Theo Business Insider, sự xuất hiện của “workfluencer” đánh dấu những thay đổi về mức độ mọi người chia sẻ về công việc trên Internet. Ảnh: Pexels.
Vốn thích chia sẻ, viết lách và nói chuyện, chị Nguyễn Thái Hà, hiện là Giám đốc dịch vụ tuyển dụng tại một doanh nghiệp, trở thành người làm nội dung về hướng nghiệp - tuyển dụng nhân sự, từ cuối năm 2019.
Khởi đầu từ những chia sẻ tại các hội, nhóm tuyển dụng trên mạng, chị chính thức làm chuyên nghiệp hơn từ tháng 3/2021, khi xây kênh riêng.
Hiện tại, số lượng người theo dõi trên các tài khoản mạng xã hội của chị Hà gần chạm mốc 400.000.
“Tôi đóng vai người ở giữa, kể những câu chuyện từ góc nhìn của cả người lao động lẫn người chủ sử dụng lao động. Bên cạnh đó, tôi cũng có tuyến nội dung về chọn ngành, chọn nghề, phát triển bản thân. Tôi muốn là người cung cấp thông tin đúng, đi kèm số liệu nếu có và chia sẻ khách quan”, chị nói với Zing.
“Workfluencer” là từ dùng để chỉ những người làm công việc như chị Hà.
Theo chị Thái Hà, “workfluencer” cần đạt 2 tiêu chí: có thực lực (chuyên môn chuẩn, có sự công nhận của cộng đồng, tạo ra ảnh hưởng tốt) và nổi tiếng (có từ 100.000 lượt theo dõi trở lên).
Theo Business Insider, khi đại dịch Covid-19 bùng phát dẫn đến xu hướng làm việc tại nhà, nhiều người tìm đến các nền tảng mạng xã hội để chia sẻ về sự nghiệp của họ.
Ở Tiktok, hashtag #careertiktok, nơi người dùng tiết lộ mức lương cũng như công việc hàng ngày của họ, thu hút hơn 1,5 tỷ lượt xem.
Tại LinkedIn, hơn 13 triệu người dùng đặt hồ sơ cá nhân ở “chế độ người tạo nội dung” để tăng khả năng hiển thị cho bài viết.
Khi các doanh nghiệp mở cửa trở lại, người dùng vẫn ưa thích nội dung liên quan đến công việc trên mạng xã hội.
Những làn sóng trong thị trường lao động như “đại từ chức” hay “đại cải tổ” đã khơi dậy nhu cầu tìm hiểu thông tin chuyên sâu về nghề nghiệp.
“Workfluencer”, người tạo nội dung về chủ đề công việc và gây được sức ảnh hưởng nhất định, đã bước vào khoảng trống này.
Ngày càng được quan tâm
Với kinh nghiệm tuyển dụng tại các lĩnh vực tài chính ngân hàng, công nghệ, marketing, FMCG (tiêu dùng nhanh), chị Lan Đoàn, phụ trách bộ phận tuyển dụng tại một nền tảng affiliate marketing (tiếp thị liên kết) lớn tại Việt Nam, sở hữu kênh chia sẻ kiến thức về tuyển dụng nhân sự có hơn 22 triệu view.
Theo chị, “workfluencer” có thể là chuyên gia trong lĩnh vực nào đó hoặc đơn giản là những bạn trẻ ít kinh nghiệm, nhưng muốn chia sẻ trải nghiệm cá nhân.
“Công việc luôn là chủ đề nhận được sự quan tâm vì mỗi người đều dành ra 8-12 tiếng/ngày để làm việc. Hiện nay, với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, ‘workfluencer’ có thêm nhiều ‘đất diễn’ hơn. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19 và những biến đổi kinh tế sắp tới, tôi tin rằng họ sẽ mang đến nhiều góc nhìn hữu ích về nghề nghiệp cho cộng đồng”, chị bày tỏ.
Chị Lan Đoàn nhận định “workfluencer” đã và đang mang đến nhiều góc nhìn hữu ích về nghề nghiệp cho cộng đồng.
Chị Lan lấy ví dụ trên các nền tảng mạng xã hội với phần lớn người dùng trong độ tuổi 18-24, có thể dễ dàng bắt gặp các clip hướng nghiệp, chia sẻ công việc đạt đến vài triệu, thậm chí chục triệu lượt xem.
Điều này cho thấy giới trẻ hiện nay không chỉ lên mạng xã hội để giải trí, mà còn rất quan tâm đến chủ đề công việc, nghề nghiệp.
Đồng quan điểm, chị Trang Nguyễn, Quản lý tuyển dụng khu vực miền Bắc của một thương hiệu truyền thông quảng cáo, cho rằng “workfluencer” có kinh nghiệm nhất định trong các lĩnh vực, cộng với khả năng chia sẻ và thu hút. Họ góp phần định hình quan điểm, xu hướng về công việc cho một nhóm người hoặc cộng đồng.
Bản thân chị Trang có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự - tuyển dụng tại các đơn vị lớn. Thương hiệu cá nhân của chị được xây dựng chính tại các nền tảng như LinkedIn có hơn 60.000 lượt theo dõi và podcast chia sẻ về công việc, nghề nghiệp thu hút trên 35.000 lượt xem.
Trong số kênh chia sẻ phổ biến, chị Trang cho rằng LinkedIn khá phù hợp vì đây là nền tảng tương đối chuyên nghiệp dùng để tìm kiếm các cơ hội việc làm, hợp tác.
“‘Workfluencer’ đã và đang truyền nhiều cảm hứng cho những người làm việc hoặc đang tìm việc. Những nội dung được chia sẻ cũng chạm được vào suy nghĩ sâu bên trong, nhiều khi như nói hộ lên nỗi lòng họ. Vì vậy, các bài viết, đăng tải ngày càng được quan tâm, nhiều người theo dõi, chờ đón”, chị nói.
Chị Trang nhận định việc trở thành KOL trong lĩnh vực nghề nghiệp cũng mang đến cho “workfluencer” nhiều cơ hội như trở thành diễn giả khách mời, người chia sẻ trong các buổi workshop trực tuyến/trực tiếp, cố vấn nội dung cho các chương trình.
Bên cạnh truyền cảm hứng cho người khác, “workfluencer” cũng mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp cho chính mình nhờ chia sẻ nội dung về công việc, theo chị Trang Nguyễn.
Một số “workfluencer” cũng được book quảng cáo từ những nhãn hàng có sản phẩm phù hợp với lĩnh vực nghề nghiệp họ hoạt động, được tài trợ hoặc miễn phí tham gia nhiều chương trình khác nhau.
Đặc biệt, bản thân họ cũng có cơ hội nghề nghiệp rộng mở khi nhiều người biết đến và đồng ý với quan điểm họ chia sẻ.
Chị Thái Hà cũng đồng ý rằng người tạo nội dung có nhiều cách để kiếm tiền, đặc biệt khi có sự nổi tiếng nhất định.
“Với ‘workfluencer’, tôi thấy có nhiều cách để họ gia tăng thu nhập như mở doanh nghiệp tư vấn, các khóa đào tạo; đi làm speaker tại các sự kiện; viết bài/quay clip PR theo booking của các nhãn hàng; tiếp thị liên kết để bán các sản phẩm liên quan gần gồm sách, khóa học”, chị nói.
Chị Hà cho biết thu nhập từ các kênh cá nhân của chị không đáng kể và mới có khoảng 6 tháng gần đây. Chị vẫn có thu nhập chính từ công việc toàn thời gian là làm giám đốc tuyển dụng.
“Tôi không muốn đồng tiền chi phối đến phát biểu của mình và không xác định đi theo hướng thương mại”, chị nói thêm.
Thận trọng với những gì chia sẻ
Với chị Thái Hà, “workfluencer” có tầm ảnh hưởng rất riêng. Họ có thể không có kênh lớn, không nhiều người theo dõi, nhưng lại ảnh hưởng đến quyết định nghề nghiệp, tư duy của khán giả.
Bởi vậy, xác định theo đuổi con đường này là mang trong mình trách nhiệm lớn, phải kiểm soát phát ngôn, kiểm tra kiến thức mình chia sẻ có đúng không.
Bản thân chị Hà rất nhiều lần lên tiếng về việc một số “workfluencer” có những phát biểu rất tiêu cực và phiến diện như “Con nhà nghèo không nên học Quản trị kinh doanh” hoặc “Không cần học đại học chuyên ngành Marketing”.
“Những phát ngôn này không chỉ ảnh hưởng tới khán giả, mà còn ảnh hưởng tới bên thứ 3 liên quan”, chị khẳng định.
Theo chị Hà, với nhân sự làm ở các công ty, việc phát triển hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội có được công ty khuyến khích hay không tùy thuộc chính sách của từng nơi.
“Ở các doanh nghiệp tôi từng làm việc qua, cấp trên đều rất ủng hộ vì họ nhìn thấy sự ảnh hưởng tích cực lên hoạt động của bộ phận tôi phụ trách. Ví dụ, với công ty hiện nay, 90% ứng viên và khách hàng đặt dịch vụ tuyển dụng là qua thương hiệu cá nhân của tôi, do đó công ty ủng hộ là chuyện dễ hiểu. Nhưng tôi cũng biết tại nhiều doanh nghiệp khác, họ quản trị rủi ro rất chặt chẽ, bao gồm cả việc nhân viên nói gì trên mạng xã hội”.
Không phải công ty nào cũng ủng hộ việc nhân viên phát triển thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội. Ảnh: Pexels.
Chị Lan Đoàn nhận định khi làm bất kỳ công việc gì, cần hiểu rõ ý nghĩa của từ “giới hạn”.
Theo chị, ai cũng được phép tự do ngôn luận, chia sẻ kiến thức, trải nghiệm của mình, nhưng trong giới hạn không làm ảnh hưởng xấu đến cá nhân hay tổ chức nào. Đặc biệt, với người có tầm ảnh hưởng trong một cộng đồng nào đó, phát ngôn của họ lại càng phải cân nhắc để mang lại giá trị tích cực cho khán giả, không thể muốn nói gì là nói, thậm chí cố tình nói những điều tiêu cực nhằm mục đích câu view.
“Đã là ‘workfluencer’ thì luôn cần có trách nhiệm với phát ngôn của mình”, chị khẳng định.
“Tôi tin rằng những người tạo ra giá trị bền vững sẽ luôn có chỗ đứng. Con người không ngừng làm việc và cũng sẽ không ngừng quan tâm đến ‘workfluencer’. Tuy nhiên, nếu chỉ là những ‘workfluencer’ theo kiểu ‘ăn xổi'’, câu like thì chắc chắn không bền vững. Chỉ khi đặt cái tâm vào công việc mới có thể đi xa và đi bền, bởi khán giả sẽ ngày càng đặt tiêu chuẩn cao hơn khi theo dõi những người có tầm ảnh hưởng”, chị nói thêm.
Về phía chị Trang Nguyễn, chị khuyên nếu có thể, “workfluencer” nên có một công việc toàn thời gian trong ngành/lĩnh vực cụ thể. Từ đó, các chia sẻ của họ được thực tế hơn và liên tục cập nhật.
Từ việc theo dõi, đọc và học hỏi, những người trẻ đã chủ động đưa ra các bình luận, ý kiến theo góc nhìn riêng. Đặc biệt, họ sẽ chia sẻ mạnh mẽ những bài đăng trùng với quan điểm của mình và đôi khi là ẩn ý gửi gắm đến ai đó như sếp, đồng nghiệp.
“Nếu lan tỏa nội dung tích cực, có ích, rất nhiều nơi sẽ khuyến khích việc nhân viên góp phần xây dựng thương hiệu công ty. Việc chia sẻ về công việc, công ty sẽ cần có giới hạn rõ ràng, không vi phạm những nội dung cần bảo mật, không ảnh hưởng đến hình ảnh của doanh nghiệp và cần nói đúng sự thật”, chị kết luận.