CTCP Sữa Quốc tế (IDP) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên, với kế hoạch doanh thu thuần 7.141 tỷ đồng, tăng 17% so với thực hiện năm 2022. Ngược lại, lãi sau thuế dự kiến giảm 4%, xuống còn 776 tỷ đồng.
Nhận định về thị trường sữa, IDP cho biết năm 2022 thị trường đã hồi phục khi các hạn chế về Covid-19 đã được dỡ bỏ, việc sản xuất phân phối đã quay trở lại như bình thường. Tuy nhiên, do xung đột Nga-Ukraine đã làm thiếu hụt nguồn cung toàn cầu cũng như lạm phát tăng cao bào mòn thu nhập có thể sử dụng của người tiêu dùng.
Riêng về xu hướng tiêu dùng, các sản phẩm sữa hữu cơ, sữa tươi tự nhiên, sữa thực vật và sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa sữa tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2022-2031 tạo cơ hội cho ngành sữa tiếp tục phát triển trong những năm tới.
Phát hành riêng lẻ để trả nợ ngân hàng và thanh toán chi phí marketing
Đáng chú ý, Đại hội lần này IDP cũng sẽ trình cổ đông thông qua phương án chào bán hơn 2,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ, nhằm bổ sung vốn lưu động và trả nợ vay ngân hàng. Giá chào bán không thấp hơn bình quân giá tham chiếu của 20 ngày giao dịch liên tiếp trước ngày HĐQT thông qua giá chào bán và không thấp hơn giá trị sổ sách tại ngày 31/12/2022 là 30.615 đồng/cp.
Dẫn chứng dữ liệu từ HNX, bình quân giá tham chiếu của 20 ngày giao dịch liên tiếp trước ngày 24/3/2023 của IDP là 195.785 đồng/cp. IDP tạm tính theo mức giá này, tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt phát hành riêng lẻ là gần 471 tỷ đồng. Trong đó, Công ty sẽ:
+ Chi 230 tỷ đồng cho việc mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh, trả nợ cho Ngân hàng BIDV và Ngân hàng VietinBank;
+ Chi 41 tỷ còn lại thanh toán chi phí marketing. Được biết, IDP là một trong những “tay chơi” rất chịu chi cho quảng cáo, marketing.
Năm 2022, BCTC của IDP ghi nhận chi phí bán hàng ở mức 1.282 tỷ đồng, tăng 29,5% so với năm trước. Riêng chi phí cho quảng cáo là 709,5 tỷ đồng, tăng 40,3% so với năm 2021 và chiếm 55,3% tổng chi phí bán hàng, tương đương mỗi ngày IDP chi khoảng 1,94 tỷ đồng cho hoạt động này.
IDP hiện được biết đến với thương hiệu sữa hộp Kun, Ba Vì. Dù quy mô và doanh thu chỉ bằng 1/10 so với “chị đại” Vinamilk, song chi phí chi cho quảng cáo không kém cạnh. Khi, nếu Vinamilk bỏ ra 10 đồng quảng cáo thì IDP cũng chịu bỏ ra hơn 6 đồng.
Thị giá gần 240.000 đồng/cp, phát hành 1,2 triệu cổ phiếu ESOP giá chỉ 10.000 đồng/cp
Trên thị trường, thị giá IDP đang ở mức khá cao với gần 240.000 đồng/cp.
Trở lại với Đại hội sắp tới, IDP còn trình cổ đông thông qua việc hủy phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) đã được ĐHĐCĐ 2022 thông qua ngày 7/4/2022, và thay thế bằng phương án phát hành mới.
Cụ thể, Công ty sẽ phát hành gần 1,2 triệu cổ phiếu ESOP cho Ban Tổng Giám đốc, các cấp quản lý và người lao động, nhằm bổ sung vào nguồn vốn lưu động phục vụ cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Giá phát hành là 10.000 đồng/cp, thấp hơn 96% so với thị giá hiện nay.
Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2023, sau khi đã thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ và thời điểm cụ thể do HĐQT quyết định sau khi được UBCKNN chấp thuận. Số cổ phiếu của 2 đợt phát hành đều bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm từ thời điểm phát hành.
Năm 2022, IDP ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.086 tỷ đồng, tăng 26%. Khấu trừ chi phí, lãi sau thuế giảm nhẹ còn 810 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, HĐQT trình ĐHĐCĐ quyết định việc chia cổ tức năm 2022 làm 2 đợt, cụ thể:
+ Đợt 1/2022 bằng tiền, với tỷ lệ 15% (1.500 đồng/cp), tương ứng chi hơn 88 tỷ đồng trả cổ đông vào ngày 31/10/2022.
+ Đợt 2/2022 sẽ ủy quyền cho HĐQT căn cứ vào kết quả kinh doanh, dòng tiền để quyết định việc chia cổ tức 2022.
Năm 2023, vấn đề cổ tức sẽ ủy quyền cho HĐQT toàn quyền quyết định tất cả các vấn đề liên quan, gồm việc thực hiện hay không thực hiện tạm ứng cổ tức, tỷ lệ tạm ứng, thời gian, và phương thức chi trả…