Các báo cáo tổng quan thị trường di động 2022 tiên liệu một giai đoạn đi xuống của toàn ngành trong ngắn hạn. Các nhà sản xuất di động phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Samsung, thương hiệu số một thế giới về số lượng thiết bị bán ra cũng không đứng ngoài xu thế.
Bên cạnh dòng sản phẩm Galaxy S23 ra mắt tại sự kiện hôm 2/2, công ty Hàn Quốc còn gây bất ngờ bằng việc tiếp tục kinh doanh dòng S22 cơ bản. Đây là "quân domino" tác động đến chính sách của công ty trong cả năm 2023.
Chiến thuật mới ở sản phẩm cũ
Trong giai đoạn tăng trưởng nóng và cạnh tranh khốc liệt của ngành di động, số lượng thiết bị ra mắt mỗi năm của thương hiệu Hàn Quốc lên đến hàng chục model. Đồng thời, vòng đời của máy cũng bị rút ngắn, với 4-6 tháng trên kệ. Khi một model khác trình làng, thiết bị cũ được dừng sản xuất để hướng người dùng đến sản phẩm mới.
Tuy nhiên, 3 năm gần đây Apple đã thành công bằng chiến lược bán điện thoại mẫu cũ. Vòng đời thiết bị iPhone của thương hiệu này được nới rộng lên 2 năm. Đồng thời, sau mỗi lần ra mắt, model cũ lại được giảm giá.
Nhờ vậy, nhiều người dùng ở phân khúc trung cấp có thể sở hữu điện thoại Apple mới, chính hãng. Điều này trước đó khá hạn chế bởi giá cơ bản của iPhone thường ở mức cao, 700-1.200 USD.
Chiến thuật này được Samsung áp dụng ở thế hệ Galaxy S22. Khi dòng S23 ra mắt cách đây không lâu, công ty Hàn Quốc cho biết mẫu S22 cơ bản sẽ tiếp tục được kinh doanh và giảm giá còn 699 USD.
Tuy nhiên, khung sản phẩm của Samsung và Apple rất khác biệt. Dải smartphone của Apple tương đối trống trải với khoảng 6 model được bán đồng thời. Ngoài ra, phân khúc tầm trung cũng vắng bóng iPhone. Do vậy, động thái giảm giá, mở rộng vòng đời không tác động nhiều đến kế hoạch chung.
Trong khi đó, dưới Galaxy S, Samsung có hàng loạt thiết bị đang được bán đồng thời. Galaxy S FE, Galaxy A7x, Galaxy A5x… Việc công ty giảm giá flagship có thể tạo ra sự “dẫm chân”, cạnh tranh giữa các thiết bị của hãng ở cùng mức tiền.
Samsung chuyển mình
Tại Việt Nam, Samsung đã chuẩn bị cho tình hình mới từ 2021. Thế hệ Galaxy S22 được công ty này “giữ” giá ở mức ổn định suốt chu kỳ kinh doanh. Nói với Zing, đại diện công ty Hàn Quốc cho biết họ đã nỗ lực làm việc với các nhà bán lẻ để tránh hiện tượng thiết bị vừa bán ra vài tháng đã mất giá hàng chục triệu đồng.
Nhờ vậy, chính sách giảm giá, nới rộng vòng đời ở giai đoạn này mới thể hiện giá trị. Hiện tại, dòng S22 vẫn tiếp tục được các đại lý trong nước kinh doanh với giá khoảng 13-15 triệu đồng. Trao đổi với Zing, nhà bán lẻ CellphoneS cho biết sau điều chỉnh, thiết bị này tăng gấp đôi doanh số, đạt hơn 15.000 máy bán ra trong một tháng.
Tuy nhiên, chính việc giảm giá flagship cũng tác động trực tiếp đến doanh số của máy cận cao cấp. “Galaxy S20 và S21 FE được đón nhận tốt khi mới ra mắt. Tuy nhiên, khi Samsung giảm giá S22, doanh số thiết bị trực tiếp bị ảnh hưởng. Với giá mới, đa phần khách hàng sẽ ưu tiên lựa chọn model flagship bởi lợi thế về cấu hình, thiết kế”, đại diện hệ thống FPT Shop nói với Zing.
Ngoài ra, nhiều tin tức từ các nhà bán lẻ cho biết Samsung cũng phải điều chỉnh ở phân khúc tầm trung trong năm 2023.
Cụ thể, các đại lý tiết lộ công ty vẫn sẽ phát triển mạnh dòng Galaxy A, nơi mang lại nhiều doanh số nhất. Tuy nhiên, lượng thiết bị phải được thu hẹp lại để phù hợp với giai đoạn thấp điểm của thị trường. Đồng thời, khoảng cách giá của sản phẩm cũng được nới rộng nhằm tránh hiện tượng “dẫm chân”, khiến khách hàng khó đưa ra lựa chọn.
Bước thay đổi này đã được công ty Hàn Quốc áp dụng dần từ 2022. Thay vì hai lần ra mắt mỗi năm, Samsung chỉ trình làng một phiên bản A-series gồm Galaxy A53, Galaxy A73 vào đầu năm. Khác với tiền lệ trước đó là một dải thiết bị có hậu tố “s” như A52s, A72s vào cuối năm.
Tính trên một giai đoạn xa hơn, lượng thiết bị Samsung ra mắt hiện đã giảm rất nhiều so với trước. Hiện thương hiệu này chỉ giữ ba dòng sản phẩm chính là A, S và Z.
Tái chế
Ngoài các tính năng quan trọng về hiệu suất, camera, Samsung còn nói nhiều về nguyên liệu tái chế và bảo vệ môi trường trên điện thoại Galaxy. Tại Mỹ, công ty này đẩy mạnh việc tân trang điện thoại và bán trên website chính thức. Điều này giúp mở rộng dải sản phẩm mà không cần thêm chi phí nghiên cứu và phát triển.
Với dòng S23, công ty này cũng tiếp tục sử dụng nhiều yếu tố như màn hình, pin hay khung máy tương tự thế hệ trước. Nói với Zing, đại diện một đại lý di động giấu tên cho biết thế hệ mới vẫn có thể được sản xuất trên dây chuyền cũ. Nhờ vậy, hãng tiết kiệm được nhiều chi phí trong giai đoạn khó khăn của ngành di động.
Ngoài ra, theo chuyên gia Mingchi-Kuo của TF Securities, lượng tồn kho của Samsung và các nhà sản xuất Android đang ở mức cao. Trang The Elec của Hàn Quốc cho biết con số có thể vào khoảng 50 triệu máy. Do đó, việc rút gọn dải sản phẩm mới, nới rộng vòng đời thiết bị cũ là biện pháp giúp công ty giảm áp lực.