Các nguồn tin trong ngành và chính phủ cho biết, Pakistan đang rất muốn mua dầu thô giá rẻ và các sản phẩm dầu giảm giá từ Nga do nước này đang phải vật lộn với nợ nước ngoài cao và đồng nội tệ yếu, nhưng các rào cản như chi phí hậu cần cao và đặc điểm kỹ thuật sản phẩm không phù hợp đang cản trở.
Các giám đốc điều hành nhà máy lọc dầu và nhà phân tích có trụ sở tại Karachi chia sẻ với S&P Global Commodity Insights rằng khi Pakistan tiếp tục bị thiếu dự trữ ngoại hối nghiêm trọng, bất kỳ thỏa thuận ngắn hạn hoặc dài hạn nào với Nga để mua dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ với giá thấp cũng sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính của quốc gia.
Theo ngân hàng trung ương, dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Pakistan gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 9 năm là 3 tỷ USD. Khoản tài chính dự phòng của đất nước này ngày 1/7/2022 ở mức khoảng 10,309 tỷ USD, ghi nhận mức giảm 7 tỷ USD chỉ trong vòng 7 tháng. Nền kinh tế Pakistan đã bị tàn phá bởi lũ lụt trong quý III/2022, gây thiệt hại 16 tỷ USD, trong khi xuất khẩu mặt hàng dệt may của nước này không mang lại nhiều thu nhập bằng USD vào năm 2022 do nhu cầu của Trung Quốc sụt giảm.
Các loại dầu thô xuất khẩu khác nhau của Nga đang được trao đổi với mức chiết khấu cao ở châu Á và người tiêu dùng ở Pakistan có thể tận dụng tối đa mức giá rẻ hơn này. Theo Bộ trưởng Năng lượng Musadik Malik, nhà máy lọc dầu Pakistan, hay PRL có khả năng chuyển 50% nguồn nguyên liệu thô sang dầu thô của Nga, trong khi nhà máy lọc dầu Pak Arab, hay PARCO có thể đáp ứng tới 30%.
Theo ông Khurram Schehzad, giám đốc điều hành của công ty tư vấn tài chính và chiến lược đầu tư Alpha Beta Core có trụ sở tại Karachi cho hay, về lý thuyết, Pakistan có thể tiết kiệm khoảng 1 tỷ USD hàng năm cho tổng hóa đơn nhập khẩu dầu, tính đến mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga và giả định rằng một số lô hàng sản phẩm dầu của Nga có thể được mua với mức chiết khấu từ 30% trở lên.
Pakistan đã nhập khẩu khoảng 60,7 triệu thùng dầu thô trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/ 6/2022, khiến quốc gia này tiêu tốn khoảng 5,6 tỷ USD. Trong khi đó, nước này đã chi 3,1 tỷ USD để nhập khẩu 64,5 triệu thùng trong năm tài chính trước đó, dữ liệu từ Cục Thống kê Pakistan cho thấy.
Đồng thời, dữ liệu cũng cho thấy, Pakistan đã chi 12 tỷ USD để nhập khẩu 135 triệu thùng sản phẩm dầu trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/6/2022, so với 5,1 tỷ đô la chi cho 105 triệu thùng nhiên liệu một năm trước đó.
Nhiều khó khăn
Bất chấp các ưu đãi và giảm giá hấp dẫn, các nhà máy lọc dầu và phân phối nhiên liệu của Pakistan chỉ ra rằng việc mua dầu của Nga không hề dễ dàng vì các đánh giá về kỹ thuật, thương mại, hậu cần và tài chính đều phải hợp lý.
Trước đó, trong tháng 6/2022, đánh giá ban đầu của các nhà máy lọc dầu địa phương về các loại dầu thô của Nga đã chỉ ra rằng dầu Urals có thể là một trong những lựa chọn nguyên liệu phù hợp nhất. Tuy nhiên, sau khi tiến hành đánh giá và phân tích sâu hơn về đặc điểm kỹ thuật nguyên liệu và hệ thống lọc dầu, ngành công nghiệp nhận thấy rằng các loại dầu thô nhẹ hơn của Nga, chẳng hạn như ESPO Blend và Sokol mới là sản phẩm thích hợp.
Trong khi đó, chi phí vận chuyển dầu thô Sokol và ESPO từ Nga có thể cao hơn nhiều so với chi phí vận chuyển dầu thô thông thường ở Vịnh Ba Tư. Cụ thể, chi phí vận chuyển cho một tàu chở dầu thông thường từ Trung Đông đến Pakistan thường dao động trong khoảng từ 800.000 - 1 triệu USD, nhưng chi phí từ Nga sẽ cao hơn ít nhất gấp 3 lần vào khoảng 3 - 3,5 triệu USD. Chuyến đi của tàu chở dầu Vịnh Ba Tư đến Pakistan chưa đầy 5 ngày nhưng sẽ mất hơn 22 ngày từ Nga.
Yousuf Saeed, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Darson Securities có trụ sở tại Karachi, cho biết, các ngân hàng Pakistan không sẵn sàng mở tín dụng cho các công ty thương mại địa phương muốn mua bán dầu Nga do các lệnh trừng phạt quốc tế và các vấn đề thanh toán. Cũng có một số lượng hạn chế các tàu chở dầu của Nga có sẵn để vận chuyển dầu thô của Nga đến Nam Á vì các nhà cung cấp dầu Sokol và ESPO đang tập trung cao độ vào việc phục vụ nhu cầu của người mua Trung Quốc.
Các hợp đồng cung ứng hiện có
Các nhà phân tích và nguồn tin từ nhà máy lọc dầu cho biết, các hợp đồng cung cấp có kỳ hạn hiện tại của Pakistan với các nhà cung cấp Trung Đông cũng là một trở ngại đối với giao dịch dầu thô của Nga.
Pakistan không thể bỏ qua các hợp đồng cung cấp dầu thô dài hạn từ Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vì họ là những đối tác kinh tế và ngoại giao quan trọng. Trên thực tế, Pakistan chỉ có thể mua tối đa 25% tổng lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga.
Đối với các sản phẩm dầu mỏ, Pakistan đã có các thỏa thuận cung cấp dầu diesel dài hạn với Công ty Dầu mỏ Kuwait, do đó còn rất ít chỗ để cung cấp các sản phẩm chưng cất trung bình của Nga.
Tham khảo: S&P Global.