tin CNBC. “Tôi cho rằng sẽ còn có nhiều ảnh hưởng nữa chưa lộ rõ. Tôi sẽ thận trọng một chút và không tin rằng đây sẽ là một đợt tăng kéo dài của thị trường”.
Tuần này không có nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ được công bố. Tâm điểm chú ý của thị trường sắp tới sẽ là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Mỹ dự kiến được công bố vào tuần tới, trước khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hoàn tất cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày vào ngày 13-14/6.
Số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày thứ Tư cho thấy thâm hụt thương mại của nước này tiếp tục tăng trong tháng 4 nhưng thấp hơn so với dự báo. Thâm hụt thương mại có thể dẫn tới giảm tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2 của Mỹ.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,66 USD/thùng, tương đương tăng 0,9%, chốt ở 76,95 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,79 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, chốt ở 72,53 USD/thùng.
Cuối tuần trước, Saudi Arabia - thủ lĩnh không chính thức của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) - tuyên bố cắt giảm sản lượng khai thác dầu 1 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 7. Giá dầu đã tăng vào hôm thứ Hai, nhưng sau đó lại giảm trong phiên ngày thứ Ba.
“Có vẻ như thị trường dầu đang bị giằng co giữa một bên là nhu cầu tiêu thụ dầu ở Mỹ yếu đi, với một bên là việc Saudi Arabia giảm sản lượng khai thác dầu”, Phó chủ tịch Dennis Kissler của công ty BOK Financial nói với hãng tin Reuters.
Số liệu công bố ngày thứ Tư từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô của nước này giảm khoảng 450.000 thùng, thay vì tăng 1 triệu thùng như kỳ vọng của giới phân tích. Tuy nhiên, tồn kho dầu diesel tăng 5,1 triệu thùng thay vì giảm 1,33 triệu thùng như dự báo. Tồn kho xăng cũng tăng 2,8 triệu thùng, vượt xa mức dự báo tăng 880.000 thùng.
Sự gia tăng của lượng xăng dầu tồn kho làm dấy lên mối lo ngại về nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ở Mỹ, nước sử dụng năng lượng hoá thạch nhiều nhất thế giới, nhất là khi nước này đã bước vào giai đoạn cao điểm của hoạt động lái xe trong mùa hè.
Trong phiên, có lúc giá dầu giảm do mối lo về dữ liệu kinh tế xấu của Trung Quốc.
Số liệu công bố ngày thứ Tư cho thấy xuất khẩu tháng 5 của Trung Quốc giảm mạnh hơn dự báo. Nhập khẩu cũng giảm nhưng với tốc độ chậm hơn. Báo cáo này phản ánh việc các nhà sản xuất Trung Quốc đang phải chật vật tìm đơn hàng từ nước ngoài giữa lúc nhu cầu tiêu dùng trong nước còn ảm đạm.
Dữ liệu xuất nhập khẩu vừa công bố còn cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc, cũng là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, tăng lên mức cao thứ ba trong lịch sử trong tháng 5 vừa qua. Ngân hàng JPMorgan Chase nhận định rằng các nhà máy lọc dầu của nước này hiện không tăng tốc độ chế biến dầu, nhưng thay vào đó lại tích trữ dầu.
Phiên này, giá dầu còn được hỗ trợ khi đồng USD giảm giá do giới đầu cơ giảm đặt cược vào khả năng Fed tăng lãi suất trong tuần tới.