Ground Zero (New York) là một trong những khu vực điển hình của "du lịch u ám".
Bắc Triều Tiên, Đông Timor, Nagorno-Karabakh, khu vực miền núi diễn ra xung đột sắc tộc giữa người Armenia và người Azerbaijan trong nhiều năm, không phải là điểm du lịch hàng đầu với những tín đồ đam mê xê dịch.
Thế nhưng, Erik Faarlund (52 tuổi), biên tập viên của một trang web nhiếp ảnh từ Na Uy, đã đặt chân đến cả ba nơi này.
Chuyến đi “trong mơ” tiếp theo của anh là San Fernando (Philippines) vào dịp lễ Phục sinh.
Khác với vợ, người thích tắm nắng ở các bãi biển Địa Trung Hải, Faarlund thường đi du lịch một mình. Người đàn ông 52 tuổi luôn muốn khám phá những khu du lịch đen tối, một thuật ngữ chỉ những điểm tham quan gắn liền với cái chết, bi kịch và rùng rợn, theo CNA.
Tham quan nơi chết chóc
Xu hướng này nở rộ khi các kỳ nghỉ trở lại, nhiều người đã chán với cảnh chen chúc ở những khu vui chơi đông đúc, nổi tiếng. Họ muốn tận dụng thời gian của mình để đi sâu hơn vào những góc khuất ảm đạm, thậm chí bạo lực của thế giới.
Một số cho rằng việc đến các nhà máy hạt nhân bị bỏ hoang hoặc quốc gia từng xảy ra nạn diệt chủng là một cách để hiểu được thực tế khắc nghiệt của tình trạng hỗn loạn chính trị hiện nay, thảm họa khí hậu, chiến tranh và mối đe dọa ngày càng tăng của chủ nghĩa độc tài.
Theo một nghiên cứu được Passport-photo.online công bố vào tháng 9, hơn một nửa số người được khảo sát cho biết họ thích đến thăm các khu vực tương tự hoặc chiến trường cũ.
Khoảng 30% nói rằng một khi chiến tranh ở Ukraine kết thúc, họ muốn ghé qua nhà máy thép Azovstal, nơi các binh sĩ Ukraine chống lại lực lượng Nga trong nhiều tháng.
Rừng Aokigahara (Nhật Bản) thu hút nhiều du khách đến khám phá. Ảnh: Japan Travel.
Gareth Johnson, người sáng lập của Young Pioneer Tours, công ty đã tổ chức các chuyến đi cho Faarlund, cho biết ngày càng có nhiều người từ chối những chuyến nghỉ mát thông thường, thay vào đó họ chọn tận mắt chứng kiến các địa điểm từng trải qua sự kiện đau thương.
Thuật ngữ “du lịch đen tối” được đặt ra vào năm 1996, bởi J John Lennon và Malcolm Foley, hai học giả đến từ Scotland và tác giả của cuốn sách “Dark Tourism: The Attraction to Death and Disaster” (tạm dịch: Du lịch u ám: Sự hấp dẫn đến chết chóc và thảm họa).
Craig Wight, phó giáo sư quản lý du lịch tại Đại học Edinburgh Napier, cho biết không ít người tận dụng thời gian rảnh để tận mắt xem những nơi đã từng xảy ra sự kiện kinh hoàng trong hàng trăm năm qua thay vì chỉ đọc qua sách báo, tin tức.
Các điểm du lịch đen tại Mỹ được nhiều người biết đến là Ground Zero (vùng đất số 0) ở New York và Salem (Massachusetts), nơi du khách được khám phá về cuộc đàn áp những người bị buộc tội là phù thủy vào thế kỷ 17.
Những người đến Đức hoặc Ba Lan có thể ghé thăm trại tập trung. Tuy xuất phát từ nhiều mục đích khác nhau, nhìn chung, loại hình du lịch này vẫn quy tụ nhóm người mong muốn khám phá những góc tối trong lịch sử nhân loại, ngay cả khi điểm đến xa xôi hay nguy hiểm như Chernobyl, hiện trường của thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới.
Sức hấp dẫn từ du lịch đen
Dorina-Maria Buda, giáo sư nghiên cứu du lịch tại Đại học Nottingham Trent, cho hay trong những năm gần đây, khi công ty lữ hành mọc lên trên toàn thế giới và các tour du lịch u ám ngày càng tăng, sự chú ý của giới truyền thông khiến nhiều du khách lo lắng.
Những câu chuyện về nhóm người nhìn chằm chằm vào các khu dân cư ở New Orleans bị tàn phá bởi cơn bão Katrina hoặc tạo dáng chụp ảnh tự sướng tại Dachau gây nên làn sóng phẫn nộ.
Buda e ngại mọi người tới thăm những địa điểm này vì cảm giác mãn nhãn thay vì chia sẻ nỗi đau với vụ việc thương tâm.
David Farrier (39 tuổi), nhà báo đến từ New Zealand, đã dành một năm để ghi lại những chuyến đi đến Aokigahara, khu rừng tự sát ở Nhật Bản, La Catedral, nhà tù sang trọng mà Pablo Escobar xây cho mình (Colombia), McKamey Manor (Tennessee), ngôi nhà ma ám khét tiếng.
Cuộc hành trình này đã được chuyển thành bộ phim Dark Tourist, phát trực tuyến trên Netflix vào năm 2018 và bị một số nhà phê bình chế giễu là ma cà rồng, “bẩn thỉu”.
Farrier cho hay anh thường xuyên đặt câu hỏi về tác động đạo đức mỗi khi đặt chân tới một địa điểm mới.
“Thật đáng giá khi quay lại được những thước phim về các điểm đến và nghi lễ mà hầu hết mọi người muốn biết nhưng sẽ không bao giờ trải qua. Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được đến đây. Ghé thăm những nơi từng xảy ra sự kiện khủng khiếp giúp tôi khiêm tốn hơn và đối mặt với nỗi sợ hãi về cái chết”, Farrier chia sẻ.
Hành vi không chuẩn mực ở các điểm du lịch u ám là vấn đề gây tranh cãi. Ảnh: The Mirror.
Andrea Janes, chủ sở hữu và người sáng lập của Boroughs of the Dead: Macabre New York City Walking Tours, cho biết trong nhiều trường hợp, những chuyến du lịch ma quái có thể gây ra tình huống khó xử cho các nhà điều hành tour.
Vào năm 2021, Janes và các nhân viên bất ngờ khi lượng đặt vé hết nhanh chóng ngay khi thành phố vừa mở cửa. Mọi người đặc biệt háo hức được nghe những câu chuyện ma quái ở đảo Roosevelt, nơi có một bệnh viện đóng cửa từ thế kỷ 19 và từng điều trị cho bệnh nhân đậu mùa.
Kathy Biehl, sống ở thị trấn Jefferson (New Jersey), đã tham gia hàng chục chuyến du lịch ma quái cùng công ty Janes, nhớ lại kỷ niệm tham quan “Những bóng ma của tàu Titanic” dọc theo sông Hudson.
Đó là vào khoảng năm 2017, khi các tiêu đề bị chi phối bởi lập trường cứng rắn của cựu Tổng thống Donald Trump đối với người tị nạn và dân nhập cư vào Mỹ.
“Chuyến đi đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc”, Biehl bày tỏ.