Mới đây, SoftBank thông báo rằng họ có kế hoạch niêm yết công ty chip ARM sớm nhất vào tháng 9 năm nay. Nhưng với sự biến động không ngừng của thị trường chứng khoán công nghệ và nhu cầu giảm dần trên thị trường điện thoại thông minh, ARM đang đứng trước “ngã tư” của quá trình chuyển đổi kinh doanh. Chính vì vậy, SoftBank rất khó có thể đảm bảo được mức định giá cao cho công ty chip này.
Việc công ty thiết kế chip ARM có thể IPO thành công hay không là rất quan trọng đối với các công ty công nghệ đang có mong muốn lên sàn. Kể từ đầu năm 2022 đến nay có rất ít cổ phiếu công nghệ được phát hành ra công chúng, việc niêm yết ARM dự kiến diễn ra vào đầu tháng 9 năm nay sẽ trở thành thước đo xem thị trường có thể khơi dậy sự quan tâm đến cổ phiếu công nghệ hay không.
Giống như phần lớn lĩnh vực công nghệ, toàn bộ ngành công nghiệp chip đang trải qua giai đoạn thay đổi định giá. Các nhà đầu tư đang cố gắng xác định công ty nào sẽ được hưởng lợi từ sự bùng nổ AI và công ty nào sẽ bị bỏ lại phía sau.
Khi SoftBank buộc ARM phải niêm yết cổ phiếu, công ty chip đang phải đối mặt với sự tăng trưởng chậm chạp trong thị trường cốt lõi, sự chuyển đổi mô hình kinh doanh và vướng vào tranh chấp pháp lý với một trong những khách hàng lớn nhất của mình.
Không khó hiểu khi SoftBank đang cố gắng thu hút một nhóm nhà đầu tư mỏ neo có tiềm lực tài chính mạnh để đặt ra giới hạn thấp hơn cho giá phát hành cổ phiếu ARM. Theo Tech163 thì gần đây ngoài Amazon đang thảo luận về việc mua cổ phần của ARM, SoftBank cũng đang âm thầm tìm kiếm những khách hàng dựa vào công nghệ của ARM trong các thiết kế chip của riêng họ.
Những khó khăn của ARM bắt đầu với thị trường điện thoại thông minh đang bão hòa, nơi mà thiết kế của bộ vi xử lý tiêu thụ điện năng thấp đã trở thành một tiêu chuẩn phổ biến trong ngành. Ngoài một vài thành công trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu và ô tô, mong muốn đưa công nghệ ARM đến các thị trường mới của SoftBank đã không thành hiện thực. Doanh thu của ARM đã giảm 11% so với cùng kỳ trong quý trước do nhu cầu trên thị trường điện thoại thông minh thấp. Ghi lại hiệu suất như vậy trước khi IPO không phải là điều tốt cho bất kỳ công ty nào.
Bởi vì công nghệ ARM chủ yếu được sử dụng để tạo ra CPU, loại chip đa năng mà điện thoại thông minh cần để thực hiện nhiều tác vụ khác nhau, nên toàn bộ công ty chỉ đang trên bờ vực bùng nổ AI. Nhu cầu lớn về công nghệ máy học để xử lý dữ liệu chủ yếu dẫn đến doanh số bán các sản phẩm như GPU và chip mạng giúp tăng tốc độ xử lý và truyền dữ liệu tăng đột biến, trong khi chip sử dụng công nghệ ARM chỉ đóng vai trò hỗ trợ.
SoftBank đã có một bài học kinh nghiệm khi bỏ lỡ xu hướng nóng trong đầu tư chip. Sáu năm trước, SoftBank từng mua cổ phiếu của Nvidia trị giá 3 tỷ USD và ngày nay Nvidia đang dẫn đầu thị trường trí tuệ nhân tạo. Nếu SoftBank giữ cổ phiếu thay vì rút tiền mặt để kiếm lợi nhuận ngắn hạn, thì cổ phần hiện có có thể đạt mốc 50 tỷ USD, có khả năng cao hơn giá trị vốn hóa thị trường đầy đủ của ARM khi nó được IPO.
ARM đang phải đối mặt với việc chọn lại mô hình kinh doanh. Công nghệ ARM đã được sử dụng trong hơn 30 tỷ thiết bị máy tính được xuất xưởng vào năm ngoái, với lợi nhuận trung bình là 0,09 USD trên mỗi thiết bị cho Arm. Để có được miếng bánh lớn hơn, ARM đề xuất ý tưởng tính phí trực tiếp các nhà sản xuất thiết bị thay vì chỉ tính phí giấy phép của các nhà sản xuất chip và phí sử dụng bản quyền. Tuy nhiên, hiện tại khi ARM đang chuẩn bị IPO, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy kế hoạch này sẽ được thực hiện.
Ngoài việc bán các bản thiết kế công nghệ chip cho khách hàng, ARM còn bán các thiết kế cho "lõi" điện toán bao gồm các thành phần cơ bản của chip. Nhưng ARM cũng phải chịu áp lực khi một số khách hàng tự mình đảm nhận nhiều công việc thiết kế chip hơn.
Là một trong những khách hàng lớn nhất của ARM, Qualcomm đã mua lại một công ty mới thành lập có tên Nuvia, tự thiết kế chip dựa trên công nghệ của ARM và bắt đầu phát triển theo hướng tương tự như Apple.
Theo ước tính từ một số tổ chức nghiên cứu, nếu khách hàng chỉ mua phí bản quyền của kiến trúc thiết kế chip, phí trả cho ARM sẽ giảm một nửa. Hoạt động kinh doanh của ARM phụ thuộc nhiều vào một số ít khách hàng lớn, một tình huống làm gia tăng mối đe dọa đối với hoạt động kinh doanh của ARM.
Ngoài ra, việc ARM đưa Qualcomm ra tòa cho thấy vấn đề có tầm quan trọng rất lớn đối với hoạt động kinh doanh của công ty. ARM đã kiện và tuyên bố rằng giấy phép của mình không cho phép Qualcomm sử dụng công nghệ Nuvia. Đứng trước tình thế đó, Qualcomm cũng đâm đơn kiện ngược lại.
Tất cả những yếu tố đó khiến việc thu hút khoản đầu tư lớn của khách hàng cho việc niêm yết ARM trở nên vô cùng quan trọng với SoftBank. Ngoài việc giúp ổn định giá niêm yết của cổ phiếu, động thái này cũng sẽ đóng vai trò hỗ trợ mạnh mẽ cho hoạt động kinh doanh của ARM trong thời điểm bất ổn. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy SoftBank đạt được thỏa thuận.