Thời gian qua, nhiều người dân tại Mỹ đã hình thành thói quen lướt ứng dụng “Too Good To Go” trong khi đi dạo. Thông qua ứng dụng này, bạn có thể tìm những nhà hàng, tiệm bánh hay cửa hàng tạp hóa bán thực phẩm với giá rẻ hơn bình thường. Trước đây, nếu không được tiêu thụ hết, chúng sẽ trở thành rác thải thực phẩm vào cuối ngày.
Một chiếc túi đựng những loại thực phẩm như vậy thường có giá từ 3 USD đến 5 USD và được gọi là “Surprise Bag” (tạm dịch: túi bất ngờ) vì không ai biết chính xác bên trong có gì.
Một tiệm bánh có thể sẽ để lại cho bạn vài chiếc bánh ngọt, một nhà hàng có thể để món salad hay nguyên liệu nấu ăn vào chiếc túi. Chính yếu tố bất ngờ đã khiến những chiếc túi này trở nên thú vị hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, giá cả phải chăng cũng là yếu tố quan trọng thu hút người dùng. Ví dụ, họ có thể nhận được chiếc túi chứa đầy bánh ngọt, một thanh socola, gói snack hay vài lát pizza có giá chỉ bằng một phần nhỏ so với giá thông thường.
Tất nhiên, không phải chiếc túi nào cũng là món “hời”. Bạn có thể nhận được túi chứa một chút cơm trắng, một miếng thịt nhỏ hay một lọ bột nghệ. Tuy không phải là những thứ quá hấp dẫn nhưng trên hết, mục đích của việc này là để chống lãng phí thực phẩm.
Lãng phí thực phẩm là vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng. Một báo cáo năm 2021 của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho biết khoảng “2,5 tỷ tấn thực phẩm đã không được tiêu thụ trên khắp thế giới mỗi năm”, tương đương 40% tổng số thực phẩm được tạo ra.
Do chất thải thực phẩm thường không được tách ra khỏi những chất thải khác nên phần lớn chúng được đưa vào bãi chôn lấp. Điều này tạo ra khí thải mêtan góp phần gây nên tình trạng biến đổi khí hậu. Tệ hơn nữa, khoảng 70% mất mát đa dạng sinh học hiện nay là do nông nghiệp.
Lượng thực phẩm mà một nhà hàng thải ra không quá lớn nhưng nếu tính tất cả nhà hàng ở Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung, đó sẽ là một con số khổng lồ. Theo Massow, ngoài giúp giảm lãng phí, ứng dụng Too Good To Go còn giúp nhà hàng tiết kiệm thời gian và tiền bạc vì họ không cần liệt kê chính xác những gì khách hàng sẽ nhận được trong túi. Ngoài ra, họ cũng không phải lo việc vận chuyển những chiếc túi vì người dùng ứng dụng sẽ đến tận nơi để lấy.
Too Good To Go ra mắt tại châu Âu năm 2016 và thâm nhập thị trường Mỹ năm 2020. Đội ngũ của công ty đã tiếp cận với nhà hàng địa phương để thuyết phục họ tham gia. Các chủ nhà hàng có thể tự đăng ký và sau 30 phút, địa điểm của họ sẽ có mặt trên ứng dụng. Họ cũng không phải trả bất cứ loại phí nào cho Too Good To Go.
Khi người dùng mua “túi bất ngờ”, Too Good To Go sẽ tính phí và thanh toán phần còn lại cho nhà hàng. Theo Lucie Basch - nhà đồng sáng lập và giám đốc cấp cao của Too Good To Go, ứng dụng của họ đã giúp 1,3 triệu bữa ăn thoát khỏi cảnh bị đổ vào thùng rác trong năm ngoái.
“Các đối tác của chúng tôi nói rằng Too Good To Go đã giúp nhiều bên cùng có lợi. Nhiều nhà hàng cho biết họ không vứt bỏ thực phẩm thừa nữa. Hơn nữa, việc người dùng ứng dụng đến tận nơi nhận ‘túi bất ngờ’ có thể biến những người này thành khách hàng tiềm năng trong tương lai sau khi nếm thử món ăn của nhà hàng. Đối với người tiêu dùng, họ có cơ hội mua những loại đồ ăn chất lượng tốt với giá phải chăng. Còn với xã hội, việc này giúp góp phần bảo vệ môi trường”, Basch cho biết thêm.
Bagel Point là cửa hàng bánh mì thường tặng bánh còn dư cho các tổ chức phi lợi nhuận, trung tâm bảo trợ hay nhà thờ. Tuy nhiên, đôi lúc những nơi này không nhận bánh của Bagel Point, đặc biệt là trong thời kì cao điểm của đại dịch.
Ông Kaplan – chủ cửa hàng, chia sẻ: “Tôi từng phải lái xe khắp nơi để mời mọi người. Tôi không thể vứt chúng vào thùng rác vì chúng rất tươi ngon. Nhờ Too Good To Go, mọi chuyện đã được giải quyết”.
Từ khi ra mắt tại Đan Mạch đến nay, Too Good To Go đã giúp chống lãng phí hơn 147 triệu bữa ăn trên toàn cầu, tương đương 26.600 tấn thực phẩm. Ứng dụng hiện có 61 triệu người dùng và 154.000 đối tác nhà hàng và cửa hàng trên toàn thế giới. Năm 2019, Too Good To Go được chứng nhận là Bcorp – đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về hoạt động xã hội và môi trường.
Trên thực tế, việc sử dụng hay đơn giản là mới chỉ biết đến Too Good To Go cũng có thể góp phần nâng cao nhận thức về chống lãng phí thực phẩm. Basch cho biết công ty đang hợp tác với một số doanh nghiệp lớn để Too Good To Go được biết đến nhiều hơn và mở rộng sự phát triển của mình. Được biết, Starbucks là đối tác lớn ở châu Âu của công ty và hai bên đang trong quá trình đàm phán để hợp tác tại Mỹ.
Quy mô được cho là trở ngại lớn nhất đối với Too Good To Go bởi thời điểm hiện tại, ứng dụng mới có mặt tại 12 thành phố của Mỹ, bao gồm New York, Chicago, Washington DC và Austin, Texas.
Mới đây nhất, Bloomberg đưa tin Too Good To Go sẽ ra mắt tại Los Angeles trong thời gian tới. Tại đây, Too Good To Go sẽ hợp tác với hơn 300 đối tác, trong đó có Alfred’s, Mel’s Drive Inn, Tartine và Ladurée.