Bức ảnh ngủ trên sàn nhà công ty của Esther Crawford, Giám đốc quản lý sản phẩm của Twitter, rạng sáng 3/11 gây tranh cãi. Ảnh: @evanstnlyjones.
Chủ đề công việc đang được bàn luận nhiều hơn bao giờ hết, nhưng cũng khiến không ít người bối rối. Theo Emma Beddington của Guardian, nếu có thể cân bằng công việc hiện tại với cuộc sống cá nhân, người lao động mới nên tiếp tục.
Tuy nhiên, hàng loạt triết lý làm việc mâu thuẫn đến khó hiểu đang xuất hiện ở khắp nơi và “sớm nở chóng tàn” như những trào lưu lẻ tẻ trên TikTok.
Trong tuần này, Washington Post tuyên bố xu hướng “ngủ ở văn phòng” đang trở lại. Điều này dường như đáp lại lời thúc ép của tỷ phú Elon Musk rằng nhân viên phải làm việc nhiều giờ hơn hoặc chuyển việc. Thực tế, nhiều người được cho là đã chọn phương án rời đi.
Một trong số lời bao biện mới nhất cho văn hóa “làm việc chăm chỉ” là sự tung hô bức ảnh Esther Crawford, Giám đốc quản lý sản phẩm của Twitter, cuộn tròn trên sàn nhà văn phòng trong chiếc túi ngủ.
Đó là khung cảnh ảm đạm dễ thấy ở Thung lũng Silicon, khi người lao động phải làm việc liên tục, không được bổ sung những thanh ngũ cốc hay ghế massage, càng không có phòng ngủ trưa để đảm bảo duy trì số giờ nghỉ ngơi lành mạnh một tuần.
Gần đây, một nhà đầu tư mạo hiểm người Mỹ đăng bài trên Twitter ca tụng tương lai của công việc là “cống hiến chăm chỉ” và “làm việc tại văn phòng”. Elon Musk chắc chắn tán thành quan điểm bằng nút thích.
Trong khi đó, ở Vương quốc Anh, báo cáo mới từ Chartered Institute for Professional Development cho thấy 67% đối tượng khảo sát đã chứng kiến “chủ nghĩa nghỉ phép” (leavism) tại nơi làm việc trong năm qua. Đó là trường hợp nhân viên mang việc về nhà và/hoặc tận dụng kỳ nghỉ để giải quyết công việc tồn đọng.
“Nghỉ việc trong im lặng” (quiet quitting), người lao động từ chối làm thêm giờ hay nhận công việc nằm ngoài trách nhiệm của mình, cũng trở thành xu hướng sau “cuộc đại từ chức”, xen kẽ với “đại dịch kiệt sức”.
Đây cũng là một năm tranh cãi xung quanh “sự lười biếng”, khi cựu Thủ tướng Anh Liz Truss tuyên bố người Anh là “những kẻ lười biếng tồi tệ nhất trên thế giới”.
Điều này trái ngược tại Pháp, nơi có cuộc thăm dò quy mô lớn về thái độ làm việc trong tháng này. Kết quả cho thấy 69% đồng ý với khẳng định của chính trị gia đảng Xanh Sandrine Rousseau rằng người lao động nên có “quyền được lười biếng”. Trong đó, 54% coi công việc là sự ràng buộc và 45% chỉ làm đủ ở mức quy định tối thiểu.
Tỷ phú Elon Musk từng ngủ sàn nhà tại nhà máy suốt 3 năm để làm gương cho các nhân viên khác, khuyến khích họ “cống hiến hết mình”. Ảnh: Dado Ruvic.
Một niềm tin rộng rãi cũng đang được lan truyền rằng quyền được nghỉ ngơi, thư giãn và dành thời gian cho cuộc sống bên ngoài công việc là điều hiển nhiên, không phải sự buông thả bản thân của người lao động. Bởi đây là những lợi ích xã hội lịch sử mà rất khó khăn mới giành được.
Thời gian qua, nhiều mối đe dọa hiện hữu khác nhau mang đến cho con người rất nhiều góc nhìn và mô hình công việc mới. Thế nhưng, tất cả đang gặp khó khăn trong việc rút ra những kết luận hợp lý hoặc chưa thể gỡ nút thắt giữa làm việc chăm chỉ và vấn đề đạo đức.
Khi hỏi bạn bè sẽ làm gì nếu trúng xổ số, Beddington ngượng ngùng khi họ thừa nhận vẫn muốn làm việc. Về phía bản thân, cô giằng xé giữa việc cần phải thanh toán các hóa đơn, nhưng không muốn cuộc sống gắn liền với chiếc máy tính xách tay.
Beddington có một chút hy vọng. Theo một báo cáo, 86% công ty tham gia cuộc thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần của Vương quốc Anh dự kiến tiếp tục sau khi kết thúc.
“Liệu điều đó có nghĩa là có cách để dung hòa nhu cầu cấp thiết về vật chất, sự thôi thúc mỗi người phải có mục đích và làm việc hiệu quả, cũng như mong muốn được ở bên những người mình yêu thương, làm điều mình thích? Dù thế nào đi nữa, tôi vẫn sẽ nghỉ hôm nay”, Beddington nói.