Với đợt phóng mới, Galactic Energy, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh, dần xây dựng chỗ đứng trong ngành hàng không vũ trụ và trở thành đối thủ đến từ Trung Quốc của SpaceX.
Tên lửa của Galactic Energy cất cánh vào đầu giờ chiều (theo giờ Việt Nam), từ Trung tâm phóng vệ tinh Jiuquan ở Tây Bắc Trung Quốc. Đây là lần phóng thứ năm của tên lửa có thể sử dụng nhiều lần Ceres-1, và là lần đầu tiên trong chuỗi 8 đến 10 nhiệm vụ dự kiến diễn ra trong năm nay.
Công ty cho biết thêm rằng tính đến nay, họ đã đưa được 19 vệ tinh thương mại vào quỹ đạo. Số lượng vệ tinh này vẫn thua xa SpaceX, nhưng là một kỷ lục đối với một công ty tư nhân đến từ Trung Quốc.
Ceres-1 theo sau vụ phóng tên lửa Long March 7, hay Trường Chinh 7, của Trung Quốc diễn ra cùng ngày. Long March 7 đưa 3 vệ tinh vào quỹ đạo từ phía Nam đảo Hải Nam, phục vụ phát triển trạm vũ trụ Trung Quốc và các nhiệm vụ khác.
Các vụ phóng thành công của Trung Quốc diễn ra cùng ngày với các vụ phóng thất bại của Vương quốc Anh. Một tên lửa của Virgin Orbit Holdings Inc., cất cánh từ Tây Nam nước Anh, không triển khai được 9 vệ tinh như kế hoạch.
Gần một thập kỷ sau khi Trung Quốc mở cửa cho khu vực tư nhân đầu tư vào ngành hàng không vũ trụ, Galactic Energy là một trong số các công ty trong nước có tiềm năng cạnh tranh với SpaceX trong việc cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh thương mại.
Dù vậy, không phải công ty khởi nghiệp không gian nào của Trung Quốc cũng đang gặt hái thành công. Hầu hết công ty vẫn chưa đưa tải trọng vào quỹ đạo. Một đối thủ cạnh tranh với Galactic Energy, LandSpace Technology Corp., tháng trước đã thất bại trong nỗ lực phóng một tên lửa chạy bằng khí metan và oxy lỏng.
Theo trang web của Galactic Energy, công ty được thành lập vào năm 2018 và cam kết cung cấp các giải pháp thương mại hóa không gian chi phí thấp. Công ty cho biết vào tháng 2/2022 rằng họ đã hoàn thành vòng gọi vốn trị giá gần 190 triệu USD, số tiền này để đầu tư phát triển tên lửa tái sử dụng.