Wiki

Sự biến mất của những ông chú bán kem kẹp Singapore

Kem kẹp, hay bánh mì kẹp kem, là thức quà tuổi thơ của người Singapore, nhưng bây giờ những chiếc xe bán món ăn quen thuộc này đang dần biến mất.

Bánh mì kẹp kem là món ăn quen thuộc ở Singapore. Ảnh: Business Insider.

Ngồi xổm trên mặt đất, trước mặt là chiếc xe đạp đậu dọc con hẻm vắng ở Singapore, ông Liang (70 tuổi) cẩn thận đập một cục đá khô thành những vụn đá nhỏ.

Đó là một buổi sáng thứ 6 đầy gió, bầu trời thì u ám. Dù vậy, ông Liang vẫn ra đường để chuẩn làm công việc hàng ngày quen thuộc.

"Ngồi xổm tê chân lắm, nhưng tôi quen rồi", ông Liang nói với Business Insider.

Dù đã 70 tuổi, ông Liang vẫn đều đặn nhập kem rồi đẩy xe đi bán mỗi ngày. Ảnh: Business Insider.

Một lúc sau, ông Liang sẽ chất đầy kem vào chiếc tủ lạnh nhỏ đặt trên xe đạp. Kem này ông nhập từ một nhà phân phối tại địa phương, sau đó mang bán cho người qua đường với giá khoảng 1,5 SGD, tương đương 1,1 USD.

Dưới cái nắng oi ả ở đất nước xích đạo, món kem của ông Liang vẫn rất hút khách dù ông chỉ bán hàng trên chiếc xe đạp nhỏ cũ kỹ, bên trên phủ một chiếc ô lớn, đủ để che cho vài người.

Món kem tuổi thơ

Ông Liang là một trong những người bán kem truyền thống còn sót lại ở Singapore. Vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, người bán hàng rong xuất hiện khắp nơi ở đảo quốc sư tử, từ bán rong đồ tráng miệng cho đến súp sườn heo.

Hiện, Singapore chỉ còn khoảng 150 người bán hàng rong, phần lớn là do những quy định nghiêm ngặt của chính quyền.

Người bán kem dạo ở Singapore chất hết đồ nghề lên xe đạp rồi đẩy xe đi khắp các con phố. Ảnh: Business Insider.

Khác với xe bán kem ở Mỹ, xe bán kem dạo ở Singapore thường là xe đạp, đúng nghĩa là xe chạy bằng sức người chứ không có động cơ.

Trên xe đạp, người bán kem sẽ gắn một thiết bị làm mát để bảo quản kem. Các vị kem quen thuộc thường thấy trên các xe kem ở Singapore là socola, vani, ít phổ biến hơn là ngô hoặc sầu riêng.

Cách ăn kem cũng vô số kiểu, từ kem được múc vào cốc, cho đến kem được kẹp giữa hai chiếc bánh quy xốp mỏng. Nhưng phổ biến nhất, quen thuộc nhất với Singapore vẫn là bánh mì kẹp kem.

Đối với nhiều người Singapore, kem của những ông chú bán rong là một món ăn tuổi thơ, giá cả phải chăng. Việc mua một chiếc kem từ những chuyến xe đi qua lại trên phố là điều rất dễ dàng.

Tuy nhiên, trở thành người bán kem dạo trên đường phố Singapore lại không dễ vì việc bán hàng rong ở nước này được kiểm soát rất chặt.

Món kem tuổi thơ của người Singapore thường được ăn cùng bánh mì. Ảnh: Business Insider.

Những ông lão bán kem U80

Ông Tan Ah Hock, một người bán kem 80 tuổi, nói với Business Insider rằng ông đã bán kem từ năm 1967. Ông thường đẩy xe bán hàng trên con phố mua sắm nổi tiếng Orchard gần như mỗi ngày trong tuần, từ 11h đến 22h.

"Nếu bán hàng xong sớm, tôi sẽ về sớm", ông Tan nói về giờ bán hàng của mình, nhưng đôi khi ông vẫn nán lại bán đến tận 22h30 nếu vẫn còn khách.

Ở Singapore, tuổi nghỉ hưu tối thiểu là 63, nhưng những người như ông Tan, ông Liang và nhiều người bán kem dạo khác vẫn làm việc đều đặn mỗi ngày và họ thấy bây giờ họ vẫn đang sống trong "thời hoàng kim" của nghề bán kem.

Bán kem dạo là công việc đòi hỏi phải có sức khỏe vì hộp đựng kem rất nặng. Hơn nữa, người bán sẽ phải dành phần lớn thời gian ở ngoài trời và phải đi, đứng rất nhiều. Hầu như người bán kem dạo không có thời gian để nghỉ ngơi, đặc biệt là với những người làm việc trên đường Orchard.

Ví dụ điển hình là ông Wang (82 tuổi). Ở cái tuổi đáng ra nên ở nhà nghỉ ngơi, ông Wang vẫn đều đặn đẩy xe kem ra Wisma Atria, một trung tâm mua sắm lâu đời nằm trên đường Orchard.

Chỉ 10 phút sau khi chiếc ô màu đỏ khổng lồ của ông Wang xuất hiện, một hàng người đã xếp hàng trước xe kem, chờ ông Wang cắt khối kem socola khổng lồ thành những miếng nhỏ.

"Tôi già rồi nên việc cắt kem ngày càng khó. Lát nữa vợ tôi sẽ đến giúp vì bà ấy khỏe hơn", ông Wang nói.

Xe kem của ông Tan thu hút rất nhiều người mua chỉ sau 10 phút mở bán, phần lớn là khách du lịch. Ảnh: Business Insider.

Những xe kem có nguy cơ biến mất?

Ông Chan Yong Leng (78 tuổi), người bán kem trên đường Orchard, lo rằng nghề bán kem dạo sẽ có nguy cơ lụi tàn trong vài năm tới.

Bán kem từ những năm 1960 đến nay, ông Chan hiểu rõ đây là một nghề khó. Ông hy vọng sự quan tâm của khách du lịch sẽ giúp nghề bán kem này tồn tại lâu hơn.

Business Insider cũng nhận thấy hầu hết người mua kem dạo trên đường Orchard đều là khách du lịch. Nhờ vào phương tiện truyền thông xã hội, những xe kem này được biết đến nhiều hơn.

Một cặp vợ chồng người Philippines lần đầu đến Singapore đã tìm đến các ông lão bán kem thông qua các video trên TikTok. Nhờ những nội dung trên nền tảng này, cặp vợ chồng thêm tò mò về hương vị món kem tuổi thơ của người Singapore.

Đối với nhiều người Singapore, những người bán kem dạo là một phần quan trọng ở nơi họ sống. Darren Tan (26 tuổi) nói rằng anh sẽ cố mua kem ủng hộ người bán khi có thể.

Tan bày tỏ sự buồn bã nếu sau này đường phố Singapore không còn bóng dáng của các ông, các chú bán kem. "Singapore không có nhiều nơi để bạn tìm được món kem tuổi thơ và có giá cả phải chăng như vậy", Tan nói.

Số người bán kem dạo ở Singapore hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ảnh: Business Insider.

Tính đến năm 2019, CNA thống kê Singapore còn khoảng 13 người bán kem dạo trên các con phố. Kenneth Goh, hậu duệ đời thứ 3 của nhà phân phối kem Chip Guan Heng, tiếc nuối khi chứng kiến số người bán kem dạo giảm dần qua các năm.

"Sẽ rất buồn nếu trong thời gian tới, chúng tôi không còn được nghe âm thanh quen thuộc của tiếng chuông bán kem vang đều trên phố", Goh nói.

Về phía những người bán kem, khi được hỏi về dự định sắp tới, có người nói họ vẫn sẽ tiếp tục công việc hiện tại. Điển hình là ông Chan. Dù đã 80 tuổi, ông vẫn chưa có ý định nghỉ hưu mà sẽ bán thêm vài năm nữa.

"Trước đây, nếu bạn nói rằng bạn bán kem, bạn sẽ bị coi thường. Nhưng giờ mọi chuyện có thể đã khác. Tôi không nghĩ quá nhiều về việc ngành bán kem dạo đang lụi tàn, mọi chuyện nó vốn như vậy rồi", ông Chan nêu quan điểm.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/su-bien-mat-cua-nhung-ong-chu-ban-kem-kep-singapore-post1450985.html