Bộ phim truyền hình của đài JTBC (Hàn Quốc) “Reborn Rich” đã cho thấy sức hút trong thời gian gần đây với tỷ suất người xem đạt kỷ lục, vượt qua loạt phim ăn khách toàn cầu “Extraordinary Attorney Woo” ngay khi mới chỉ phát sóng được 8 tập.
Thành công của bộ phim không chỉ giới hạn ở quê nhà mà còn đang là chương trình truyền hình được xem nhiều nhất ở thị trường châu Á chỉ 10 ngày sau khi khởi chiếu.
Bên cạnh việc có sự góp mặt của dàn diễn viên toàn sao, nổi bật là vai chính do Song Joong Ki đảm nhận. Sức hút của bộ phim còn đến từ việc Tập đoàn Tập đoàn Soonyang trong phim được mô phỏng theo Samsung, một trong những cái tên quyền lực và giàu có hàng đầu tại xứ sở kim chi.
Niềm đam mê với giới tài phiệt
San Kyung, tác giả tiểu thuyết gốc “The Youngest Grandson of a Chaebol Family” (tạm dịch: Cậu út nhà tài phiệt), cho hay ông tin rằng sự yêu thích của mọi người đối với các chaebol bắt nguồn từ việc sống trong xã hội có sự phân chia thứ bậc quá rõ ràng.
Theo ông, con người và loài linh trưởng nói chung chia mọi thứ thành từng bậc theo bản năng. Ngay cả trên máy bay, người ta cũng chia thành hạng nhất, hạng thương gia và hạng phổ thông. Có những người muốn xóa bỏ sự phân biệt như vậy, nhưng nhiều người lại muốn leo lên nấc thang cao hơn.
Ông nói: “Khi thấy nhân vật Jin Yang-cheol, người được coi là phản diện, có được nhiều tình cảm và sự quan tâm từ người xem, tôi nhận ra rằng, với bản năng của mình, mọi người thường bị thu hút bởi những kẻ thống trị quyền lực”.
Mặc dù được sinh ra trong tầng lớp thượng lưu, trở thành người “ngậm thìa vàng” (tiếng lóng của chỉ những người sinh ra trong gia đình giàu có) là bước tiến vượt bậc so với thân phận “ngậm thìa đất” ở kiếp trước, nhân vật chính vẫn phải cố gắng chứng minh giá trị của mình để thu hút sự chú ý của ông ngoại.
Câu chuyện phim kết hợp đầy đủ cả yếu tố hiện thực và giả tưởng khi nội dung được khai thác dựa trên các sự kiện lịch sử quan trọng. Việc nhân vật biết trước tương lai, mạnh dần lên để cuối cùng tiêu diệt Tập đoàn Soonyang trở thành yếu tố tâm lý khiến người xem thỏa mãn khi xem phim.
“Người xem cảm thấy vui khi nhân vật đạt được thành công. Sự lôi cuốn nằm ở chỗ, giống như một người chơi trong trò chơi điện tử, họ đặt mình vào vị trí của nhân vật chính và cảm thấy như chính mình đã lật đổ gia đình chaebol và chiến thắng”, Seo Eun-young, học giả chuyên nghiên cứu về truyện tranh Hàn Quốc, phân tích.
Không phải trào lưu mới nổi
Ngay từ đầu những năm 2000, “huibinghwan” (kết hợp của sự hồi quy, sở hữu và tái sinh trong tiếng Hàn), loại hình kể chuyện viễn tưởng có tình tiết hồi sinh, quay ngược thời gian hay linh hồn sống trong cơ thể khác đã phổ biến trong thế giới tiểu thuyết và webtoon (tạm dịch: truyện tranh số).
Và giờ đây, nó được yêu thích trên màn ảnh.
Thể loại này đặc biệt phổ biến với những thanh thiếu niên ở độ tuổi 20. Theo Seo, sự nổi lên của “huibinghwan” gắn liền với giai đoạn thay đổi văn hóa và xã hội tại Hàn Quốc.
“Sự chênh lệch về kinh tế trong xã hội đã quá lớn khiến việc đổi đời ngày càng khó khăn. Thế hệ trẻ giai đoạn này được hình dung qua những thuật ngữ phổ biến như ‘sampo saedae’ (không còn mong muốn kết đôi, sinh con hay mua một ngôi nhà) hay rộng hơn là ‘nthpo saedae’ (chấp nhận buông xuôi trước thực tế khắc nghiệt)”, cô nói.
Seo chia sẻ thêm rằng các thuật ngữ được sử dụng thường xuyên khác như ‘thìa đất’, 'địa ngục Joseon', tất cả đều phản ánh cơn thịnh nộ và cảm giác bất lực trước thực tế xã hội của họ.
Những thanh thiếu niên đó cần có hy vọng để tồn tại. Chính điều này khiến họ bị thu hút bởi khái niệm làm lại, giống như nút khởi động quen thuộc vẫn xuất hiện trong các trò chơi điện tử.
Seo cho biết cô tin rằng việc những câu chuyện mà nhân vật có thêm cơ hội thứ hai trong đời nhận được ủng hộ nhiệt tình phần nào phản ánh mong muốn của nhiều khán giả trẻ tuổi. Dù chỉ là hư cấu nhưng với họ chỉ vậy thôi đã là đủ.