Bộ phận phân tích chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có báo cáo thị trường tiền tệ tuần 26-30/9/2022.
Theo SSI, trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục sử dụng các công cụ hoạt động thị trường mở nhằm duy trì thanh khoản trên hệ thống ở mức vừa đủ, tuy nhiên với khối lượng đã giảm nhiệt so với tuần trước đó. Cụ thể, khối lượng tín phiếu NHNN phát hành trong tuần là 45,4 nghìn tỷ đồng, giảm 38% so với tuần trước đó. Kỳ hạn phát hành được đẩy lên 14 ngày, từ mức 7 ngày và lãi suất phát hành đạt 5,0%. Với lượng đáo hạn trong tuần lên đến 73,8 nghìn tỷ, khối lượng tín phiếu đang lưu hành đã giảm xuống còn 45,4 nghìn tỷ đồng.
Nghiệp vụ mua kỳ hạn 7 ngày cũng được sử dụng đều đặn với khối lượng trung bình hàng ngày đạt 1 nghìn tỷ đồng và lãi suất được điều chỉnh tăng dần và kết tuần đạt 5,9% (tăng 40 điểm cơ bản). Kết tuần, NHNN bơm ròng tổng cộng 28,1 nghìn tỷ đồng thông qua kênh hoạt động thị trường mở, tuy nhiên hút ròng hơn 35 nghìn tỷ đồng thông qua kênh bán ngoại tệ. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng 27 điểm cơ bản lên 5,16% và kỳ hạn 1 tuần – 1 tháng lên vùng 5,4% - 5,6%.
SSI cho rằng, NHNN sẽ duy trì thanh khoản trên hệ thống ngân hàng ở trạng thái không quá dồi dào trong giai đoạn còn lại của năm nhằm duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND ở vùng 5,0 – 5,5%, để tạo mức chênh lệch hợp lý với lãi suất USD, giảm thiểu áp lực lên tỷ giá.
Sau động thái tăng một số lãi suất điều hành từ NHNN, hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) trong hệ thống đều đã điều chỉnh tăng mặt bằng lãi suất huy động, với mức tăng 30 – 100 điểm cơ bản tùy kỳ hạn. Trong đó, các NHTMCPNN chính thức tăng 50 điểm cho tất cả các kỳ hạn, và các NHTM khác như MB, ACB, Techcombank, VPBank, Sacombank, SHB, Nam A Bank, SCB, VIB, ABBank cũng ghi nhận mức tăng 30-100 điểm. Không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng còn đẩy mạnh chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư.
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động của nhiều NHTM đã quay về giai đoạn trước Covid 19 và áp lực vẫn còn tương đối lớn, khi chênh lệch huy động – tín dụng chưa được cải thiện nhiều. Trên thực tế, số liệu của Tổng cục thống kê vừa công bố cho thấy, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng tương đối yếu trong 9 tháng đầu năm, khi chỉ tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%), trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt tới 10,54%. Điều này đã khiến cho chênh lệch huy động – tín dụng duy trì ở vùng âm kể từ tháng 7 năm nay.
Đối với tỷ giá USD/VND, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank đã tăng mạnh vượt mức 24.000 đồng/USD, và tỷ giá liên ngân hàng cũng tiến sát mức tỷ giá bán tại Sở GDNHNN sau động thái của NHNN. Cụ thể, NHNN đã nâng tỷ giá bán USD tại Sở giao dịch lên mức 23.925 đồng (từ mức 23.700 đồng). Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, NHNN đã nâng tỷ giá bán USD 2 lần với tổng giá trị lên tới 525 đồng/USD, khi cung-cầu ngoại tệ trên thị trường chưa có nhiều sự cải thiện.
Bên cạnh đó, khả năng tiếp tục sử dụng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường ngoại hối là khá hạn chế khi dự trữ ngoại hối hiện đã giảm xuống dưới mức khuyến nghị của IMF.
So với cuối năm 2021, giá USD tại Vietcombank đã tăng 4,7%, giá USD liên ngân hàng tăng 4,5%. Về cuối năm, sức ép lên tỷ giá vẫn còn khá cao và theo SSI, không loại trừ trường hợp NHNN sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành nhằm giảm áp lực lên tỷ giá.