Tại phiên họp pháp luật tháng 9/2022 diễn ra ngày 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Đánh giá tác động khi mở rộng phạm vi áp dụng luật
Thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định về: Quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giao dịch điện tử để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định pháp luật về giao dịch điện tử; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong từng lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Về cách thức thực hiện từng loại hình giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước, ông Huy cho rằng, cần bổ sung quy định giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, sử dụng cổng dịch vụ công; quy định về việc cấp phép sử dụng và cấp quyền tương ứng cho dữ liệu mở; quy định thúc đẩy dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước…
Các loại hình giao dịch điện tử như: Giao dịch điện tử trong cơ quan hành chính và dịch vụ hành chính công; giao dịch điện tử trong lĩnh vực thương mại điện tử; giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; giao dịch điện tử xuyên biên giới và xây dựng một chương riêng về các nội dung này.
Nền tảng số, một số nguyên tắc để phát triển hệ thống thông tin nền tảng số phục vụ giao dịch điện tử, bảo đảm phát triển các nền tảng số quốc gia thân thiện, dùng chung, có khả năng kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu, hoạt động đồng bộ, tránh việc triển khai phân tán, rời rạc, sử dụng trùng lặp nhiều giải pháp chuyển đổi số khác nhau. Bởi vì nền tảng số là vấn đề quan trọng, được xem là điểm mấu chốt để vừa phát triển kinh tế số, xã hội số, vừa bảo đảm chủ quyền số quốc gia.
Thảo luận tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, tại thời điểm Luật Giao dịch điện tử năm 2005 được ban hành, do nhiều yếu tố khác nhau, trong đó chủ yếu là do công nghệ chưa sẵn sàng, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an toàn, tin cậy, nên một số loại giao dịch bị loại khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật này. Chẳng hạn như: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác.
Việc loại trừ này làm hạn chế việc triển khai ứng dụng giao dịch điện tử, thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực thuộc phạm vi kể trên.
Còn dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội đối với các loại giấy tờ, văn bản trên.
Để đảm bảo tính khả thi khi Luật có hiệu lực thi hành, Ban soạn thảo dự án Luật cần có thêm đánh giá tác động đến đời sống xã hội khi mở rộng phạm vi điều chỉnh xem có vướng mắc gì không. Việc này góp phần để khi Luật áp dụng vào thực tiễn cuộc sống thì có thể thực hiện được ngay tới tất cả các vùng miền, đối tượng. Ngoài ra, cũng để tránh trường hợp nếu Luật có hiệu lực mà không thực hiện trong thực tiễn thì hệ quả pháp lý và tốn kém về mặt kinh tế rất lớn.
Không nên phát sinh thủ tục, điều kiện bắt buộc
Cũng góp ý về mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, khi mở rộng phạm vi thực hiện được những giao dịch điện tử yêu cầu cần có sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ. Nếu mở rộng phạm vi áp dụng mà hạ tầng công nghệ, kỹ thuật không đồng bộ thì khi áp dụng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vào cuộc sống rất khó khả thi.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, ở nhiều nước phát triển không mở rộng hết giao dịch điện tử hết ở các lĩnh vực, trong đó có vấn đề các giao dịch liên quan đất đai. Nếu mở rộng phạm vi thì mở rộng đến đâu, trong thời gian là bao nhiêu năm và phải đảm bảo tính khả thi khi Luật được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, Ban soạn thảo và thẩm tra dự án Luật cần tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng việc mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, dự án Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong Kỳ họp tới. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần đề cập rõ hơn về mục đích, quan điểm, sự cần thiết của việc ban hành dự án Luật; về các quy định quốc tế và việc Việt Nam đã học hỏi, tiếp thu được những gì từ các nước trên thế giới.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Khi sửa đổi Luật Giao dịch điện tử phải đảm bảo liên quan đến chuyển đổi số, an toàn thông tin, an ninh mạng; quản lý theo không gian thực như thế nào thì Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần phải tính toán, xem xét kỹ lưỡng.
Đặc biệt lưu ý về hạ tầng cơ sở kỹ thuật, công nghệ có đáp ứng được khi mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội. Mặt khác, dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cũng phải đảm bảo an toàn thông tin, quyền công dân, bí mật riêng tư cho người dân. Người dân không muốn công khai thông tin thì phải đảm bảo an toàn cho họ.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, việc sửa đổi Luật không nên phát sinh thủ tục, điều kiện bắt buộc cho người dân, chính sách thực hiện cũng cần rõ ràng. Bên cạnh đó, để tránh mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác, Ban soạn thảo nên có thống kê, phân tích về việc sửa đổi luật thì phải thay đổi các luật khác như thế nào. Các giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước, trong một số lĩnh vực khác như dịch vụ công, tài chính ngân hàng cần thiết có quy định chung, quy định riêng.